Sign In

Tỉnh Yên Bái đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2

20:22 12/05/2023
Ngày 12/5, tại tỉnh Yên Bái, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức công bố kiểm tra công nhận tỉnh Yên Bái đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS cấp độ 2. Tham dự có Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh; đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), Sở GDĐT tỉnh Yên Bái cùng các đơn vị liên quan.

Theo báo cáo của Sở GDĐT tỉnh Yên Bái: Trong những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái đã quan tâm chỉ đạo, triển khai công tác, đưa nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, các chương trình, dự án hàng năm với các chỉ tiêu cụ thể.

Trao kết quả kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục THCS cấp độ 2 cho tỉnh Yên Bái

Đến nay, toàn tỉnh có 173/173 đơn vị cấp xã, 9/9 đơn vị cấp huyện đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. 100% đơn vị cấp xã, huyện đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện xóa mù chữ mức độ 1. Trong đó 163/173 xã, 07/09 huyện đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện xóa mù chữ mức độ 2, tăng 7 xã so với năm 2021.

Qua kiểm tra thực tế tại 9 đơn vị cấp huyện và 2 đơn vị xã phường, thị trấn, trường THCS và tại các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đoàn kiểm tra của Bộ GDĐT đánh giá tỉnh Yên Bái đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện đảm bảo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học luôn được ưu tiên đầu tư, bảo đảm những yêu cầu cần thiết nhất để tổ chức dạy học; đội ngũ giáo viên cơ bản bảo đảm đủ số lượng, đạt yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp; công tác bồi dưỡng cán bộ quản lí, giáo viên, nâng cao chất lượng đội ngũ cả về tư tưởng chính trị và chuyên môn nghiệp vụ luôn được quan tâm triển khai thực hiện, góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Về hồ sơ, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đầy đủ về các loại theo quy định, được bảo quản, lưu giữ tốt và cập nhật thường xuyên. Số liệu thống kê bảo đảm tính thống nhất giữa các cấp từ cấp xã đến cấp tỉnh, phù hợp với thực tế, bảo đảm tỉ lệ đạt chuẩn theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh cho hay: Với 57% là dân tộc thiểu số, nhiều khó khăn, bất cập về điều kiện kinh tế, xã hội nhưng xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, trong những năm qua công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ luôn được tỉnh Yên Bái quan tâm, chú trọng. Quy mô mạng lưới trường học được sắp xếp tương đối bài bản, khoa học phù hợp với điều kiện thực tế. Công tác huy động học sinh ra lớp được đảm bảo. Chất lượng giáo dục mũi nhọn, toàn diện, giáo dục dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực.

Đoàn kiểm tra Bộ GDĐT đã thông qua biên bản kiểm tra và kết luận tỉnh Yên Bái đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 tại thời điểm tháng 12 năm 2022.

Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, nỗ lực phấn đấu trong công tác giáo dục nói chung và phổ cập giáo dục nói riêng của tỉnh Yên Bái với những giải pháp linh hoạt, sáng tạo nhằm khắc phục khó khăn, đáp ứng những yêu cầu, tiêu chí về chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mũ chữ.

Nhấn mạnh, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là bước phát triển vững chắc, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Yên Bái phải tiếp tục quán triệt và sâu sát hơn nữa về công tác này. Thứ trưởng nhận định: Phổ cập giáo dục phải có từ mầm non đến cơ sở, phải đi từ lớp dưới đến lớp cao hơn và từ đó nâng cao hơn nữa về chất lượng giáo dục.

Để công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đạt được hiệu quả, chất lượng, Thứ trưởng cho rằng phải để xã hội có nhận thức đúng đắn, phải xây dựng kế hoạch chỉ đạo, thực hiện cụ thể, rõ người, rõ việc, có trách nhiệm, thời gian và nội dung triển khai. Thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trong điều kiện triển khai Chương trình GDPT mới phải phù hợp, linh hoạt. Tạo điều kiện đảm bảo chất lượng về đội ngũ, đồng bộ về cơ cấu, cơ sở vật chất.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý với ngành giáo dục Yên Bái về đổi mới phương pháp quản lý quản trị, phân cấp, phân quyền ở các cấp và trong nhà trường. Ưu tiên tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt nhất cho đội ngũ giáo viên, từ đó mới đảm bảo chất lượng trong việc dạy và học. Đây là khâu then chốt thực hiện nhất là trong thời điểm hiện này thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Tag:

File đính kèm