Sign In

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Khẩn trương hoàn thiện, sớm trình Chính phủ thông qua dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

12:55 13/09/2024
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm và có hiệu quả của Ban soạn thảo, Tổ Biên tập Luật Điện lực (sửa đổi).

Như đã Báo Công Thương đã đưa tin, sáng 13/9 tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nghe báo cáo về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Tham dự cuộc họp còn có Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cùng đại diện các Cục, Vụ và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương: Điện lực và Năng lượng tái tạo; Điều tiết điện lực; Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Viện Năng lượng; Dầu khí và Than; Pháp chế; Kế Hoạch - Tài chính… Cùng đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tập trung bàn thảo các vấn đề mấu chốt

Tại buổi làm việc, ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực thông tin cơ bản về nội dung sửa đổi của dự thảo Luật Điện lực. Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật; áp dụng pháp luật; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực; quy hoạch phát triển điện lực.

Cuộc họp về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Cấn Dũng

Về đầu tư xây dự án, Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã tiếp thu, rà soát và hoàn thiện những nội dung liên quan đến vốn đầu tư xây dựng công trình điện; chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án điện và dự án lưới điện; đánh giá sự phù hợp với quy hoạch; các cơ chế đặc thù cho phát triển ngành điện; phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền vúi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn….

Ban soạn thảo và Tổ biên tập cũng đã bổ sung, rà soát và hoàn thiện những vấn đề liên quan đến nguồn điện năng lượng tái tạo; nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ; sửa chữa, cải tạo, thay thế thiết bị; vấn đề về điện gió ngoài khơi…

Ngài ra, dự thảo Luật Điện lực cũng có điều chỉnh về thị trường điện; mua bán điện, giá điện và giá các dịch vụ về điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện…

Cuộc họp về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực thông tin cơ bản về nội dung sửa đổi của dự thảo Luật Điện lực. Ảnh: Cấn Dũng

Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Đặng Hoàng An, cho hay: Điều 16, Điểm 3 quy định “Tiến độ thực hiện dự án nguồn điện được phép điều chỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các điều kiện quy định tại hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh”. Nếu cho phép thay đổi nhiều quá về mặt tiến độ sẽ gây nên tình trạng chậm triển khai dự án, ảnh hưởng đến cân đối năng lượng quốc gia, do đó cần xem xét lại.

Điều 24, Điểm 3,4 quy định hỗ trợ đầu tư cấp điện sinh hoạt sau công tơ cho các đối tượng và hỗ trợ đầu tư dây dẫn điện sau công tơ điện đến bảng điện của hộ gia đình. Nội dung này phải quy định rõ nguồn tiền hỗ trợ và chủ thể.

Về các dự án điện gió ngoài khơi do liên quan đến yếu tố an ninh quốc phòng cần quy định rõ điều kiện với doanh nghiệp tham gia làm cổ đông, sở hữu dự án, lập và quản lý dự án.

Ít nhất quy định thành lập dự án phát triển điện gió ngoài khơi phải là pháp nhân Việt Nam. Cá nhân tham gia làm cổ đông phải cam kết không có lời nói hành động không tôn trọng độc lập chủ quyền và không làm phương hại an ninh quốc gia của Việt Nam bằng bất cứ hình thức nào”, ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Cuộc họp về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Đặng Hoàng An. Ảnh: Cấn Dũng

Góp ý cho dự thảo Luật, ông Phan Tử Giang - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho biết, liên quan đến cơ chế vận hành của các nhà máy điện khí hiện nay, bao gồm khí trong nước và khí nhập khẩu. Tập đoàn đã bổ sung ý kiến về phần bao tiêu và chuyển giá làm sao phải đảm bảo cho các chủ đầu tư đủ cơ sở thực hiện công tác đầu tư.

Chúng tôi cũng đề xuất ưu tiên sử dụng khí của các dự án khai thác trong nước bởi mang lại nguồn lợi cho đất nước”, ông Phan Tử Giang cho biết.

Cuộc họp về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Ông Phan Tử Giang - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Cấn Dũng

Về các dự án điện gió ngoài khơi, lãnh đạo PVN cũng bày tỏ, vì sao việc xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi khó khăn bởi hiện chúng ra chưa có chính sách, kinh nghiệm về triển khai các dự án này. Dự án điện gió ngoài khơi cần vốn rất lớn, khoảng từ 3,5 - 4 tỷ USD, việc hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết. Tập đoàn đề xuất giao việc lựa chọn nhà đầu tư cho EVN và PVN sau đó trình Chính phủ phê duyệt.

Quy định này giải quyết được câu chuyện an ninh trên biển, đảm bảo thực hiện dự án thành công bao gồm cả kỹ thuật và tài chính, ít nhất là với các dự án đến năm 2030 phải giải quyết”, ông Phan Tử Giang nói.

