Quang cảnh hội thảo
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT và hơn 150 nhà hoạch định chính sách, nhà lập pháp, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, đại diện công đoàn ngành giáo dục cùng hơn 10 tổ chức quốc tế, tổ chức của UNESCO và tổ chức phi chính phủ của Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ: Ở nhiều quốc gia, nhất là với đất nước có truyền thống trọng học, trọng thầy, thì vị trí, vai trò của nhà giáo luôn được quan tâm. Nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhà giáo, Bộ GDĐT đề xuất Chính phủ xây dựng Đề án Luật Nhà giáo với phương châm nhất quán nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý chất lượng làm sao để thu hút, giữ chân được những người tài vào nghề sư phạm, yên tâm cống hiến.
Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng với quy trình, thủ tục công phu, kỹ lưỡng. Trong đó có sự tham gia trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ chuyên gia, các cơ sở giáo dục đại học, các sở GDĐT. Dự thảo Luật Nhà giáo đã trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo đó, có 127 lượt ý kiến tại các tổ và có 37 ý kiến thảo luận tại nghị trường.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo
Hầu hết các ý kiến khẳng định, Ban soạn thảo đã làm việc nghiêm túc, công phu, chất lượng. Các ý kiến thảo luận tại nghị trường đều đồng tình cao về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo. Vấn đề đặt ra là, làm sao gia tăng các chính sách thu hút nhà giáo, đồng thời làm rõ trách nhiệm, đạo đức của nhà giáo.
Theo quy định, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội 2 vòng. Vòng 1 đã được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến ngày 20/11 vừa qua. Tại kỳ họp thứ 9, dự kiến vào tháng 5/2025, Quốc hội tiếp tục thảo luận và xem xét thông qua dự thảo Luật Nhà giáo.
“Chúng ta có 6 tháng nữa tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước. Tinh thần là cầu thị, lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: Khi Luật Nhà giáo được ban hành, phải làm cho đội ngũ nhà giáo vui mừng, phấn khởi, chờ đợi”, Thứ trưởng nhắc lại, đồng thời nhấn mạnh, xây dựng Luật Nhà giáo không phải hệ thống hóa các quy định, mà làm sao để nhà giáo yêu nghề hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, ở đó đối tượng thụ hưởng chính là các thế hệ học sinh.
Bà Miki Nozawa, Phụ trách Chương trình Giáo dục, UNESCO tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo
Chia sẻ tại hội thảo, bà Miki Nozawa, Phụ trách Chương trình Giáo dục, UNESCO tại Việt Nam nhận định: Chất lượng nhà giáo là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả học tập. Tuy nhiên, nghề giáo phải đối mặt với những thách thức đáng kể và phải thích ứng với nhu cầu giáo dục và xã hội không ngừng thay đổi.
Để hỗ trợ nhà giáo hoàn thành vai trò quan trọng này cũng như giải quyết những thách thức mới nổi, điều cần thiết là phải xây dựng luật pháp toàn diện về nhà giáo. Luật này sẽ đảm bảo rằng nhà giáo có thể tiếp tục cung cấp nền giáo dục chất lượng cho mọi người, đóng góp vào một xã hội công bằng và hòa nhập hơn, nơi mà chính họ cũng là các đối tượng hưởng lợi.
“Sự kiện này là minh chứng rõ ràng cho cam kết chung của Bộ GDĐT và UNESCO trong việc thúc đẩy vai trò và vị thế của nhà giáo thông qua các chính sách và luật pháp được tăng cường, nhằm ứng phó với bối cảnh đang thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam”, bà Miki Nozawa cho biết.
