Qua đó,
thể hiện chính sách khoan hồng của Ðảng, Nhà nước và truyền thống nhân
đạo của dân tộc ta đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối
cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Ðồng thời khẳng định
chủ trương, chính sách nhất quán của Ðảng và Nhà nước Việt Nam trong
việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người một cách công bằng, bình đẳng
cho tất cả mọi đối tượng công dân, kể cả những người đang chấp hành án
phạt tù.
Ngày 30/7 vừa qua, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ra Quyết định số 758/2024/QÐ-CTN về đặc xá, tha tù trước thời hạn cho người bị kết án
phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/2024) và 70 năm Ngày Giải
phóng Thủ đô (10/10/2024).
Nhằm bảo đảm công tác đặc xá diễn ra
nghiêm túc, hiệu quả, thể hiện đúng chủ trương, chính sách nhân đạo,
khoan hồng của Ðảng và Nhà nước đối với những người phạm tội, Hội đồng
tư vấn đặc xá đã ban hành Hướng dẫn số 88/HD-HÐTVÐX ngày 02/8/2024 về
việc triển khai thực hiện Quyết định số 758/2024/QÐ-CTN.
Bên
cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Công điện số 76/CÐ-TTg ngày 7/8/2024 về
việc triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2024. Từ đây, giúp mọi
tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các phạm nhân có nhận thức đầy đủ, đúng
đắn về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét đặc xá... để bảo vệ quyền, lợi
ích hợp pháp của mình thông qua việc tự đối chiếu, giám sát hoạt động
của các cơ quan chức năng. Ðồng thời, góp phần nâng cao hơn nữa nhận
thức của các cấp, ngành, tổ chức xã hội về việc quan tâm, tạo điều kiện
giúp người được hưởng chính sách khoan hồng xóa bỏ mặc cảm, nhanh chóng
tái hòa nhập cộng đồng.
Ðiều này mở ra cơ hội hoàn lương cho các
phạm nhân có nhiều tiến bộ, ý thức cải tạo tốt, được xếp loại chấp hành
án phạt tù từ khá trở lên và đáp ứng các điều kiện được quy định tại
Luật Ðặc xá 2018; Luật Thi hành án hình sự 2019 và các văn bản quy phạm
pháp luật khác có liên quan.
Tính từ năm 2009 đến nay, Nhà nước
Việt Nam đã tiến hành 9 đợt đặc xá lớn, tha tù trước thời hạn cho hơn
92.000 phạm nhân. Theo nhận định của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch
nước Phạm Thanh Hà: "Bằng các Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, hàng
chục nghìn người đã hưởng niềm vui được khoan hồng, sớm trở về đoàn tụ
với gia đình, sẵn sàng làm lại cuộc đời. Phần lớn người được đặc xá đã
trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống, làm ăn lương thiện".
Báo
cáo tại Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về
đặc xá năm 2024 (diễn ra vào ngày 14/8) của Bộ Công an cho biết "tỷ lệ
người được đặc xá tái phạm tội rất thấp (tính đến nay, chỉ có 2 người
được đặc xá năm 2022 tái phạm tội, chiếm tỷ lệ 0,08% trong 2.438 người
được đặc xá năm 2022).
Công tác đặc xá đã bảo đảm các yêu cầu
chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đối ngoại, được nhân dân trong nước
đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao". Kết quả này đến từ việc Việt
Nam đã có những điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp luật để hạn chế tối
đa những sai phạm, lỗ hổng có thể xảy ra trong công tác đặc xá.
Luật
Ðặc xá và Quyết định số 758/2024/QÐ-CTN (ngày 30/7/2024) cũng quy định
chặt chẽ về 15 trường hợp không được đặc xá, đó là các tội phạm xâm phạm
an ninh quốc gia, đối tượng từng được đặc xá nhưng tiếp tục tái phạm,
người phạm tội có nhiều tiền án... Những quy định này nhằm bảo đảm tính
công bằng cho người được xét đặc xá khi loại trừ những tù nhân vẫn cần
thiết phải cách ly xã hội; những tù nhân không có biểu hiện ăn năn, hối
cải; người tiếp tục phạm tội ác sau khi được hưởng chính sách khoan hồng
của Ðảng và Nhà nước. Ðồng thời các chính sách, pháp luật liên quan đến
tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá, tha tù trước hạn, chấp
hành xong án phạt tù cũng có sự đổi mới khi xếp các đối tượng này vào
nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội.
Bởi vậy, điểm chung
của các chính sách có liên quan là giúp người ra tù tiếp cận những
quyền lợi cơ bản của công dân, tạo điều kiện cho họ tái lập vị trí của
mình trong xã hội. Trong đó, có thể kể đến Nghị định số 49/2020/NÐ-CP
ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án
hình sự về tái hòa nhập cộng đồng; Quyết định số 22/2023/QÐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ ngày 17/8/2023 về tín dụng đối với người chấp hành xong
án phạt tù.
Theo đó, trước khi nhận quyết định đặc xá, phạm
nhân đủ điều kiện đều được phổ biến, học tập các chính sách, quy định
pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng như tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ
tục pháp lý; định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm việc; hỗ trợ
kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam. Những phạm nhân chưa
đủ điều kiện đặc xá được cán bộ quản giáo giáo dục chính trị, tư tưởng
để thấy rõ tính ưu việt và sự công minh của pháp luật Việt Nam. Trải qua
những buổi sinh hoạt, học tập, nhiều người trong số họ đã yên tâm cải
tạo, tiếp tục phấn đấu.
