Dự cuộc làm việc về phía tỉnh Trà Vinh có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kim Ngọc Thái; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn và lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, các sở, ngành địa phương.
Quang cảnh cuộc làm việc
Báo cáo của tỉnh Trà Vinh cho thấy: Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định, phát triển hơn so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng mạnh; thu ngân sách đạt khá; xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I của tỉnh Trà Vinh đạt 3,18% (cùng kỳ tăng trưởng âm 5,65%). Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là 4.714,336 tỷ đồng, đã phân bổ chi tiết hết 100% kế hoạch vốn ngay từ đầu năm, giải ngân đến ngày 4/5/2023 là 932,885 tỷ đồng, đạt 19,8% kế hoạch.
Tỉnh đã tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 10.822 tỷ đồng, đạt 33,82% kế hoạch (kế hoạch 32.000 tỷ đồng) và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 35 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, giá trị xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Trà Vinh là 60.814.978 USD, giảm 19,32% so cùng kỳ năm 2022; giá trị nhập khẩu là 41.762.116 USD, giảm 71,92% so cùng kỳ năm 2022.
Đề cập tới một số khó khăn, vướng mắc về thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết: Công tác giải phóng mặt bằng, công tác thu hồi tạm ứng còn gặp khó khăn. Tiến độ thực hiện toàn bộ nội dung lập quy hoạch tỉnh đều chậm so với kế hoạch, nguyên nhân do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, khó khăn trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống bản đồ, công tác thanh quyết toán chi phí cho các đơn vị tư vấn lập quy hoạch…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, chính sách hỗ trợ lãi suất, lãi suất cho vay còn cao, nguồn cung cấp nguyên vật liệu, thức ăn chăn nuôi hiếm, nhất là nguyên vật liệu nhập khẩu, giá nguyên liệu cao… ảnh hưởng chung đến tình hình sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của tỉnh Trà Vinh trong những tháng đầu năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn báo cáo tại cuộc làm việc
Tỉnh Trà Vinh kiến nghị cấp thẩm quyền hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp phải thu hồi tạm ứng nhưng doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, chủ doanh nghiệp đã mất hoặc không còn định cư ở Việt Nam dẫn đến không thu hồi được.
Kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo huy động phát điện trở lại đối với các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm điện lực Duyên Hải gồm: Nhà máy Duyên Hải 2, Nhà máy Duyên Hải 3, Nhà máy Duyên Hải 3-mở rộng để đóng góp vào tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong năm 2023.
Kiến nghị Bộ Xây dựng, Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc về đối tượng là người lao động tự do có hộ khẩu thường trú tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh nhưng đang làm việc tự do tại khu vực đô thị trong tỉnh Trà Vinh được vay ưu đãi mua nhà ở xã hội
Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, có chính sách hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, có gói tín dụng để ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất khẩu; có chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất... cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.
Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét trình Chính phủ bổ sung vào Nghị định sửa đổi Nghị định số 11/2021/NĐ-CP: Quy định về thủ tục ghi nhận tài sản hình thành trên mặt biển; Quy định cụ thể việc cơ sở xác định diện tích giao khu vực biển của từng loại hình, dự án.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai Quy hoạch sau khi được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, tỉnh Trà Vinh đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch về cho các tỉnh.
Bà Trần Liên Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi tại cuộc làm việc
Trao đổi thêm về một số mong muốn được Chính phủ quan tâm hỗ trợ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh Kim Ngọc Thái đề cập tới đầu tư cho kinh tế ven biển, quy hoạch khai thác hồ nước ngọt phục vụ cho tưới tiêu, sản xuất và phát triển du lịch, đầu tư cho triển khai các dự án điện gió với khẳng định “nếu quan tâm tới phát triển điện gió, Trà Vinh có thể tiến tới tự cân đối được ngân sách”.
Tại cuộc làm việc, đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương; Giao thông Vận tải; Lao động - Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao đổi một số vấn đề tỉnh quan tâm, những khó khăn vướng mắc và kiến nghị của tỉnh Trà Vinh.
Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: Thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, lập quy hoạch, tín dụng cho vay, hỗ trợ lãi suất, nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến đường ven biển…
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định tinh thần của cuộc làm việc là lắng nghe, trao đổi, nắm bắt và không có vấn đề vướng mắc nào của địa phương là không được tập hợp, giải đáp. Các ý kiến trao đổi của 7 Bộ, ngành ngay tại cuộc làm việc đã phần nào giải đáp được một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh nhưng theo Bộ trưởng cũng có nội dung mới, nội dung phải xem xét tiếp, do do đoàn công tác sẽ tập hợp đầy đủ để báo cáo Thủ tướng, báo cáo Chính phủ và có các giải đáp, xem xét giải quyết tiếp theo theo đúng thẩm quyền, đáp ứng nguyện vọng của địa phương.
Ghi nhận một số kết quả tỉnh Trà Vinh đạt được trong những tháng đầu năm trong bối cảnh nhiều khó khăn song cũng còn nhiều nhiệm vụ cần tiếp tục phải cố gắng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị tỉnh tập trung cho công tác giải ngân đầu tư công. Mặc dù tỷ lệ giải ngân mức 20% 4 tháng đầu năm của tỉnh Trà Vinh so với một số Bộ, ngành, địa phương là cao hơn song vẫn là thấp so với yêu cầu, do đó tỉnh cần tập trung cho nội dung này.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận cuộc làm việc
“Trong thuận lợi, khó khăn chung của cả nước, Trà Vinh cũng có thuận lợi, khó khăn riêng, do đó tỉnh cần tận dụng cơ hội riêng của địa phương để đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian tới”, Bộ trưởng lưu ý, đồng thời đề nghị tỉnh triển khai mạnh mẽ, ráo riết các chỉ đạo của Chính phủ từ đầu năm đến nay trong các Nghị quyết, Chỉ thị; trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn về thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế… Tỉnh cần theo dõi, phân tích sát biến động tình hình thế giới tác động tới địa phương, trên cơ sở dự báo của chung cả nước để có dự báo riêng cho tỉnh.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh với tỉnh Trà Vinh việc quán triệt thực hiện các yêu cầu trong Công điện số 280/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; việc thành lập và hoạt động Tổ công tác đặc biệt của địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh…
Tại cuộc làm việc, các kiến nghị của tỉnh Trà Vinh chủ yếu tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn tỉnh sẽ quan tâm, đảm bảo cân đối hài hoá giữa hạ tầng kinh tế, giao thông với hạ tầng văn hoá, giáo dục, xã hội; trong đó có đầu tư kiên cố hoá trường lớp, nhất là ở cấp tiểu học khi còn 17% trường lớp ở cấp học này chưa được kiên cố.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đang là vấn đề đặt ra cho Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Trà Vinh có những nghiên cứu, tính toán lâu dài về cây trồng, vật nuôi để trong tương lai đã có sự chủ động thích ứng với điều kiện tự nhiên.
Khẳng định quyết tâm của tỉnh Trà Vinh sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn cho biết, trong quá trình triển khai những gì vướng, khó sẽ báo cáo Chính phủ, những gì thuộc phạm vi của tỉnh sẽ cố gắng. “Tỉnh Trà Vinh quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt được những chỉ tiêu Nghị quyết đặt ra”, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nói.