Ngày 23/7, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Ban Cán sự đảng, lãng đạo Bộ với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ năm 2024 dưới sự chủ trì của Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Cùng tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hoàng Long - Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Trương Thanh Hoài - Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Trần Quang Huy - Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Bí thư Đảng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; đồng chí Nguyễn Minh Huệ - Chủ tịch Công đoàn Bộ Công Thương cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Chủ đề của cuộc đối thoại năm nay là “Tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan”.
Phát huy tính dân chủ trong đóng góp ý kiến, thảo luận tại Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch Công đoàn Bộ Công Thương Nguyễn Minh Huệ cho biết, nhiều nội dung quan trọng được kiến nghị, đề xuất tại Hội nghị đối thoại năm 2022 đã được triển khai, cụ thể như: sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc, phòng họp tại 23 Ngô Quyền và nhà ăn tại tầng 9 - 23 Ngô Quyền đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng; tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm và thực đơn các bữa ăn trưa tại các bếp ăn; cải thiện, xây dựng cảnh quan tại các trụ sở làm việc của Bộ, bố trí cây xanh hợp lý, thay hệ thống gạch lát tại khu vực ra vào trụ sở Bộ; sắp xếp khu vực đỗ xe hợp lý đảm bảo công bằng cho cán bộ công chức, viên chức đến làm việc trong điều kiện hạn chế về chỗ đỗ xe,...
Mặc dù vậy, Chủ tịch Công đoàn Bộ Nguyễn Minh Huệ cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn tồn tại một số hạn chế liên quan đến (i) công tác chăm lo đời sống cán bộ công chức, viên chức; (ii) nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác; và (iii) công tác chuyên môn.
Là đơn vị đầu tiên phát biểu, đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đánh giá cao việc tổ chức hội nghị đối thoại đã tạo ra một không gian đối thoại mang tính dân chủ cao, khiến cho các đơn vị thuộc Bộ ngày càng gắn bó, gần gũi hơn, là điều kiện rất quan trọng để cải thiện chuyên môn. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại chưa thay đổi từ 2022 đến nay, cụ thể liên quan đến quy trình xử lý công việc; thời gian, tiến độ xử lý công việc; và các nâng cao chất lượng công việc.
Tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Lê Triệu Dũng kiến nghị Văn phòng Bộ hỗ trợ, khắc phục tình trạng xuống cấp tại trụ sở làm việc và cung cấp thêm trang thiết bị như máy tính, máy in,… phục vụ công việc; đồng thời đề nghị với lãnh đạo Bộ xem xét tiếp tục tuyển dụng, bổ sung công chức cho Ủy ban Cạnh tranh để phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra và điều tra…
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh bày tỏ mong muốn các đơn vị có thủ tục hành chính đẩy mạnh số hóa các hồ sơ thủ tục hành chính, số hóa kết quả giải quyết các thủ tục hành chính còn hiệu lực. Ngoài ra, các đơn vị cũng cần lập ra một kế hoạch để sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan đến các thủ tục hành chính để đẩy mạnh công tác hậu kiểm và từ đó tạo điều kiện để triển khai cái dịch vụ công trực tuyến toàn trình như Bộ trưởng đã chỉ đạo.
Liên quan đến công tác truyền thông của Bộ, Tổng Biên tập Tạp chí Công Thương Đặng Thị Ngọc Thu cho biết, thời gian qua, Tạp chí luôn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các đơn vị thuộc Bộ trong hoạt động, đồng thời đánh giá, nhóm chuyên trách báo chí của Bộ đã và đang phối hợp rất tốt trong công tác truyền thông các hoạt động của lãnh đạo Bộ trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, Tổng Biên tập Đặng Thị Ngọc Thu cũng đề nghị với Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương tạo điều kiện, quan tâm hơn đến cơ sở vật chất tại nơi làm việc của đơn vị.
Tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
Sau khi lắng nghe những ý kiến trao đổi, thảo luận của lãnh đạo các đơn vị, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, nhìn chung, cùng với việc kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc các quy chế, quy định trong cơ quan thì việc tổ chức đối thoại hàng năm đã góp phần lớn trong việc hình thành và củng cố tính đoàn kết nội bộ trong toàn Bộ Công Thương và trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Hầu hết nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn cơ quan và trong từng đơn vị đều hoàn thành với chất lượng khá tốt cả về nội dung và tiến độ, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. "Chúng ta đã thực hiện khá tốt 3 chức năng cơ bản của quản lý nhà nước (i) tham mưu xây dựng quy hoạch, kế hoạch; (ii) tham mưu xây dựng cơ chế chính sách; và (iii) thực hiện thanh tra, kiểm tra; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội của đất nước, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.
Nhiều vấn đề, vụ việc tồn đọng hoặc mới nảy sinh của nội bộ đều được xem xét, giải quyết một cách bài bản, đúng quy định, phù hợp với tình hình; không khí dân chủ, đoàn kết đã và đang được phát huy ở nhiều đơn vị, điển hình như Tạp chí Công Thương; Cục Hóa chất; Cục Công Thương địa phương; Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Cục Phòng vệ thương mại;…
Cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, phương tiện, điều kiện làm việc của toàn cơ quan và từng đơn vị tiếp tục được củng cố, nâng cấp và hoàn thiện, đơn cử như việc sửa chữa cơ sở hạ tầng các trụ sở Bộ Công Thương, hay việc thực hiện chuyển đổi số, mua sắm trang thiết bị làm việc cho các cơ quan,… cùng với việc quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản chung, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã phát huy tốt cơ chế xã hội hóa. Nhờ vậy, chất lượng, hiệu quả công tác của từng đơn vị được nâng lên; đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ được nâng lên rõ rệt.
