Tham dự cuộc họp còn có Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cùng đại diện các Cục, Vụ và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương: Điện lực và Năng lượng tái tạo; Điều tiết điện lực; Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Viện Năng lượng; Dầu khí và Than; Pháp chế; Kế Hoạch - Tài chính… Cùng đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Cấn Dũng |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin: Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Chính phủ, Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ đưa ra thảo luận tại đầu Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10, cuối kỳ đưa ra thảo luận lần 2 để có thể được thông qua.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã có chỉ đạo, tinh thần xây dựng luật của Quốc hội sẽ có sự thay đổi. Thay vì quy định rất chi tiết cụ thể, Quốc hội sẽ thống nhất trên nguyên tắc quy định khung để tạo quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều hơn, đảm bảo tính linh hoạt khi cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Bởi Luật có độ trễ so với thực tế, chưa kể nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, buộc chúng ta phải điều chỉnh Luật cho phù hợp với quy định quốc tế.
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Cấn Dũng |
Trên tinh thần nỗ lực tiếp thu, sửa đổi qua những cuộc lấy ý kiến đóng góp, tất cả những vướng víu trong thi hành Luật Điện lực thời gian qua và vấn đề mới như điện tái tạo, thị trường điện, quản lý thực thi những dự án điện chậm tiến độ…chúng ta đã có thực tiễn, kinh nghiệm xử lý và đã đưa vào dự thảo Luật. Tuy nhiên còn một vài nội dung cần bàn thảo thêm.
“Sau cuộc họp ngày hôm nay, Ban soạn thảo cần nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Luật. Muộn nhất trưa mai phải trình dự thảo Luật sang Chính phủ mới có thể kịp trình Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Luật Điện lực năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018; Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự và Luật Giá năm 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024) đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo vệ được lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều (năm 2012, năm 2018, năm 2022 và năm 2023), đến giai đoạn hiện nay cần thiết phải nghiên cứu phải để sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Thực tiễn thi hành pháp luật về điện lực cho thấy còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về điện lực, đồng thời giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Điện lực hiện đang thiếu cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Cấn Dũng |
Thực hiện Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 8/6/2024 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 26/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh được điều chỉnh trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Bộ Công Thương được giao chủ trì soạn thảo Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Trên cơ sở các quy định của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã thực hiện tổng kết, đánh giá quy định của Luật Điện lực hiện hành; thành lập Ban soạn thảo (gồm 47 thành viên) và Tổ biên tập Luật (gồm 133 thành viên); tổ chức xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật (qua hình thức đăng tải trên các Cổng thông tin điện tử, tổ chức hội thảo, gửi công văn và trao đổi trực tiếp…).
Dự thảo Luật Điện lực gồm 9 chương và 119 điều, quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư dự án điện lực; phát triển điện; giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động mua bán điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; trách nhiệm quản lý nhà nước về điện lực…