Sign In

Trà Vinh: Vai trò của công tác tuyên giáo trong phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp, nhạy cảm liên quan đến dân tộc, tôn giáo

14:56 08/02/2024
(TG) - Các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, bịa chuyện, thổi phòng vụ việc mâu thuẫn trong đời sống hằng ngày giữa dân tộc Kinh và Khmer; lợi dụng sơ hở, thiếu sót của chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo thực hiện âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc ở Trà Vinh.

Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Trà Cú trao nhà cho hộ gia đình Khner khó khăn về nhà ở

Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Trà Cú trao nhà cho hộ gia đình Khner khó khăn về nhà ở

1. Trà Vinh là tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tự nhiên 2.391 km2; dân số trên 1 triệu người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 67,76%, Khmer chiếm 31,53%, Hoa chiếm 0,66% và dân tộc khác chiếm 0,05%, các dân tộc của tỉnh cùng chung sống hòa thuận và theo nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Tỉnh có 64/106 xã, phường, thị trấn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tuy không có đường biên giới với Campuchia nhưng người Khmer tại Trà Vinh hầu hết có mối quan hệ đồng văn, đồng tộc, không ít người xem Vương quốc Campuchia là nguồn cội của người Khmer, nên thường xuyên qua lại Campuchia.

Về tôn giáo, hiện nay, trên địa bàn tỉnh 9 tôn giáo, gồm: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Tin Lành, Tịnh độ Cư sĩ Phật Hội Việt Nam, Hồi giáo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Hòa Hảo với 379 cơ sở thờ tự, 4.373 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 596.000 tín đồ, chiếm 59,15% so với dân số toàn tỉnh. Bên cạnh đó, Trà Vinh là địa bàn trọng điểm chống phá của các tổ chức phản động, nhất là tổ chức tự xưng Liên đoàn Khmer Campuchia Krom (KKF).

 

Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Trà Vinh ngày 21/7/2023.

 

Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Trà Vinh ngày 21/7/2023.

Trong thời gian qua, một số cá nhân có tư tưởng cực đoan, tổ chức phản động trong, ngoài nước lợi dụng một số bức xúc trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh với các hành vi như: khuyếch trương thanh thế tổ chức KKF, sử dụng mạng xã hội để lôi kéo, kích động người Khmer tham gia các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta, đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, có quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc các vấn đề liên quan đến dân tộc Khmer và vùng đất Nam Bộ Việt Nam, tán phát tài liệu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc với cái gọi là “quyền dân tộc bản địa”, với nhiều hình thức, nội dung mang tính kích động, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc. Đặc biệt, hiện còn một bộ phận người Khmer do nhận thức chưa đầy đủ về chính sách của Đảng, đồng thời mất cảnh giác nên bị đối tượng không tốt lôi kéo, kích động, xuyên tạc, từ đó, có tư tưởng kỳ thị dân tộc, tham gia các hoạt động chống phá gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong vùng dân tộc.

Các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, bịa chuyện, thổi phòng vụ việc mâu thuẫn trong đời sống hằng ngày giữa dân tộc Kinh và Khmer; lợi dụng sơ hở, thiếu sót của chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo thực hiện âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; lợi dụng các vụ tranh chấp, khiếu kiện phức tạp về đất đai liên quan đến tôn giáo chậm được giải quyết để kích động các hoạt động chống đối, gây tâm lý bức xúc và phản ứng của tín đồ đối với chính quyền, gây chia rẽ giữa chính quyền với tôn giáo.

2. Trước thực trạng trên, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp, nhạy cảm liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, cụ thể như:

