Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn công tác, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Trà Vinh Thạch Tha Lai cho hay: Hiện nay, Dự án 5, Tiểu dự án 1 được triển khai cải tạo, nâng cấp, mở rộng tại 8 trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Trong đó, năm 2022 đã thực hiện 6 dự án, 2 dự án còn lại dự kiến triển khai trong năm 2023.
Quang cảnh buổi làm việc
Về công tác xóa mù chữ thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 5, Sở GDĐT tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản, bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch, ban hành các chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động xóa mù chữ trình HĐND tỉnh phê duyệt. Đầu năm, Sở GDĐT tỉnh Trà Vinh đã ban hành kế hoạch về việc mở lớp xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Các phòng Giáo dục và Đào tạo có xây dựng Kế hoạch mở lớp xóa mù chữ trên địa bàn huyện, thành phố.
Tỉnh đã triển khai, quán triệt và thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác xóa mù chữ, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác xóa mù chữ.
Phòng GDĐT tiếp tục chỉ đạo việc bổ sung, rà soát cập nhật bộ số liệu thống kê, điều tra trình độ văn hóa đối tượng trong độ tuổi từ 15 - 60; phối hợp với các lực lượng xã hội khác trong công tác điều tra, vận động người học xóa mù chữ và trực tiếp dạy lớp xóa mù chữ tập trung ưu tiên xóa mù chữ cho phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số.
Tính đến nay, trên toàn tỉnh Trà Vinh có 106/106 xã và 9/9 huyện được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, trong đó độ tuổi 15 - 25 đạt tới 99,83%.
Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Trà Vinh Thạch Tha Lai báo cáo tại buổi làm việc
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng theo Sở GDĐT tỉnh Trà Vinh, trong quá trình thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 giai đoạn 1 tại địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Về cơ sở pháp lý và hướng dẫn thực hiện còn chưa được hiểu thống nhất, các cơ quan tham mưu của địa phương chưa thống nhất trình cấp thẩm quyền duyệt danh mục đầu tư đối với một số trường do không thuộc phạm vi thực hiện của Chương trình. Do vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, chuyển đổi số, đào tạo bồi dưỡng theo nội dung Tiểu dự án 1 - Dự án 5 CTMTQG không được áp dụng đồng bộ cho cả hệ thống trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh để phục vụ học sinh dân tộc thiểu số có cùng điều kiện chính sách.
Ngoài ra, việc huy động học viên tham gia các lớp xóa mù chữ còn gặp nhiều khó khăn do đối tượng tham gia là lực lượng lao động chính trong gia đình. Bên cạnh đó, tài liệu giảng dạy chương trình xóa mù chữ hiện nay chưa được phát hành khiến công tác này gặp nhiều khó khăn.
Tại buổi làm việc, Bộ GDĐT cùng các đại diện Sở GDĐT, phòng GDĐT, các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh đã nêu ý kiến, đề xuất, trao đổi, làm rõ các vấn đề liên quan đến xây dựng kế hoạch; hạng mục đầu tư; kinh phí; quy định tại các văn bản, chương trình; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giáo viên đặc thù; tuyển sinh tại các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc Lê Như Xuyên phát biểu tại buổi làm việc
Ghi nhận sự quan tâm, chuẩn bị của địa phương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GDĐT) Lê Như Xuyên nhấn mạnh, Trà Vinh là một trong những tỉnh có nhiều đặc thù như tập trung nhiều dân tộc, số lượng đông nhất là dân tộc Khmer, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường dân tộc nội trú, do đó, việc tập trung nguồn lực và đầu tư có trọng điểm là rất cần thiết. Với việc bố trí vốn đối ứng của địa phương vượt hơn 5% để thực hiện các hạng mục đầu tư thể hiện sự quan tâm rất lớn của tỉnh Trà Vinh đối với tiểu dự án 1 - Dự án 5.
Lưu ý với Sở GDĐT tỉnh Trà Vinh về công tác chuyên môn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc cho hay: Với trách nhiệm được UBND tỉnh giao cho Sở GDĐT rõ các đầu việc vì vậy của Sở GDĐT phải tham mưu các loại văn bản, kế hoạch để triển khai chương trình bài bản, rõ ràng, cụ thể, phù hợp, đúng người, đúng việc và đúng với các mốc thời gian thực hiện, hạng mục chương trình. Xây dựng kế hoạch phải có kế hoạch giai đoạn, kế hoạch từng năm, kế hoạch từng công việc. Như vậy mới nắm rõ các công việc chỉ đạo, điều hành, rõ nội dung và triển khai chương trình mới hiệu quả.
Ghi nhận những vướng mắc, ý kiến đóng góp tại tỉnh Trà Vinh, đoàn công tác Bộ GDĐT hứa sẽ được tiếp thu, phản ánh và gửi các đề xuất, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền, từ đó đề ra những giải pháp, tháo gỡ các công việc mà các địa phương hiện nay muốn làm, phù hợp với mong muốn cấp thiết và linh hoạt, tránh cứng nhắc dẫn đến khó thực hiện.