Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, công tác đào tạo sau đại học của Học viện ANND cần có sự đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
1. Là cơ sở giáo dục đào tạo trọng điểm của ngành Công an, với bề dày truyền thống hơn 77 năm xây dựng, phát triển, Học viện ANND đã có quá trình 30 năm đào tạo sau đại học. Từ năm 1993 đến nay, Học viện ANND đã và đang đào tạo 31 khóa cao học với 4.047 thạc sĩ, học viên cao học, 27 khóa nghiên cứu sinh với 569 tiến sĩ, nghiên cứu sinh cho Công an các đơn vị, địa phương trong toàn quốc. Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp đã phát huy được bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo, lập nhiều chiến công xuất sắc, được phong hàm cấp tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và được bổ nhiệm giữ cương vị lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong CAND.
Thông qua đào tạo sau đại học, Học viện ANND phát triển thêm nhiều ngành khoa học mới thuộc nhóm ngành an ninh trật tự và bổ sung, làm phong phú thêm hệ thống lý luận bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng lực lượng CAND.
2. Trong thời gian tới, sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội tiếp tục đứng trước những thách thức mới như: Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện đặt ra nhiều nguy cơ đối với chủ quyền, lợi ích quốc gia; các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, tác động nội bộ, chuyển hóa thể chế của Việt Nam; tình trạng tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chưa được ngăn chặn triệt để… Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Công an có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; có phẩm chất đạo đức trong sáng; có ý thức tổ chức kỷ luật cao; nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, làm chủ khoa học - công nghệ; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Do đó, đổi mới đào tạo sau đại học tại Học viện ANND là yêu cầu tất yếu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ Công an ngang tầm nhiệm vụ. Phát huy kết quả đạt được trong 30 năm qua và yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, Học viện ANND cần tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong xác định mục tiêu, chương trình kế hoạch đào tạo.
Từ thực tiễn 30 năm đào tạo sau đại học và các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, trong thời gian tới, Học viện cần xác định mục tiêu, quan điểm đào tạo sau đại học là: (1) Đào tạo phải gắn với quy hoạch, phát triển nguồn lực chất lượng cao của CAND và định hướng ứng dụng; (2) Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo sau đại học của Học viện với thực tiễn công tác, chiến đấu và xây dựng lý luận của lực lượng CAND; (3) Chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các trường đại học tiên tiến trên thế giới; (4) Chuyển giao, ứng dụng hiệu quả, phù hợp các sản phẩm của quá trình đào tạo sau đại học vào phát triển, hoàn thiện lý luận, tham mưu chiến lược, nghiên cứu dự báo và giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Thứ hai, đổi mới công tác tuyển sinh nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nguồn tuyển, bảo đảm số lượng tuyển sinh theo kế hoạch.
Cần tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an đổi mới về tiêu chuẩn, điều kiện tuyển sinh để vừa phù hợp với các quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đề án đổi mới công tác tuyển sinh của Bộ Công an. Trong đó, cần chủ động trong việc phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương trong việc lựa chọn, xác định diện đối tượng cử đi đào tạo trình độ sau đại học đảm bảo nâng cao chất lượng nguồn tuyển, phù hợp với nhu cầu sử dụng cán bộ của Công an các đơn vị, địa phương.
Thứ ba, đổi mới về nội dung, chương trình đào tạo, đẩy mạnh biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.
Tập trung xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo sau đại học tiên tiến, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng của Bộ Công an và với sự phát triển lý luận bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới. Đối với một số chương trình đào tạo có tính mở như An ninh phi truyền thống, Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự cần tiếp thu có chọn lọc chương trình đào tạo của các nước tiên tiến và có lộ trình tổ chức nghiên cứu phù hợp để tính toán bổ sung, gia tăng các học phần phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chủ động kết nối, chia sẻ thông tin khoa học, tạo lập các diễn đàn khoa học chất lượng và thúc đẩy sự sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của mỗi học viên hệ đào tạo sau đại học.
