Sign In

“Trà Vinh cần xem đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục là một hướng chỉ đạo trọng tâm”

02:33 11/05/2023
Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại buổi làm việc nắm bắt tình hình giáo dục và đào tạo tỉnh Trà Vinh, chiều 11/5. Dự buổi làm việc có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh Kim Ngọc Thái; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn; lãnh đạo một số đơn vị của Bộ GDĐT; lãnh đạo Sở GDĐT và một sở, ngành, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả của giáo dục Trà Vinh. Dù là tỉnh còn nhiều khó khăn song kết quả giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông thể hiện qua chỉ số huy động trẻ đến trường, chỉ số điểm thi tốt nghiệp THPT thuộc nhóm khá.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Những kết quả trong sắp xếp mạng lưới trường lớp, chuyển đổi số, giáo dục dân tộc… cũng đáng ghi nhận ở Trà Vinh. Bộ trưởng đánh giá, đây là cố gắng lớn của tỉnh và mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được.

Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành Giáo dục đang trong giai đoạn quyết liệt thực hiện đổi mới, thách thức đặt ra lớn, nên sự quan tâm của địa phương hết sức quan trọng. Thời gian tới tỉnh cần quan tâm, ưu tiên nguồn ngân sách cho Giáo dục; đặc biệt là thời điểm đổi mới giáo dục phổ thông đang vào giai đoạn nước rút, những yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và giáo viên càng đòi hỏi gay gắt.

Về đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng lưu ý, tỉnh Trà Vinh cần tuyển dụng đủ chỉ tiêu được phân bổ, đồng thời có giải pháp để giảm số lượng người hưởng lương ngân sách, trong đó một trong những giải pháp được Bộ trưởng nhắc tới là tăng cường xã hội hoá trong giáo dục.

Hiện nay toàn tỉnh Trà Vinh mới có 3 trường ngoài công lập, theo Bộ trưởng như vậy là thấp, do đó tỉnh cần xem đẩy mạnh xã hội hoá là một hướng chỉ đạo trọng tâm. Giải pháp này mang đến dịch vụ giáo dục cho người dân, giảm sức ép trường lớp, sức ép giáo viên cho khối công, bớt phần chi ngân sách giáo dục.

Về cơ sở vật chất, trường lớp, Bộ trưởng đề nghị Sở GDĐT và các Sở, ngành tham mưu cho tỉnh để ráo riết tăng nhanh tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, hiện tỷ lệ đạt chuẩn mới đạt 42%; tăng tỷ lệ kiên cố hoá với cấp tiểu học.

Là địa phương có hơn 30% học sinh là người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng mong lãnh đạo địa phương đã làm quan tâm làm tốt khối giáo dục dân tộc sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa trong hỗ trợ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt, nâng cao dân trí cho đồng bào.

Một số nhiệm vụ được Bộ trưởng lưu ý tỉnh và ngành Giáo dục Trà Vinh cần tập trung ngay trong trước mắt là chuẩn bị cao độ cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm học mớ, trong đó quan tâm tới tập huấn giáo viên, chủ động hỗ trợ để giáo viên không lúng túng;  chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vào cuối tháng 6 và chuẩn bị cho tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…

Báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, Giám đốc Sở GDĐT Trà Vinh Nguyễn Thị Bạch Vân cho biết: Toàn tỉnh có 427 đơn vị trường học, trong đó, có 88 trường mẫu giáo, 32 trường mầm non, 160 trường tiểu học, 101 trường trung học cơ sở, 35 trường Trung học phổ thông. Toàn tỉnh đã xóa hoàn toàn phòng học tạm vào cuối năm 2015, số trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng được nâng lên.

Triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, các cơ sở giáo dục phổ thông được giao quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục và phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học,... đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Chuẩn bị áp dụng bộ sách giáo khoa mới năm học 2023-2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 để các cở sở giáo dục phổ thông chọn bộ sách giáo khoa tổ chức dạy học trong năm tới. Tỉnh Trà Vinh đã được Bộ GDĐT phê duyệt nội dung giáo dục địa phương đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7; lớp 8, lớp 9, lớp 10 . Đồng thời, tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở để thực hiện dạy nội dung giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7.

Theo bà Nguyễn Thị Bạch Vân, ngành Giáo dục địa phương gặp một số khó khăn như mặt bằng thu nhập bình quân của người dân trong tỉnh chưa cao, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư để phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới, đa số các trường học còn thiếu phòng học bộ môn, thiếu phòng làm việc (hành chính quản trị) và trang thiết bị dạy học chỉ được đầu tư ở mức tối thiểu.

Tỉnh đã đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho khối lớp 1, lớp 2 và các phòng Ngoại ngữ, Tin học cho cấp THCS, cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, về cơ sở vật chất trường học hiện có chỉ đáp ứng các yêu cầu cơ bản nhất để thực hiện phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngành Giáo dục tỉnh Trà Vinh kiến nghị Chính phủ, Bộ GDĐT điều chỉnh bổ sung Nghị định số 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Bố trí ngân sách hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Ưu tiên phân bổ các chương trình, dự án của ngành để tạo điều kiện giúp tỉnh Trà Vinh tháo gỡ khó khăn, góp phần tích cực phát triển sự nghiệp giáo dục trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ GDĐT đã trao đổi về những định hướng với giáo dục Trà Vinh, đồng thời giải đáp một số kiến nghị, đề xuất của địa phương.

Tag:

File đính kèm