Theo báo cáo cuối năm 2021 của UNICEF, đại dịch COVID-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Theo số liệu ước tính mới nhất, cứ 7 em thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần.
Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GDĐT phát biểu tại tập huấn
Trước những thách thức về tình hình bệnh tật hiện nay của học sinh, Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 2138/QĐ-BGDĐT về Kế hoạch giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022-2025 tập trung vào các giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh về sức khỏe tâm thần; Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh về giáo dục sức khỏe tâm thần; Hoàn thiện văn bản, chính sách và tăng cường phối hợp liên ngành; Tăng cường chăm sóc và quản lý sức khỏe tâm thần học sinh; Tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục sức khỏe tâm thần trong trường học.
Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nguồn về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên trong trường học được tổ chức thực hiện theo Kế hoạch của Bộ GDĐT về việc triển khai các nhiệm vụ thuộc Dự án Học tập và kỹ năng cho trẻ em năm 2023, tập trung vào các nội dung như: Xây dựng kiến thức nền tảng và tầm nhìn chung cho chương trình Hỗ trợ Thanh thiếu niên Phát triển tại Việt Nam; Tập huấn về bộ tài liệu, các công cụ Hỗ trợ Thanh thiếu niên Phát triển và các chiến lược thực hiện; Xây dựng kế hoạch hành động đề ra các bước tiếp theo nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên thông qua trường học.
Một hoạt động trong tập huấn
Phát biểu tại tập huấn, ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GDĐT cho biết: Bộ GDĐT luôn quan tâm tới vấn đề giáo dục sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên. Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nguồn về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên trong trường học được tổ chức với mong muốn tạo ra diễn đàn để các cán bộ, thầy, cô giáo, nhân viên y tế trường học và nhân viên tư vấn tâm lý trường học có dịp lắng nghe, học hỏi, trao đổi những kinh nghiệm về cách thức giúp trẻ em học sinh giải quyết vấn đề trong khả năng để nâng cao được sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất của học sinh từ những chuyên gia quốc tế.
Từ đó, đội ngũ cán bộ nòng cốt được tập huấn sẽ truyền tải nội dung này đến các thầy cô giáo, nhân viên y tế trường học và nhân viên tư vấn tâm lý học đường tại các địa phương, tham mưu lãnh đạo và tập huấn đại trà để triển khai tốt hơn công tác chăm sóc, bảo vệ nâng cao sức khỏe học sinh trong các cơ sở giáo dục.
Cảm ơn Bộ GDĐT đã cùng phối hợp tổ chức chương trình mang nhiều ý nghĩa, bà Tara O’Connell, Trưởng Chương trình giáo dục, UNICEF khẳng định UNICEF cam kết chặt chẽ trong việc thực hiện liên ngành về hỗ trợ chăm sóc giáo dục toàn diện, sức khoẻ tâm thần toàn diện, thúc đẩy sức khoẻ toàn diện cho mọi trẻ em Việt Nam. Bên cạnh đó, đảm bảo các biện pháp can thiệp toàn diện từ giáo viên, cộng đồng nhằm hỗ trợ cho thanh thiếu niên; hỗ trợ truyền tải đảm bảo thông điệp đầy đủ về nâng cao, chăm sóc sức khoẻ tâm thần vị thành niên.