Trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm đẩy mạnh củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia các cấp. Hội Luật gia Việt Nam đã có bước phát triển tích cực, hệ thống tổ chức được thành lập từ Trung ương đến cơ sở, số lượng đội ngũ hội viên tăng lên, chất lượng được nâng cao; các cấp Hội đã tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc(1).
Tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật
Hội Luật gia các cấp đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng; chất lượng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, bám sát yêu cầu thực tiễn vào việc xây dựng và hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nổi bật là:
(1) Chủ trì xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại: Hội Luật gia Việt Nam xây dựng Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đề xuất của Hội Luật gia Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội chủ trì xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại.
|
Hội thảo góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh |
(2) Tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập 22 dự án luật, pháp lệnh, nghị định và văn bản quy phạm pháp luật khác,trong đó có nhiều dự án luật quan trọng(2). Nhiều Chi hội Luật gia ở các bộ, ngành và các cấp Hội Luật gia ở địa phương đã phát huy tốt vai trò, cử đại diện của Hội trực tiếp tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập của nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành và địa phương, được cấp uỷ, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương ghi nhận.
(3) Tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học, hội nghị góp ý, phản biện xã hội cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong 5 năm qua, Trung ương Hội đã tổ chức được 126 hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu góp ý vào các chương trình, dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi),… Hội Luật gia các cấp ở địa phương và các Chi hội trực thuộc Trung ương, hằng năm, theo yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan hữu quan, các cấp hội đã tổ chức góp ý hàng chục ngàn lượt cho dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương; tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý của các cấp chính quyền; xây dựng các quy chế, hương ước, quy ước văn hoá và các quy định tự quản khác ở địa phương, đơn vị, cơ sở.
|
Hội thảo góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại tại thành phố Hà Nội |
(4) Tham gia khảo sát, tổng kết, đánh giá việc thi hành pháp luật, rà soát, tổng hợp những vướng mắc, kiến nghị xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật. Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia có hiệu quả vào việc khảo sát, tổng kết việc thi hành nhiều luật như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Phá sản, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Trọng tài thương mại, Luật Mặt trận Tổ quốc, Luật Đất đai,... Hoạt động này góp phần tạo dựng một kênh thông tin khách quan, có ý nghĩa phản biện và có giá trị tham khảo, được các cơ quan hữu quan đánh giá cao trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, đã tham gia tích cực vào hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 236/QĐ-TTg, ngày 12/02/2020; chủ trì xây dựng Báo cáo “Rà soát cụ thể, đánh giá pháp luật và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại”; nghiên cứu, đánh giá pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng;…
|
Hội thảo góp ý Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Yên Bái |
Tham gia công tác cải cách tư pháp
Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực và có hiệu quả vào công tác cải cách tư pháp, hoàn thành tốt vai trò thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Hội đã xây dựng báo cáo“Đánh giá toàn diện công tác xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện pháp luật, các mục tiêu cải cách tư pháp giai đoạn 2011- 2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch 5 năm 2021-2025”(3); Chuyên đề “Bảo đảm thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với hoạt động tư pháp”;… Nhất là, Hội đã chủ trì xây dựng các Đề án quan trọng phục vụ công tác cải cách tư pháp như: Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp”(4), hiện nay Đề án đã được Ban Bí thư giao tổ chức thí điểm trong năm 2024(5); Đề án“Tổng kết, đánh giá chế định bào chữa viên nhân dân để có giải pháp trong thời gian tới”(6).
|
Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) |
Bên cạnh đó, Hội Luật gia Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ là thành viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và thành viên Hội đồng tư vấn án lệ. Các cấp Hội tiếp tục tham gia tích cực vào công tác cải cách tư pháp, giám sát và phản biện xã hội theo chức năng, nhiệm vụ thông qua việc cử cán bộ tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ là thành viên các đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tại địa phương; tham gia góp ý kiến phản biện dự thảo các văn bản hướng dẫn về thực hiện cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tham gia phản biện các dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân địa phương; tham gia giám sát, phản biện về thực hiện chính sách, pháp luật đối với việc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em; tham gia Đoàn giám sát của các cơ quan, ngành.Các ý kiến tham gia, phản biện được các địa phương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp ghi nhận, đánh giá cao(7).
(1) Nguồn: Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. (2) Như: Luật Kiểm toán, Luật Đất đai, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xử lý vi phạm hành chính,… (3) Tại Quyết định số 85/QĐ-BKHĐT, ngày 29/01/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị nghiên cứu các chuyên đề phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 – 2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). (4) Được Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương giao theo Chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2018. (5) Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện, giai đoạn 1 đã thực hiện khảo sát tại 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Yên Bái, Thái Bình; giai đoạn 2 thực hiện tại 8 tỉnh thành phố trong năm 2024. (6) Theo Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. (7) Trong nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia các tỉnh, thành phố đã tham gia hơn12.700 đoàn giám sát; tham gia giám sát, phản biện hơn 2.400 ý kiến vào các dự thảo văn bản, chương trình, đề án, kế hoạch ở địa phương. |
Trần Văn Lâm
(Ban Nội chính Trung ương)