Sign In

Đổi mới sáng tạo trong ngành y tế gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, xã hội trong thời kỳ mới

12:57 25/09/2024
(MPI) - Nhằm tạo ra diễn đàn mở trao đổi về những giải pháp, những động lực cho đổi mới sáng tạo ngành y dược trong giai đoạn mới, giúp phát triển bền vững ngành y tế và tăng cường tiếp cận y tế chất lượng cao cho người dân, ngày 25/9/2024, Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo: “Đổi mới sáng tạo - Liều thuốc phát triển Ngành Y dược”.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cùng đại diện cơ quan của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia hàng đầu cùng lãnh đạo doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu chào mừng và gợi ý nội dung thảo luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, đây là sự kiện quan trọng không chỉ nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước mà của cả các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong y tế, góp phần phát triển bền vững ngành y tế. Đây không chỉ là vấn đề phát triển ngành mà còn gắn liền với các lợi ích xã hội đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày một tốt hơn. Đổi mới sáng tạo trong ngành y tế gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, xã hội trong thời kỳ mới. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đưa ra các nhiệm vụ then chốt, trong đó có nhiệm vụ hoàn thiện thể chế.

Theo đó, thời gian qua, Bộ Y tế quyết liệt để hoàn thiện khối lượng công việc khá lớn về hoàn thiện cơ chế chính sách, giải quyết các thách thức mà hệ thống y tế đang đối mặt nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đầu tư hệ thống y tế bền vững, đổi mới sáng tạo như: Luật Khám chữa bệnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược,... trong đó phải nói đến Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược 2016.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và để đón đầu nhiều cơ hội phát triển trong tương lai và sẵn sàng đón nhận, thu hút đầu tư từ các ngành công nghiệp dược hiện đại trên thế giới theo đúng định hướng và mục tiêu đề ra, Luật Dược sửa đổi để trình Quốc hội xem xét với định hướng thu hút đầu tư phát triển các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên, thuốc công nghệ cao, vắc xin và sinh phẩm, thuốc là sản phẩm từ máu và huyết tương,... của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam nhằm chủ động, phát triển bền vững sản xuất trong nước đồng thời thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu đến các thị trường tiên tiến.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên mong muốn Hội thảo tập trung thảo luận trên tinh thần hợp tác, thẳng thắn, chia sẻ giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời kết nối các cơ hội đầu tư kinh doanh nhằm bảo đảm việc thực thi hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững ngành dược trong thời gian tới và đem lại lợi ích cho người dân.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại phiên khai mạc. Ảnh: MPI

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 23/01/2024 đặt ra mục tiêu chung là mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một trong các quan điểm chủ đạo của Chiến lược này là hệ thống y tế được đổi mới, phát triển bảo đảm công bằng, hiệu quả, chất lượng, với mục tiêu cụ thể là công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong dự phòng, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh tật, nghiên cứu và phát triển dược, thiết bị y tế được chú trọng; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát huy vai trò công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn y tế.

Tại Việt Nam, đổi mới sáng tạo trong ngành y tế đã và đang giúp cải thiện đáng kể sức khỏe và chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam, tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong nghiên cứu y học và sản xuất dược phẩm.

Ông Lê Trọng Minh hy vọng rằng, với sự tham gia của các chuyên gia và đại diện của các doanh nghiệp hàng đầu, bằng những kinh nghiệm quý báu của mình trong hoạt động đổi mới sáng tạo, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm; đầu tư thành lập, phát triển các trung tâm nghiên cứu, trung tâm thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm tương đương sinh học, thử nghiệm tương tự sinh học…

Tại phiên thảo luận. Ảnh: MPI

Hội thảo được nghe các bài tham luận từ các chuyên gia quốc tế về xu hướng đổi mới y tế trên thế giới và tác động đến Việt Nam; Tầm quan trọng của những phát minh mới trong dược phẩm hiện nay nhằm giải quyết những thách thức của ngành y tế; Những giải pháp chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của bệnh nhân Việt Nam với các loại thuốc chất lượng cao.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra phiên thảo luận về kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo ngành dược; mở khóa tiềm năng đổi mới sáng tạo ngành dược với sự tham gia thảo luận đến từ Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế; Tổng Hội Y học Việt Nam; Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam; EuroCham; KPMG Việt Nam; USABC Việt Nam;…

Thông tin về bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có lĩnh vực y tế và dược, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quan điểm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam rất nỗ lực trong thúc đẩy thu hút các dự án FDI trong các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực liên quan đến sức khỏe con người.

Việt Nam đã thu hút được gần 40 nghìn dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng gần 500 tỷ USD. Trong đó, thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế, dược có 159 dự án và vốn đăng ký đạt khoảng gần 1,8 tỷ USD từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ và được đầu tư tại 13 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Điều này cho thấy, so với kết quả chung về 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì thu hút đầu tư vào ngành dược vẫn còn khiêm tốn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút đầu tư vào ngành dược vẫn còn có những hạn chế như điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận hoạt động đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có những quy định chặt chẽ hơn; luật pháp liên quan đến y tế, dược vẫn còn vấn đề hạn chế; điều kiện của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia hợp tác với doanh nghiệp ngoài trước giờ còn rất khó khăn, phần lớn là doanh nghiệp nhà nước và khả năng hợp tác chưa chặt chẽ, đặc biệt là vấn đề về vốn, năng lực, công nghệ.

Trong bối cảnh hiện nay, hệ thống pháp luật về đầu tư nói chung và pháp luật về ngành dược nói riêng đã được cải thiện. Năng lực của doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển biến, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân có sự chuyển biến mạnh mẽ. Gần đây, xu thế đầu tư các dự án, tổ hợp, khu công nghiệp chuyên thu hút các dự án trong lĩnh vực y tế, dược được hình thành.

Với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, trong đó có tham mưu tổng hợp về đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát huy vai trò cầu nối, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp để truyền tải những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan để hoàn thiện các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đầu tư nói chung và hoạt động đầu tư trong lĩnh vực y dược nói riêng./.

Tag:

File đính kèm