Đồng thời, cần triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả “chiến dịch” biên soạn, chỉnh lý, hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học dùng cho đào tạo sau đại học tại Học viện. Trong đó, tiến hành rà soát, đề xuất bổ sung các sách chuyên khảo, tham khảo chuyên sâu về chính trị, khoa học-công nghệ, kinh tế hoặc tri thức về các ngành, lĩnh vực liên quan mật thiết đến việc triển khai các biện pháp, công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tổ chức nghiên cứu, biên tập, xuất bản các sách chuyên khảo, chuyên đề chuyên sâu, xây dựng kho học liệu số phong phú, thông minh phù hợp với yêu cầu, mục tiêu đào tạo.
Thứ tư, đổi mới quá trình đào tạo từ phương pháp dạy học, quản lý đào tạo đến kiểm tra đánh giá.
Đổi mới mạnh mẽ phương pháp đào tạo, chuyển mạnh từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phương pháp, năng lực, kỹ năng và phát huy tối đa tư duy của người học. Chú trọng giảng dạy những kiến thức có tính tổng hợp, phân tích, dự báo nhằm phát triển tư duy, phương pháp nhận thức và khả năng xử lý thông tin, vấn đề thực tiễn đang đặt ra; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, tham gia trong quá trình giảng dạy. Thông qua đó, sẽ góp phần hình thành, phát triển năng lực phản biện các vấn đề đặt ra trong thực tiễn của mỗi học viên; không ngừng sáng tạo, đổi mới tư duy nghiệp vụ, thường xuyên tìm tòi nhiều phương án, cách làm để giải quyết các vấn đề nghiên cứu đặt ra.
Cần gắn giữa giảng dạy lý luận với trao đổi, nghiên cứu, khảo sát tại các đơn vị thực tế. Trong đó cần chú trọng thực hiện các việc trao đổi học thuật, nghiên cứu tài liệu, hồ sơ của học viên tại các đơn vị thực tế, tăng cường vai trò của các chuyên gia thực tiễn, nhà khoa học đầu ngành trong việc định hướng học tập, nghiên cứu của học viên. Trước mắt, triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch thực tập tốt nghiệp của các khóa cao học.
Căn cứ mục tiêu đào tạo để điều chỉnh cách thức tổ chức kiểm tra, đánh giá phù hợp với đối tượng, chương trình đào tạo. Trong đó, tập trung đổi mới tiêu chí, nội dung đánh giá theo hướng chú trọng hơn đến thái độ, tư duy của học viên; hình thức đánh giá, kiểm tra phải đa dạng, linh hoạt, hiệu quả. Ngoài hình thức tự luận, vấn đáp, tiểu luận, cần sử dụng phương pháp tình huống, phương pháp dự án nhằm phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của người học, góp phần rèn luyện, củng cố các kỹ năng tương tác, làm việc nhóm, thuyết trình, tranh biện, thu thập, xử lý thông tin, đề xuất cách thức giải quyết vấn đề. Quá trình tổ chức đánh giá luận văn, luận án, đề án tốt nghiệp cần chú trọng đề cao phương pháp nghiên cứu, tính xác thực của dữ liệu nghiên cứu, khâu trích dẫn và tính khả thi của các giải pháp, xử lý tình huống điển hình.
Thứ năm, có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học tham gia công tác đào tạo sau đại học của Học viện. Trọng tâm là thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên theo Đề án 69 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên có nhiều cơ hội tham gia các khóa học bồi dưỡng, nâng cao trình độ; thúc đẩy tăng cường trao đổi học thuật, tham gia các diễn đàn, hội thảo khoa học; nghiên cứu, công bố các bài báo quốc tế ở các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín. Huy động hiệu quả đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trên các lĩnh vực ở cả trong và ngoài ngành Công an tham gia quá trình đào tạo, nhất là ở các khâu xây dựng, thẩm định nội dung chương trình đào tạo sau đại học, giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu, đánh giá đề án, luận văn, luận án.
Như vậy, đổi mới đào tạo sau đại học tại Học viện ANND trong những năm tới là nhiệm vụ tất yếu, then chốt. Để quá trình đổi mới đi vào thực chất, hiệu quả và toàn diện đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, Học viện cần tập trung xác định mục tiêu, tầm nhìn của công tác đào tạo sau đại học làm “kim chỉ nam” xuyên suốt cho các nhiệm vụ đổi mới nội dung, chương trình, tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá; biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học; nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học tham gia đào tạo sau đại học, phấn đấu xây dựng Học viện sớm hoàn thành mục tiêu trở thành trường đạt chuẩn Quốc gia và góp phần xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.