Hội thảo “Quy hoạch điện VIII và Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng tại Việt Nam: Mở cửa đầu tư và đánh giá lợi ích kinh tế - xã hội của phát triển năng lượng sạch” do Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc (Britcham) và Hiệp hội Hữu nghị Việt Nam – Anh (VUFA) tổ chức với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; ông Graham Stuart, Quốc vụ khanh Bộ An ninh năng lượng và Trung hoà các-bon, Vương quốc Anh; ông lain Frew, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam cùng đại diện một số cơ quan bộ, ngành của Việt Nam, UNDP, Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam, các doanh nghiệp thuộc Britcham, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Ngân hàng BIDV…
|
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-Len (Vương quốc Anh) đã thiết lập quan hệ ngoại giao kể từ năm 1973. Trong 50 năm qua, mối quan hệ, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước đã được hình thành, xây dựng và phát triển trên nhiều lĩnh vực, cấp độ; trong đó, hợp tác về kinh tế - thương mại luôn là điểm sáng. Hiện nay, Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 trên thế giới và lớn thứ 4 của Việt Nam ở khu vực châu Âu, châu Mỹ. Mối quan hệ, hợp tác tin cậy giữa hai nước đang ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Hiện Vương quốc Anh đang là đối tác lớn thứ 15 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, tài chính, ngân hàng, dầu mỏ.
Là một trong 10 quốc gia được đánh giá có tiềm năng lớn nhất về năng lượng tái tạo, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) của Việt Nam dự kiến phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo. Để thực hiện chương trình chuyển đổi năng lượng theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần huy động nguồn vốn lớn để đáp ứng các mục tiêu đầu tư nguồn và lưới điện đến năm 2050.
Theo tính toán, giai đoạn 2021 - 2030: Ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD (trung bình 12,0 tỷ USD/năm), lưới điện truyền tải khoảng 14,9 tỷ USD (trung bình 1,5 tỷ USD/năm).
Định hướng giai đoạn 2031-2050: Ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 - 523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4 - 511,2 tỷ USD (trung bình 18,2 - 24,2 tỷ USD/năm), lưới điện truyền tải khoảng 34,8 - 38,6 tỷ USD (trung bình 1,7 - 1,9 tỷ USD/năm).
|
Các chuyên gia đã thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai các dự án điện gió ngoài khơi |
“Điều này cho thấy tiềm năng hợp tác rất lớn giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong quá trình chuyển đổi năng lượng nêu trên. Đồng thời, tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thân thiện và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư được tiếp cận các nguồn lực và cơ hội đầu tư để hiện thực hóa các ý tưởng, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam”- Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
Chia sẻ về hành trình giảm phát thải của Vương quốc Anh trong quá trình chuyển dịch năng lượng, ông Graham Stuart, Quốc Vụ khanh, Bộ An ninh năng lượng và trung hoà các-bon, Vương quốc Anh cho biết: Cách đây 11 năm nhiệt điện than chiếm 40% trong tổng nguồn cung năng lượng của Anh, đến năm 2020 tỷ lệ này còn hơn 2%. Để có kết quả này Vương quốc Anh đảm bảo trả giá cố định cho các nhà máy phát điện trong thời gian dài. Trong giai đoạn 10 năm chi phí đầu tư cho năng lượng sạch đã giảm 70% với chính sách phù hợp. Vương quốc Anh cũng xây dựng chuỗi cung ứng tua – bin gió cho sản phẩm cuối cùng cùng với đó dành nguồn lực đầu tư lớn cho lưới truyền tải điện để đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp đều có thể truyền tải khi dự án hoàn thành.
“Từ năm 2012 đến nay Anh đã thu hút 200 tỷ Bảng Anh vào năng lượng tái tạo. Muốn đảm bảo nền kinh tế có thể đứng vững trong tương lai không chỉ đảm bảo về môi trường, còn phải đảm bảo an ninh năng lượng, cần có chính sách đầu tư phù hợp trong lĩnh vực năng lượng và ổn định”- ông Graham Stuart bày tỏ.
|
Ông Graham Stuart chia sẻ kinh nghiệm của Anh trong chuyển dịch năng lượng |
Là một thành viên của nhóm Đối tác chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP), Vương quốc Anh đóng vai trò quan trọng cùng với các quốc gia khác cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện giảm phát thải. “Chúng tôi sẽ có những hợp tác để giúp Việt Nam giảm phát thải C02 đạt 30% vào 2030 đồng thời hạn chế phụ tải đỉnh than tại Việt Nam, tăng nguồn tái tạo, để giúp giải quyết thách thức biến đổi khí hậu”- ông Graham Stuart cho biết.
Tại hội thảo các chuyên gia đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, JETP, Vương quốc Anh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng BIDV Việt Nam, Tập đoàn BP (Anh) cùng chia sẻ những kinh nghiệm trong triển khai các dự án điện gió ngoài khơi qua đó phân tích các vấn đề giúp thu hút các nhà đầu tư đảm bảo tạo tính bền vững; tiến độ thực hiện JETP tại Việt Nam, những vấn đề đặt ra cho việc thực hiện Quy hoạch điện VIII.