Vai trò, vị trí của cấp ủy, tổ chức Đảng, đoàn thể, lãnh đạo các đơn vị tiếp tục được củng cố và phát huy; tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo và người đứng đầu ở một số đơn vị đã được khẳng định rõ nét.
Bên cạnh những ưu điểm đạt được thì cơ bản vẫn còn những vấn đề cần phải tập trung khắc phục, cụ thể là (i) tính chủ động, trách nhiệm trong tham mưu cho lãnh đạo Bộ, độ quyết liệt, đúng đắn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở một số đơn vị chưa cao, hiệu quả chưa thật rõ nét; (ii) sự đoàn kết, thống nhất một cách thực chất trong một số tập thể chưa cao; (iii) mặc dù phương tiện, điều kiện làm việc đã được tăng cường nhưng vẫn còn thiếu sự đồng bộ, đồng thời, một số phương tiện máy móc chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả; (iv) hiện tượng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không thật say sưa với công việc có xu hướng gia tăng; một bộ phận ngại hoạt động tập thể, nhất là các hoạt động văn hóa, thể thao, nâng cao thể chất, tinh thần làm việc; (v) một số cấp ủy, tổ chức Đảng, đoàn thể, lãnh đạo đơn vị chưa phát huy hết vai trò của vị trí lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này về cơ bản là do (i) việc nghiên cứu, quán triệt các chủ trương, chính sách; quán triệt những chỉ đạo của lãnh đạo Bộ chưa thật sự sâu sắc, vì vậy quá trình thực hiện còn lúng túng, bị động và thiếu tự tin, hiệu quả thấp; (ii) kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, ý thức trách nhiệm của một số đơn vị còn chưa tốt; (iii) sự phối hợp giữa các đơn vị là chưa tốt; (iv) công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm minh; và (v) tính tiền phong, gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên, nhất là với những cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo.
Thời gian tới, để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, khắc phục những hạn chế, yếu kém, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo cần tập trung vào một số nhiệm vụ, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nghiên cứu phát triển các chủ trương, chính sách, đặc biệt là những chủ trương, chính sách mới liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ngành Công Thương trong toàn cơ quan và trong từng đơn vị thuộc Bộ.
Quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc: Cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép; còn người dân và doanh nghiệp làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm để mọi người và mọi đơn vị yên tâm, tự tin, mạnh mẽ và quyết liệt trong thực thi công việc.
Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong mọi lĩnh vực công tác của Bộ, đi đôi với việc kết nối về mặt kỹ thuật để thuận lợi trong việc quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu chung. Đồng thời, từng đơn vị thuộc Bộ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, hạn chế tới mức thấp nhất sự phiền toái cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, dựa vào đề án vị trí việc làm của cán bộ, công chức trong các cơ quan và trong từng đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cần phải làm tốt công tác phân công công tác cụ thể cho cán bộ, định kỳ nhận xét, đánh giá và có hình thức động viên, khen thưởng hoặc phê bình, nhắc nhở kịp thời.
Thứ tư, phải tập trung đổi mới công tác quản trị trong tất cả các đơn vị thuộc Bộ. Theo đó, tăng cường phân cấp, ủy quyền thay vì quản lý, quản trị theo hệ giải pháp thì quản theo hệ mục tiêu, thay vì quản lý về thời gian làm việc thì quản lý về hiệu quả công tác.
Thứ năm, từ cơ quan Bộ đến các đơn vị thuộc Bộ cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ, quy chế làm việc của từng đơn vị; chú trọng phát huy dân chủ trong sinh hoạt, hội họp, bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ và hưởng các quyền lợi; đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu.
Thứ sáu, tăng cường tổ chức các hoạt động tập thể trong từng đơn vị, tạo sự gần gũi, gắn bó, hiểu biết lẫn nhau, nhất là trong các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, làm việc theo nhóm. Đồng thời, chú trọng phát động và tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm mục tiêu phát huy sáng kiến, cải tiến cách làm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác mỗi tập thể và mỗi cá nhân.
Thứ bảy, đề nghị cấp ủy, các tổ chức Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo từng đơn vị cùng cấp để làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp Đảng, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sắp xếp, đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm và thực hiện chính sách đối với cán bộ được bảo đảm một cách công bằng.
Thứ tám, đề nghị Công đoàn ngành, công đoàn các cơ quan tiếp tục quan tâm, chăm lo cho quyền và lợi ích chính đáng của công đoàn viên, nhất là quyền lợi về chính trị và tinh thần. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng mô hình bếp ăn tập thể tại các trụ sở làm việc của Bộ, chú trọng xã hội hóa, vận dụng hợp lý các cơ chế, chính sách để nâng cao và duy trì chất lượng các bữa ăn trưa cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Thứ chín, Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, bố trí nguồn lực và tìm các nguồn lực hợp pháp để sửa chữa, nâng cấp trang bị mới cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc của Bộ. Ngoài ra, đề nghị chú trọng làm tốt hơn công tác vệ sinh môi trường và bảo đảm an ninh, an toàn cũng như làm đẹp cảnh quan công sở nơi làm việc. Bảo đảm tuyệt đối an toàn và sử dụng hợp lý tài sản công.
“Đó là những nhiệm vụ chính mà chúng ta cần phải tập trung thực hiện, để vào dịp này năm sau, những băn khoăn, trăn trở, những mong muốn của chúng ta đều đã được giải quyết một cách hợp lý.” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.