Một là, phối hợp thực hiện nghiêm Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với các cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan tư pháp… trong việc cung cấp thông tin tuyên truyền về kết quả thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo. Định kỳ hằng năm, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh xây dựng nội dung tuyên truyền cho người có uy tín, cán bộ, đoàn viên hội viên là người dân tộc trên địa bàn tỉnh. Định kỳ 6 tháng, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh thông tin tuyên truyền về kết quả thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho chức sắc chức việc các tôn giáo của tỉnh. Phối hợp thông tin tuyên truyền định hướng tư tưởng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, đề án có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đồng bào dân tộc, tôn giáo (đất đai, nhà ở, di tích lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng) để tạo sự đồng thuận trong đồng bào dân tộc, tôn giáo trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, thường xuyên chỉ đạo các phương tiện truyền thông của tỉnh, phối hợp với các báo, đài Trung ương, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền các kết quả thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo. Tuyên truyền những gương điển hình trong đồng bào dân tộc, tôn giáo tích cực tham gia xây dựng Đảng, giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ba là, chỉ đạo, hướng dẫn các lực lượng Ban chỉ đạo 35, đội ngũ cộng tác viên, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở tăng cường công tác theo dõi nắm tình hình dư luận xã hội ngoài thực địa và trên không gian mạng, để kịp thời nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện những vấn đề bức xúc và giải quyết ngay từ cơ sở, không tạo ra “điểm nóng” về an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Bốn là, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác đấu tranh, phản bác thông tin có quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc, kích động vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, định hướng dư luận trong giải quyết các vấn đề dân tộc, tôn giáo, xây dựng và triển khai thực hiện tốt công tác truyền thông trước, trong và sau khi các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành khởi tố, bắt tạm giam hai đối tượng về hành vi can tội “Lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ Luật hình sự… Từ đó, đã tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân đối với việc xử lý các đối tượng, hạn chế sự tác động tiêu cực bởi thông tin của các phần tử xấu.

 

Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm, gặp gỡ quý vị chư tăng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer

 

Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm, gặp gỡ quý vị chư tăng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer

3. Việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến dân tộc, tôn giáo luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, dễ bị kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Từ kết quả phối hợp giải quyết trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh rút ra bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị địa phương trong việc nắm chắc tình hình, đánh giá mức độ phức tạp của vấn đề, xác định đầy đủ các cơ sở pháp lý… để vạch ra kế hoạch xử lý bài bản, đồng bộ, hiệu quả. Từ đó, trong quá trình giải quyết sẽ thuyết phục được các đối tượng có liên quan.

Thứ hai, phối hợp xây dựng kế hoạch truyền thông trước, trong và sau khi xử lý, với nội dung, mức độ thông tin phù hợp, vừa đảm bảo không lộ lọt thông tin về kế hoạch giải quyết, xử lý, vừa đảm bảo tính định hướng để tạo được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận đối với việc xử lý những vấn đề có liên quan. Từ đó, sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng khi tiến hành giải quyết vụ việc, hạn chế tối đa sức ép từ thông tin của các đối tượng xấu trên mạng xã hội cũng như dư luận trong nhân dân.

Thứ ba, thực hiện tốt chiến dịch truyền thông chủ động về kết quả thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo trên nhiều kênh thông tin như báo, đài, internet và các trang mạng xã hội, góp phần lan tỏa thông tin tích cực, tạo sự đồng thuận và tin tưởng của đồng bào dân tộc, tôn giáo đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Hạn chế được sự ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin bôi nhọ, xuyên tạc có chủ ý của các cá nhân và tổ chức xấu.

Thứ tư, tăng cường chỉ đạo rà soát, theo dõi, nắm tình hình tư tưởng đối với các đối tượng thường xuyên like (thích), tham gia bình luận không tốt trên một số trang của các tổ chức không thiện chí với Việt Nam, tổ chức chống phá trong và ngoài nước để có biện pháp tuyên truyền, đấu tranh phù hợp.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp, nhạy cảm liên quan đến dân tộc, tôn giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh tiếp tục chủ trì, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, thông tin định hướng; tăng cường phối hợp nắm dư luận xã hội liên quan đến nội dung cần giải quyết; đồng thời đấu tranh, phản bác, vạch trần các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, khiếu kiện của đồng bào dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, không để xảy ra “điểm nóng” về tình hình dân tộc, tôn giáo, góp phần giữ vững tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trà Vinh thực hiện tốt chiến dịch truyền thông chủ động về kết quả thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo trên nhiều kênh thông tin như báo, đài, internet và các trang mạng xã hội, góp phần lan tỏa thông tin tích cực, tạo sự đồng thuận và tin tưởng của đồng bào dân tộc, tôn giáo đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Hạn chế được sự ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin bôi nhọ, xuyên tạc có chủ ý của các cá nhân và tổ chức xấu.

 

Trần Quốc Tuấn
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh

 

 

 

Tag:

File đính kèm