Chuyên gia nước ngoài trao đổi tại hội thảo theo hình thức trực tuyến
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các đơn vị tổ chức trong và ngoài nước đã tham gia tham luận, trao đổi, thảo luận, đề xuất các ý kiến liên quan đến thiết lập, xây dựng các chính sách thu hút nhà giáo, nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ nhà giáo, kinh nghiệm quốc tế, quốc gia về xây dựng luật về đội ngũ nhà giáo…
Tiến sĩ Li TingZhou, Trung tâm Đào tạo giáo viên, Đại học Sư phạm Thượng Hải thông tin: Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống chức danh nghề nghiệp thống nhất cho giáo viên. Tương tự như giáo sư đại học và bác sỹ, giáo viên tiểu học và trung học có thể đạt được các chức danh nghề nghiệp ở mức cao. Hiện nay tại Trung Quốc có khoảng 11 triệu giáo viên, trong đó có khoảng 30.000 giáo viên có chức danh nghề nghiệp tương đương với chức danh giáo sư. Tiền lương và phúc lợi xã hội của các giáo viên này cũng ở mức tương đương với chức danh giáo sư. Qua đó, hệ thống chức danh nghề nghiệp thúc đẩy vị thế giáo viên tại Trung Quốc.
Nhận định mặc dù đội ngũ nhà giáo Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với trước, nhưng trước yêu cầu ngày càng cao và phức tạp của công cuộc đổi mới giáo dục, đội ngũ này vẫn đang trong tình trạng thiếu về số lượng, bất hợp lý về cơ cấu, chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, Tiến sĩ Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến đồng thời khuyến nghị cần xây dựng chính sách nhà giáo theo tiếp cận toàn diện và tổng thể, phù hợp với các quan điểm chỉ đạo trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; phát triển các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo theo định hướng chuyển đổi, đi trước một bước để sẵn sàng cho việc chuyển đổi việc dạy và học trong các cơ sở giáo dục; đảm bảo chế độ tiền lương, đãi ngộ và khen thưởng nhà giáo tương xứng với vị thế, vai trò, trách nhiệm và hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; nhận diện và khắc phục những tồn tại, rào cản hiện nay trong tuyển dụng, sử dụng và giữ chân nhà giáo…
Tiến sĩ Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến trao đổi nhiều nội dung về dự thảo Luật Nhà giáo
Đánh giá cao cách tiếp cận của dự thảo Luật Nhà giáo, đặc biệt là sau các lần chỉnh sửa, bổ sung thì đã có sự tương đồng đối với luật về nhà giáo ở các quốc gia trên thế giới, Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng Bùi Xuân Hải có những ý kiến góp ý thêm về công tác tuyển dụng giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học công lập; lưu ý chính sách về lương giáo viên đối với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ, chưa tự chủ; thu hút giảng viên, chế độ cho giảng viên người nước ngoài.
Tiếp tục nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo cũng như việc cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo, trong phát biểu kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định: Ở các nước tiến tiến và có truyền thống về giáo dục, họ xác định rõ vai trò, vị thế của nhà giáo đối với sự hưng thịnh của quốc gia. Đầu tư cho giáo dục, phát triển nhà giáo là đầu tư cho sự phát triển, cho hiện tại và tương lai.
Thông qua các ý kiến được trao đổi tại hội thảo, các thông điệp đều đề cập sự phát triển đội ngũ nhà giáo và xây dựng chính sách nhà giáo theo hướng tăng cường và thuận lợi nhất để phát triển nhà giáo. Đó không chỉ là vấn đề tiền lương mà còn là điều kiện làm việc, không gian sáng tạo, không gian làm việc, để nhà giáo có những điều kiện cơ bản nhất có thể sống được bằng nghề và đảm bảo chất lượng giáo dục.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng và bà Miki Nozawa, Phụ trách Chương trình Giáo dục, UNESCO tại Việt Nam chủ trì thảo luận tại hội thảo
“Đây không phải ưu đãi, biệt đãi đối với nhà giáo mà là những chính sách cơ bản của nhà giáo và kinh nghiệm trên quốc tế đều chứng minh việc đó. Trong thời gian tới, trong quá trình tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT sẽ hướng tới xây dựng những chính sách đúng mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Những ý kiến trao đổi tại hội thảo về tuyển dụng, quản lý nhà giáo, vai trò chủ đạo của nhà nước trong quản lý nhà giáo… đã được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao đổi cụ thể. Trong đó, đối với việc quản lý nhà giáo, Thứ trưởng nhấn mạnh, nhà giáo là viên chức đặc biệt vì vậy cần quản lý theo hệ thống ngành dọc và đúng đặc thù nghề nghiệp.
Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo ghi nhận đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, tiếp thu, tổng hợp theo tinh thần khoa học, có chọn lọc trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay.