Mục đích của việc ban hành Kế hoạch nhằm quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và hoạt động khác có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nắm vững 28 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án để tự soi, tự sửa; xây dựng tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, tránh mắc phải khuyết điểm, vi phạm.
|
Hội nghị triển khai nhiệm vụ nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp tỉnh Bình Định năm 2024 |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng và người có thẩm quyền phải chấp hành đúng nguyên tắc, phương thức, nội dung lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật, quy định của Đảng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; không lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền và công tác giám sát của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Về nhiệm vụ trọng tâm, ngoài việc tăng cường công tác bồi dưỡng, giáo dục về chính trị, tư tưởng, đạo đức và ý thức tự giác chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; đào tạo, tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ có chức danh tư pháp trong các cơ quan tư pháp, thi hành án và hoạt động khác có liên quan, bảo đảm có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, uy tín, trình độ chuyên môn và năng lực công tác, cần tập trung hoàn thiện các tiêu chí về chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, quy trình nghiệp vụ; quy chế hoạt động của tổ chức đảng, người có thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tố tụng, thi hành án và hoạt động khác có liên quan, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện; quy định cụ thể các hành vi sai phạm bị xử lý kỷ luật trong hoạt động tư pháp, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để cấp ủy, người có thẩm quyền giám sát chặt chẽ các hoạt động trong lĩnh vực tư pháp và thi hành án; đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, trang thiết bị, phương tiện, công cụ phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xây dựng cơ chế, biện pháp phòng ngừa sai phạm; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tự kiểm tra, thanh tra, giám sát nội bộ của các cơ quan tư pháp, thi hành án để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương, các cơ quan tư pháp, thi hành án tỉnh, trong đó, giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị theo Kế hoạch đã đề ra.
Mỹ Ngọc