|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại họp báo.
|
Buổi họp báo diễn ra ngay sau Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 3 và quý I-2023; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển KTXH trong quý II-2023 và thời gian tới.
Nhiều điểm sáng trong phát triển KTXH
Thông tin về Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết: Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định quý I-2023 vừa đi qua, có rất nhiều khó khăn, thách thức dưới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới.
Cụ thể, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - U-crai-na tiếp tục phức tạp hơn. Kinh tế thế giới có xu hướng sụt giảm. Giá một số mặt hàng chiến lược không ổn định. Lạm phát thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Chính sách tiền tệ các nước tiếp tục thắt chặt. Các rủi ro gia tăng, nhất là thị trường tài chính, ngân hàng toàn cầu; một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu phải ngừng hoạt động, phá sản, trong đó có cả những ngân hàng có lịch sử lâu đời. Sức mua từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU giảm sút... Ở trong nước, với quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế. Đặc biệt, nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi nên chịu tác động lớn, bất lợi bởi diễn biến của tình hình thế giới; số lượng đơn hàng, chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã bám sát diễn biến tình hình, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH (trong đó tập trung vào 3 đột phá chiến lược); vừa tiếp tục khắc phục các tồn tại, hạn chế; vừa tập trung xử lý các vấn đề phát sinh. Qua đó, tình hình KTXH nước ta trong tháng 3 và quý I-2023 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực với nhiều điểm sáng, thực hiện được các mục tiêu Trung ương, Quốc hội giao. Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. GDP quý I tăng 3,32% trong điều kiện có rất nhiều khó khăn; 58/63 địa phương tăng trưởng dương, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng cao (Hậu Giang 12,67%; Bình Thuận 9,86%; Hải Phòng 9,65%; Khánh Hòa 9,07%; Cà Mau 9,05%). Lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ có xu hướng giảm dần qua các tháng. Các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước quý I đạt 30,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Tính chung quý I xuất siêu 4,07 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công tăng 11,6 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I tăng 3,7% so với cùng kỳ. Thu hút FDI quý I có những tín hiệu tích cực: số dự án FDI đăng ký mới tăng 58,6% so với cùng kỳ; tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần đạt gần 2,77 tỷ USD, tăng 51,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI thực hiện đạt 4,32 tỷ.
An sinh xã hội được bảo đảm, kinh phí trợ Tết trên toàn quốc là gần 10 nghìn tỷ; hỗ trợ 18.300 tấn gạo cho gần 205.000 hộ với 1,2 triệu nhân khẩu. Dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác được kiểm soát tốt. Việt Nam tăng 12 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân.
Còn nhiều thách thức, khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương cũng thẳng thắn cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Cụ thể, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro; lạm phát chịu nhiều sức ép. Điều hành chính sách tiền tệ trong nước khó khăn trong bối cảnh chính sách tiền tệ nhiều nước tiếp tục thắt chặt và khó dự báo. Sản xuất công nghiệp có sự sụt giảm. Việc triển khai một số chính sách của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn có mặt hạn chế. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo...
Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới
Sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, đặc biệt nhấn mạnh, thời gian tới những khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn so với cơ hội, thuận lợi; áp lực đặt ra là rất lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, quan điểm chỉ đạo, điều hành là: Phải bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền chủ động, tích cực và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là: Tiêu dùng; đầu tư; xuất khẩu.
Một số giải pháp cụ thể:
- Tiếp tục nhất quán mục tiêu bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Bảo đảm 4 cân bằng giữa lãi suất và tỉ giá; giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; giữa chính sách tiền tệ và tài khóa; giữa tình hình bên trong và bên ngoài. Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
- Tập trung làm tốt công tác quy hoạch để tạo không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển KTXH. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo sinh kế cho người dân. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, rà soát, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn pháp lý; cắt bỏ quyết liệt các thủ tục hành chính rườm rà, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
- Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư, phương thức hợp tác công - tư, thu hút vốn FDI, nhất là FDI chất lượng cao. Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là chương trình quốc gia về nông thôn mới. Tập trung tháo gỡ thẻ vàng EC. Thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất quốc tế.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Tổ chức tốt các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn, nhất là Ngày giải phóng miền Nam (30-4) và Quốc tế Lao động (1-5). Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống nhân dân theo tinh thần không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan đến thuốc, trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, đảm bảo không để thiếu thuốc, không để thiếu trang thiết bị, không để thiếu các điều kiện để chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
- Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm. Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là trong dịp nghỉ lễ. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu, vì nước, vì dân, vì nhiệm vụ chung, nỗ lực phấn đấu thực hiện bằng được, đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước đã giao.
Mai Anh