Sau khi
nhận quyết định đặc xá, những người hoàn lương được hỗ trợ vay vốn để
học nghề, sản xuất, kinh doanh. Từ chính sách này, hàng tỷ đồng từ nguồn
vốn cho vay đã kịp thời đến tay người hoàn lương có nhu cầu tạo kế sinh
nhai cho bản thân và phụ giúp gia đình.
Ngoài ra, nhiều mô
hình, phong trào, cách làm hay đã huy động, phát huy vai trò của tổ
chức, đoàn thể xã hội và nhân dân cùng chung tay giúp người được đặc xá.
Ðiển hình là các mô hình: Quản lý giáo dục, giúp đỡ người chấp hành
xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, cảm hóa người lầm lỗi ở cộng
đồng dân cư, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hóa ở khu dân cư...
Hiện nay, các mô hình này được
triển khai ở hầu hết các địa phương và gặt hái được nhiều kết quả tích
cực. Qua đó, phần lớn người được đặc xá nói riêng và chấp hành xong án
phạt tù nói chung đã thoát khỏi tâm lý tự ti, mặc cảm, từng bước tạo lập
cuộc sống mới, trở thành tấm gương tốt trong cộng đồng.
Từ đây
cho thấy, tính nghiêm minh và nhân văn của hệ thống pháp luật hình sự
Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc xử lý mọi tội phạm kịp thời, đúng
người, đúng tội, không có ngoại lệ, không có vùng cấm mà còn nằm ở chính
sự khoan hồng, biểu hiện cụ thể là chế định đặc xá. Người được khoan
hồng vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của toàn xã hội trong quá trình
ổn định cuộc sống. Ðây cũng là lý do tỷ lệ người được đặc xá tái phạm
tội ở Việt Nam rất thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới.
Bất
chấp thực tế đó, một số tổ chức thiếu thiện chí, phản động, cực đoan
vẫn cố tình nhân danh bảo vệ quyền của người đang chấp hành án phạt tù
để yêu cầu đặc xá vô điều kiện cho các đối tượng mà họ gọi là "tù nhân
lương tâm và chính trị". Họ bỏ qua sự thật rằng ở Việt Nam không hề có
cái gọi là "tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm" mà chỉ có những công
dân vi phạm pháp luật Việt Nam bị bắt giữ, truy tố và xét xử theo đúng
quy định, trình tự, thủ tục của pháp luật hiện hành.
Ðiều đáng
nói là trong quá trình chấp hành án phạt tù, nhiều người trong số các
phạm nhân này liên tục có thái độ, hành vi chống đối, bất hợp tác với
cán bộ quản giáo. Dù được hưởng những quyền hợp pháp của phạm nhân,
những người này vẫn tìm cách liên lạc với thân nhân, các tổ chức thiếu
thiện chí để vu cáo, xuyên tạc về điều kiện sống, chất lượng y tế trong
các cơ sở giam giữ. Cá biệt, có trường hợp còn dùng chiêu bài "tuyệt
thực" để gây sức ép lên các cơ quan chức năng để được hưởng chế độ đặc
xá.
Vài năm gần đây,
một số tổ chức quốc tế cũng lợi dụng việc sai sót trong hoạt động tố
tụng của một số vụ án hình sự để đề nghị đặc xá cho một số đối tượng bị
kết án tử hình dù đây không phải là trường hợp được quy định trong Luật
Ðặc xá. Hơn nữa các vụ án này đều đã được thực hiện thủ tục giám đốc
thẩm với cấp xét xử cao nhất là Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao và có chung kết luận với các cấp xét xử trước đó là không có oan,
sai xảy ra. Thế nhưng để thu hút sự chú ý từ dư luận trong nước và quốc
tế, các tổ chức này không ngần ngại gieo rắc niềm tin giả dối cho gia
đình một số tử tù rằng, con em họ bị kết tội oan do sai lầm của cơ quan
tố tụng, từ đó kích động thân nhân của những tử tù này tham gia vào các
hoạt động chống đối, phát tán thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến
danh dự, nhân phẩm của điều tra viên, kiểm sát viên cùng các thành viên
trong Hội đồng xét xử.
Ðưa ra những yêu sách đặc xá cho các đối
tượng không xứng đáng, mục đích thật sự của các cá nhân, tổ chức thiếu
thiện chí, phản động, cực đoan là hạ thấp uy tín của hệ thống tư pháp
Việt Nam, công kích, xuyên tạc chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước
ta.
Song song với đó, họ sử dụng dư luận trong nước và quốc tế
để gây sức ép hòng can thiệp vào công việc nội bộ, đòi thay đổi, xóa bỏ
một số tội danh được quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam. Phần lớn
những chiêu trò này không mới, đều đã bị các cơ quan chức năng, kênh
thông tin đại chúng và báo chí vạch trần và làm rõ. Nhưng vì nhiều
nguyên nhân khác nhau, trong đó bao gồm một số hạn chế trong công tác
thông tin đã khiến một số quốc gia, tổ chức liên chính phủ chưa hiểu
đúng về công tác đặc xá và chính sách, pháp luật của Việt Nam, dẫn đến
việc một số quốc gia đã đưa ra các đánh giá thiếu công tâm, khuyến nghị
không chính xác về chế định khoan hồng của Ðảng và Nhà nước Việt Nam;
chính trị hóa một số vụ án nhằm gây khó dễ cho nước ta tại các phiên đối
thoại song phương và đa phương.
Từ đây cho thấy bên cạnh việc
làm tốt công tác đặc xá thì việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công
tác thông tin, tuyên truyền về vấn đề này cần được đẩy mạnh hơn nữa,
giúp mọi tầng lớp nhân dân cũng như bạn bè quốc tế có những hiểu biết
chính xác, đầy đủ, kịp thời và đúng đắn về đặc xá - một chính sách thể
hiện bản chất nhân đạo, công bằng của pháp luật Việt Nam./.