Chiều 12/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Hội đồng chuyên môn Đề án thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet (Đề án).
Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo - Trưởng Ban Tổ chức Đề án chủ trì cuộc họp.
Căn cứ Kế hoạch số 14-KH/TW, ngày 25/3/2019 của Ban Bí thư về việc “Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, ngày 15/8/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 191-KH/BTGTW về việc “Triển khai Đề án thí điểm việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet”. Việc triển khai Đề án là một trong những giải pháp cụ thể đáp ứng yêu cầu cấp thiết được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về đổi mới căn bản nội dung chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn.
Đồng chí Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu.
Theo đó, Đề án hướng tới mục tiêu đổi mới phương pháp phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khuyến khích cán bộ, đảng viên ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực tự nghiên cứu, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Trên cơ sở thí điểm, đánh giá, tổng kết Đề án, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ đề xuất với Ban Bí thư chủ trương triển khai đại trà việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet.
Tại cuộc họp, Ban Tổ chức Đề án đã giới thiệu phần mềm hệ thống thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet. Theo đó, hệ thống thí điểm sẽ có 4 thư mục lớn: 1) Kiến thức lý luận chính trị; 2) Nghiệp vụ công tác lý luận chính trị; 3) Nghiên cứu trao đổi và 4) Kiểm tra, đánh giá.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an phát biểu.
Thư mục Kiến thức lý luận chính trị, dự kiến có các nội dung: 1) Thường thức lý luận chính trị: Các giáo trình 5 môn lý luận chính trị: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh; các giáo trình sơ cấp, trung cấp, cao cấp về lý luận chính trị. Bên cạnh đó là những bài viết khái quát về những vấn đề cốt lõi của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. 2) Những quan điểm mới của Đảng, bao gồm: Những điểm mới, cốt lõi của Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết Trung ương khoá XIII của Đảng. Các bài viết của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng và các chuyên gia về những nội dung: Kinh tế thị trường định hướng XHCN; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa và con người Việt Nam; Quản lý phát triển xã hội; Quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, về biến đổi khí hậu; Quốc phòng - An ninh; Đối ngoại; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; Nhà nước pháp quyền XHCN; Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị giai đoạn 2021-2025. Quan điểm, đường lối của Đảng về CNXH và xây dựng CNXH ở Việt Nam thời kỳ đổi mới. 3) Kết quả nghiên cứu lý luận chính trị: Báo cáo chắt lọc một số kết quả nghiên cứu lý luận chính trị của các công trình, đề tài, đề án khoa học tiêu biểu cấp nhà nước, cấp bộ giai đoạn 2021-2025.
|
PGS. TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an phát biểu.
Thư mục Nghiệp vụ công tác lý luận chính trị, dự kiến có các nội dung: 1) Tuyên truyền giáo dục lý luận chính trị, gồm có: Các giáo án, bài giảng dành cho các đối tượng, cao cấp, trung cấp, sơ cấp về lý luận chính trị. Các giáo án, bài giảng dành cho đối tượng 3, 4 theo Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01/02/2023 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với lãnh đạo, quản lý các cấp. Các hướng dẫn, tài liệu bồi dưỡng về lý luận chính trị. Các giáo án, bài giảng của các thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích vòng chung khảo Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc năm 2018, 2022. 2) Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bao gồm: Các bài viết được giải A, B, C về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của các chuyên gia, nhà khoa học qua cuộc thi năm 2022 và các bài viết khác của các chuyên gia, nhà khoa học. 3) Nghiên cứu lý luận, bao gồm: Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Các bài viết chuyên sâu tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận về Chủ nghĩa Mác-Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; về phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế; về một số trào lưu, học thuyết mới trên thế giới hiện nay. Những bài viết về các luận cứ, luận điểm làm rõ tính tất yếu của con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. 4) Hoạt động nghiệp vụ, gồm có: Những bài viết, tin hoạt động về công tác lý luận chính trị ở Trung ương và các địa phương, cơ quan, đơn vị thí điểm. Các bài viết về kinh nghiệm hoặc những đề xuất, những nghiên cứu của cơ sở về nghiệp vụ tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị. Nội dung các văn bản chỉ đạo của Đảng về công tác lý luận.
|
Đồng chí Vũ Trọng Lâm, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu.