Nhanh chóng hoàn thiện dự thảo, sớm trình Chính phủ

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm và có hiệu quả của Ban soạn thảo, Tổ biên tập để hoàn thiện dự thảo trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.

Để hoàn thiện dự thảo, Bộ trưởng yêu cầu:

Thứ nhất, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cùng 2 Tập đoàn EVN, PVN rà soát lần cuối để loại bỏ những quy định chi tiết hoặc những quy định không thuộc thẩm quyền của Quốc hội để đưa sang dự thảo Nghị định (kèm theo dự thảo Luật này), để dự thảo Luật ngắn gọn, đúng thẩm quyền, thuận lợi trong khi thực hiện và linh hoạt khi điều chỉnh.

Cuộc họp về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm và có hiệu quả của Ban soạn thảo, Tổ Biên tập Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: Cấn Dũng

Bản thảo lần cuối của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cần tiếp thu những ý kiến kết luận chỉ đạo của Bộ trưởng tại cuộc họp ngày 13/9 để trình Chính phủ vào ngày 14/9.

Thứ hai, đối với 11 vấn đề đã tiếp thu, Bộ trưởng đề nghị cần rà soát về câu từ trong dự thảo Luật, nhất là các bên có liên quan như PVN, EVN.

Về 5 vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đối với quy định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện lực đối với dự án đầu tư lưới điện và nguồn điện đi qua 2 tỉnh trở lên, cần xác định giao trách nhiệm cho UBND tỉnh nơi có vị trí điểm nút hoặc nơi đặt nhà máy, UBND tỉnh còn lại trên cơ sở thống nhất. Những quy định chi tiết hơn của điều Luật này do Chính phủ quy định.

Về quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư, đầu tư công tại Điều 27, thống nhất giao Chính phủ quy định và đưa toàn bộ ý kiến góp ý của EVN sang dự thảo Nghị định. Trong đó có điều khoản quy định đối với dự án chậm tiến độ, thiết kế theo hướng là chậm tiến độ 3 tháng xử phạt lần 1, nếu chậm 6 tháng thì xử phạt lần 2 nặng hơn gấp hai lần 1, lần 3 sẽ thu hồi dự án. Trong trường hợp cấp bách, giao dự án cho Tập đoàn Nhà nước để thực hiện bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. “Cả dự án về nguồn và truyền tải cần có kỷ luật thép”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cuộc họp về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Ảnh: Cấn Dũng

Về mua bán điện với nước ngoài (quy định tại Điều 75), thống nhất cần dựa trên Quy hoạch và chủ trương nhập khẩu điện của Chính phủ, khung giá điện nhập khẩu do Bộ Công Thương ban hành.

Việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, Bộ trưởng thống nhất Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền quyết định. Bên cạnh đó, để bảo đảm an ninh quốc gia, dự án điện gió ngoài khơi phải do các doanh nghiệp trong nước đầu tư hoặc tham gia đầu tư. Ngoài ra, không giới hạn dự án điện gió ngoài khơi đến năm 2030.

Xử lý các dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh, cần kỷ luật thép với những dự án chậm tiến độ. Trong trường hợp cấp bách giao dự án cho tập đoàn nhà nước đủ năng lực để thực hiện nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, thông qua cơ chế này, các doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục nắm vai trò chủ đạo trong việc cung ứng nguồn điện của đất nước.

Cuộc họp về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Cấn Dũng

Đối với dự án điện khí, Bộ trưởng đề nghị đưa vào quy định của điều Luật là khuyến khích, tăng cường khai thác và sử dụng khí trong nước để phát điện. Đồng thời có cơ chế xác định sản lượng hợp đồng (Qc) tối thiểu, chuyển ngang giá khí đối với các dự án khí tự nhiên trong nước khai thác được. Đối với khí nhập khẩu, Chính phủ quy định Qc tối thiểu để phù hợp từng thời kỳ và phù hợp từng dự án. Giá khí nhập khẩu do Bộ Công Thương ban hành.

Bộ trưởng cũng cho rằng cần có điều khoản chuyển tiếp đối với các dự án đã được triển khai trước khi Luật này có hiệu lực. Trong 12 tháng, trên cơ sở quy định của Luật mới, các bên có liên quan tự đàm phán các điều khoản. Còn sau 12 tháng, các dự án này phải tuân thủ theo quy định của Luật mới.

Bộ trưởng yêu cầu Ban Biên tập và Tổ soạn thảo trong ngày hôm nay phải hoàn thiện dự thảo luật theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng, những điều khoản chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì đưa vào trong dự thảo là "do Chính phủ quy định". Còn lại toàn bộ những dự thảo thống nhất của các bên sang dự thảo Nghị định.

Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ, song song với hoàn thiện dự thảo của Luật, Ban Biên tập và Tổ soạn thảo triển khai thêm Dự thảo Nghị định, Dự thảo Thông tư để sau khi Luật và Nghị định có hiệu lực thì triển khai ngay.

Nhóm phóng viên

Tag:

File đính kèm