Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản, quan trọng của con người, được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ở Việt Nam, quyền tiếp cận thông tin được quy định tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Cụ thể hóa Hiến pháp, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 (Luật số 104/2016/QH13, ngày 6/4/2013) cũng quy định nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc công khai thông tin, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Về mặt chính sách, Quyết định số 467/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/4/2019 đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cụ thể như: Hỗ trợ đào tạo kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở; cấp (không thu tiền) một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; cung cấp các sản phẩm thông tin có tính chất chuyên biệt, có đối tượng phục vụ tập trung là người dân tộc thiểu số như: Hệ phát thanh Tiếng Dân tộc (VOV4) của Đài Tiếng nói Việt Nam, Kênh truyền hình Tiếng Dân tộc (VTV5) của Đài Truyền hình Việt Nam...
Hiện trên kênh VTV5 Đài Truyền hình Việt Nam đang thực hiện phát sóng 26 thứ tiếng (bao gồm cả tiếng Kinh) trên các nền tảng khác nhau (bao gồm cả truyền hình theo phương thức truyền thống, ứng dụng VTVgo, website VTV5, kênh YouTube, trên Facebook...). Song song đó Đài Tiếng nói Việt Nam cũng phát sóng 13 thứ tiếng trên hệ Phát thanh Tiếng Dân tộc.
Ngoài ra, để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho đồng bào, nhiều chương trình, đề án, dự án có liên quan đã và đang được triển khai tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua những chương trình này cho thấy Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác thông tin, truyền thông, giúp nâng cao nhận thức cho đồng bào, góp phần phát triển bền vững và thực hiện có hiệu quả quyền tiếp cận thông tin của người dân vùng dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở gần đây nhất (năm 2019) cũng cho thấy, cơ hội tiếp cận thông tin của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta ngày càng được mở rộng, với tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng internet đạt 61,3%, tăng hơn 9 lần so với năm 2015.
Tại một số tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng viễn thông di động và internet băng rộng đã phủ đến hầu hết các thôn, bản, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ với hơn 99% địa bàn dân cư như Phú Thọ, Hòa Bình, Kon Tum, Tuyên Quang,... Sự cải thiện về cơ sở hạ tầng viễn thông, tỷ lệ hộ sử dụng internet cho thấy cơ hội tiếp cận thông tin của các hộ dân tộc thiểu số đã được mở rộng. Những nỗ lực và thành quả Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước bảo đảm sự công bằng, bảo đảm quyền công dân, quyền con người; tạo cơ chế để mọi người dân, trong đó có người dân tộc thiểu số thực hiện đầy đủ quyền dân chủ và phát huy hiệu quả; khẳng định những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm các quyền cho người dân tộc thiểu số, trong đó có quyền tiếp cận thông tin, đặc biệt là từ khi Việt Nam gia nhập Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) vào năm 1982.
Tuy nhiên, do một số lý do chủ quan và khách quan, việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin đối với đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn những bất cập. Việc cung cấp thông tin về luật pháp, chính sách và các vấn đề xã hội như các chương trình cho vay, khuyến nông,... có lúc, có nơi vẫn chưa cung cấp kịp thời, chính xác và thường xuyên tới bà con.
Một số thông tin dù được cung cấp mới song hạn chế về hình thức truyền tải cho nên hiệu quả chưa cao. Một thực trạng khác là dù đã có kênh thông tin truyền thông phục vụ bà con dân tộc thiểu số nhưng vẫn còn tình trạng khi được hỏi vẫn còn người cho biết là mình chưa (hoặc ít) tiếp cận thông tin từ những kênh này. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn bị hạn chế...
Lợi dụng những hạn chế này, các đối tượng thù địch, chống phá ra sức xuyên tạc, bóp méo chính sách của Đảng, Nhà nước với người dân tộc thiểu số. Chúng kích động, gây chia rẽ bằng những luận điệu cho rằng người dân tộc thiểu số không được hưởng đầy đủ các chính sách bảo đảm quyền tự do tiếp cận thông tin, tự do ngôn luận của Nhà nước, bị phân biệt đối xử so với người dân tộc Kinh, từ đó nhằm mục đích gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm xói mòn niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.
Trong khi đó, Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin 2016 quy định rõ: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin”. Như vậy người dân tộc thiểu số ở Việt Nam có quyền tiếp cận thông tin đầy đủ giống như quyền tiếp cận thông tin của các công dân khác, hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử như các đối tượng xấu rêu rao.
Trước yêu cầu của tình hình mới cho thấy vai trò của thông tin tuyên truyền việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin nhất là đối với người dân tộc thiểu số tại nước ta ngày càng trở nên cấp thiết. Một mặt, việc được bảo đảm quyền tiếp cận thông tin sẽ giúp mọi người dân có cơ hội bình đẳng như nhau trong việc tìm kiếm các nguồn thông tin trong xã hội. Đây chính là cơ sở để thực hiện quyền dân chủ, văn minh trong xã hội. Khi được tiếp cận đầy đủ các nguồn thông tin, đồng bào có thể từng bước cải thiện cuộc sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình, chủ động hơn trong việc tham gia các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.
Ở một bình diện khác, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 3/4 diện tích cả nước, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nếu nhận thức của một bộ phận người dân tộc thiểu số chưa cao sẽ nguy cơ dễ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, tuyên truyền sai lệch chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Vì vậy, việc cung cấp các thông tin chính thống kịp thời, cụ thể không chỉ bảo đảm quyền tiếp cận công bằng của đồng bào mà còn góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia.
Để quyền tiếp cận thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường và thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới cần đẩy mạnh nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, song song với việc hoàn thiện pháp luật về quyền tiếp cận thông tin phù hợp hơn với thực tiễn, tăng cường cơ sở hạ tầng viễn thông, trang thiết bị công nghệ thông tin, các cấp chính quyền cần chủ động công khai thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên mọi lĩnh vực một cách chính xác, kịp thời, thường xuyên.
Tránh hiện tượng thông tin chính xác đến bà con chậm hơn những thông tin sai lệch của các đối tượng xấu. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế đánh giá và giám sát nghiêm túc việc thực thi quyền tiếp cận thông tin, hạn chế việc một số cơ quan, đơn vị chức năng từ chối việc cung cấp thông tin hoặc cung cấp không kịp thời; bảo đảm cơ chế thực hiện cho các cấp chính quyền, nhân dân tham gia tích cực vào thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin, coi đó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là hành động bảo vệ lợi ích của các cá nhân trong xã hội. Quan trọng hơn, cần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về vai trò của thông tin và quyền tiếp cận thông tin; tăng tỷ lệ người tiếp cận các nguồn thông tin tin cậy trên các kênh chính thống của Đảng và Nhà nước./.
MINH ANH (nhandan.vn)