Thư mục Nghiên cứu - Trao đổi, dự kiến có các nội dung: Kiến thức lý luận chính trị 5 môn. Những quan điểm mới của Đảng; những vấn đề lý luận, thực tiễn về: Kinh tế - thị trường định hướng XHCN; Giáo dục - Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa và con người Việt Nam; Quản lý phát triển xã hội, Quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, về biến đổi khí hậu; Quốc phòng - An ninh; Đối ngoại; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; Nhà nước pháp quyền XHCN; Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Trao đổi nghiệp vụ. Đấu tranh phê phán quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thư mục Kiểm tra, đánh giá sẽ có những nội dung: Bộ câu hỏi trắc nghiệm 5 môn (Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin; CNXH khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh). Bộ câu hỏi trắc nghiệm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết các hội nghị Trung ương khóa XIII. Bộ câu hỏi trắc nghiệm Chuyên toàn khoá “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Một số nội dung khác.
GS. TS. Phạm Văn Đức, nguyên Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu.
Sau khi xem trình diễn phần mềm hệ thống thí điểm, các chuyên gia, nhà khoa học là thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và Hội đồng chuyên môn đã trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến để phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet hiệu quả. Cùng với nhận định, đánh giá, phản biện về hình thức, chất lượng cũng như những vấn đề đặt ra đối với hệ thống thí điểm, các đại biểu, chuyên gia đều cho rằng để phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị tốt cho các cán bộ, đảng viên trên Internet trước hết đòi hỏi phải có hạ tầng kỹ thuật tốt. Bên cạnh đó, cần xác định được đối tượng độc giả là ai, nội dung thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên Internet phải phù hợp với từng nhóm đối tượng, bảo đảm cung cấp những kiến thức trọng tâm, căn bản, cập nhật, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Bên cạnh đó, cần thường xuyên cập nhật, coi trọng những kiến thức mới; chú trọng giao diện hình thức, nâng cao tính hấp dẫn, tiện lợi để cán bộ, đảng viên dễ truy cập, học tập; cần quan tâm đến vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn thông tin…
|
PGS. TS. Đỗ Thị Thạch, nguyên Viện trưởng Viện CNXH khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Chúng ta đã có cả hệ thống bồi dưỡng, giảng dạy, đào tạo lý luận chính trị từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp trên khắp cả nước, nhưng đâu đó vẫn có những khoảng trống cần được bổ sung và hoàn thiện thêm. Chính bởi vậy, hệ thống thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị sẽ giúp cán bộ đảng viên tra cứu, học tập, bồi dưỡng, cập nhật thường xuyên, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Đồng chí Lê Hải Bình phát biểu kết luận cuộc họp.
Tiếp thu, đánh giá cao những ý kiến đóng góp, trao đổi của các thành viên Ban Tổ chức và Hội đồng chuyên môn, đồng chí Lê Hải Bình cho rằng, để hệ thống thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị đạt hiệu quả cao, cần phải tiếp tục cải tiến, đổi mới cả về mặt nội dung và hình thức để nâng cao tính hấp dẫn và tối ưu hóa tính tiện ích cho người đọc và người học.
Đồng chí Lê Hải Bình đề nghị các đơn vị có trách nhiệm, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và các chuyên gia, nhà khoa học - thành viên Hội đồng chuyên môn tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tích cực đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện tốt nhất chất lượng sản phẩm, đáp ứng đúng tiến độ khai trương hệ thống thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet ở 12 địa phương, cơ quan, đơn vị: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Bình Định, Bình Dương, Cần Thơ; Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương.../.
Quang cảnh cuộc họp.
Tin, ảnh: THẾ HOÀNG