Trong khuôn khổ chương trình công tác tại Ấn Độ nhân dịp tham dự Kỳ họp lần thứ 5 Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam – Ấn Độ từ ngày 5-8/8/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã có buổi làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, gặp gỡ Hội đồng Xúc tiến thương mại Ấn Độ và chủ trì Diễn đoàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ.
Tháp tùng Thứ trưởng tại các sự kiện này có đại diện lãnh đạo các đơn vị trong và ngoài Bộ gồm: Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Văn phòng Bộ, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Phòng vệ thương mại, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet và một số doanh nghiệp khác của Việt Nam.
Tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã có buổi làm việc với đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ và các cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
|
Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã có buổi làm việc với đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ |
Thứ trưởng đánh giá cao vai trò của đồng chí Đại sứ và Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, đặc biệt với vai trò ngoại giao kinh tế, và nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước. Trong đó có việc tìm kiếm các giải pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh của mỗi bên.
Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị đồng chí Đại sứ tiếp tục quan tâm, phối hợp với Bộ Công Thương để thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản thương mại của Ấn Độ, tạo thuận lợi để các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam có thể thâm nhập sâu vào thị trường Ấn Độ, đồng thời quảng bá môi trường kinh doanh của Việt Nam, thu hút đầu tư và tăng cường kết nối doanh nghiệp hai nước.
Theo đó, cần thúc đẩy mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông thủy sản, đặc biệt là trái cây tươi của Việt Nam; đồng thời đề nghị Đại sứ chia sẻ thêm về tiềm năng của Ấn Độ, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường Ấn Độ trong bối cảnh địa chính trị đang có những biến động, thay đổi.
Đại sứ Nguyễn Thanh Hải nhận định, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ và cho biết Chính phủ Ấn Độ hiện có nhiều chính sách tạo thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, thanh toán dùng nội tệ, tăng cường xuất nhập khẩu những mặt hàng thế mạnh.
Đại sứ khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ, thương mại điện tử với phía Ấn Độ; ý nghĩa mối quan hệ lịch sử truyền thống lâu đời giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước trong việc tiếp tục vun đắp tình tình hữu nghị giữa hai nước nói chung và sự phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước trong thời gian tới nói riêng.
Tại buổi làm việc với ông Mohit Singla, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến thương mại Ấn Độ (TPCI), Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã có các trao đổi cụ thể về các hoạt động hợp tác xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ, tiềm năng hợp tác cho doanh nghiệp hai nước.
Đánh giá cao vai trò của TPCI và các hoạt động xúc tiến thương mại do TPCI tổ chức nhằm kết nối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Ấn Độ và Việt Nam, Thứ trưởng mong muốn TPCI tăng cường hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu thị trường Ấn Độ.
|
Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã có các trao đổi cụ thể về các hoạt động hợp tác xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ với ông Mohit Singla, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến thương mại Ấn Độ (TPCI) |
Thứ trưởng cũng chia sẻ với TPCI về các hội chợ/triển lãm quốc tế thường niên với quy mô lớn, uy tín của Việt Nam như Food Expo, Viet Nam Expo và đề nghị TPCI thường xuyên tổ chức các đoàn doanh nghiệp Ấn Độ vào Việt Nam để kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, tìm hiểu các cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Nhận định Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều dư địa cho nâng cao kim ngạch thương mại, Thứ trưởng chia sẻ với TPCI về các sản phẩm nông thủy sản, đặc biệt là trái cây tươi được sản xuất theo tiêu chuẩn, có chất lượng tốt, an toàn, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Ấn Độ nhưng vẫn gặp các rào cản của phía Ấn Độ hoặc chưa thể thâm nhập vào thị trường này (hiện mới chỉ có thanh long là trái cây tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Ấn Độ).
Thứ trưởng mong muốn TPCI hỗ trợ xúc tiến, quảng bá các sản phẩm của Việt Nam cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Ấn Độ, tăng cường tiêu thụ thanh long, cá ba sa Việt Nam tại thị trường Ấn Độ.
Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị TPCI cần có ý kiến với Chính phủ Ấn Độ sớm gỡ bỏ các rào cản thương mại và hạn chế sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại trong tương lai; tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam khai thác, mở thêm các đường bay từ các thành phố lớn của Việt Nam tới các thành phố lớn của Ấn Độ để khai thác mạnh mẽ tiềm năng du lịch thương mại giữa hai nước.
Ghi nhận những quan tâm và đề nghị của Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Chủ tịch Hội đồng xúc tiến thương mại Ấn Độ cho biết Hội đồng sẽ có ý kiến với Chính phủ Ấn Độ về những đề nghị của Thứ trưởng để thúc đẩy giải quyết các vấn đề quan tâm của Việt Nam như mở thêm đường bay giữa các thành phố lớn của hai nước; hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và dỡ bỏ các rào cản thương mại; hợp tác sâu hơn trong các lĩnh vực tiềm năng của hai bên và tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác song phương về xúc tiến thương mại.
Tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD, Ấn Độ, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ. Diễn đàn có sự tham dự và phát biểu của đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Ranjeet Mehta, Giám đốc Điều hành phòng Thương mại và Công nghiệp PHD và hơn 100 doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu của Việt Nam và Ấn Độ.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Phan Thị Thắng và các diễn giả, khách mời có nhiều nhận định tương đồng về các thuận lợi và thách thức cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ. Các điểm thuận lợi tập trung vào các yếu tố: Hai nước có nền kinh tế tăng trưởng tốt và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định; việc di chuyển giữa hai nước hết sức thuận lợi với các đường bay thẳng đã được thiết lập giữa một số cặp thành phố lớn của hai bên; cơ cấu xuất nhập khẩu hai nước có sự bổ sung lẫn nhau.
Tuy nhiên, Việt Nam và Ấn Độ cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động của kinh tế thế giới, xung đột, căng thẳng thương mại, lạm phát cao, nhu cầu hàng hóa giảm trên diện rộng; hạn chế trong tìm hiểu thông tin về nhu cầu, thị hiếu thị trường; chi phí và thời gian vận tải hàng hóa giữa hai nước còn cao, chưa nâng cao được sức cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu; doanh nghiệp cả hai nước vẫn chưa có nhận thức đúng về tầm quan trọng của thương mại điện tử xuyên biên giới để phát triển các hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai Bên.
Thứ trưởng đã đề ra một số nội dung mà các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ cần tập trung khai thác trong bối cảnh hiện này, cụ thể gồm: tăng cường hợp tác, kết nối chuỗi cung ứng, mở rộng hợp tác thương mại trong các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng hợp tác như nông, thủy sản, dệt may, da giày, dược phẩm, hóa chất, phân bón, máy móc, thiết bị, các sản phẩm hàng tiêu dùng…; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến, hợp tác thương mại, khai hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, xem xét khả năng hợp tác phát triển logistics, thiết lập các tuyến vận chuyển trực tiếp giữa Việt Nam và Ấn Độ để tiết kiệm thời gian, chi phí; tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của mỗi bên, trong đó Việt Nam khuyến khích đầu tư của Ấn Độ vào công nghiệp nền tảng (ô tô, thực phẩm chế biến, dệt may, vật liệu, điện tử, hoá chất), phát triển hạ tầng (hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng năng lượng, hạ tầng logistics), ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử.
Các ý kiến của Thứ trưởng được các diễn giả và khách mời tán đồng và đánh giá cao. Bên cạnh các trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn, các doanh nghiệp của Việt Nam và Ấn Độ cũng tích cực kết nối, giao thương, tìm kiếm các cơ hội hợp tác, thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước đối với thị trường mỗi bên.
Diễn đàn và các hoạt động bên lề Kỳ họp lần thứ 5 Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ đã diễn ra rất thành công và thu được nhiều kết quả tốt đẹp, đóng góp ý nghĩa cho hoạt động chính là Phiên đồng chủ trì của Thứ trưởng Phan Thị Thắng và Phó Tổng Thư ký, Bộ Công Thương Ấn Độ vào ngày 8/8/2023 với sự tham dự của đầy đủ các đơn vị, Bộ, ngành liên quan hai nước. |