Mở đầu phiên họp, các đại biểu được nghe công bố Quyết định số 560/QĐ-TTg ngày 25/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững do Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch với 30 ủy viên. Các đại biểu cũng nghe công bố Quyết định về quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng.
Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thực hiện phát triển bền vững trên phạm vi quốc gia; triển khai các cam kết toàn cầu về phát triển bền vững tại Việt Nam, trong đó bao gồm triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện phát triển bền vững trên phạm vi quốc gia và tổ chức định kỳ Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn |
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc báo cáo về tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và dự kiến hoạt động năm 2025 của Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và cho biết, Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9 năm 2015 và được xem là khung khổ dẫn dắt tiến trình phát triển bền vững trên toàn cầu hiện nay cũng như định hình xu hướng hợp tác giữa các quốc gia cũng như chiến lược hoạt động của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế và các cơ quan Liên hợp quốc. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhằm tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau.
Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Các chính sách chung và chính sách ngành lĩnh vực để triển khai thực hiện SDGs tại Việt Nam đã được ban hành một cách đồng bộ, đáp ứng công tác quốc gia hóa và triển khai SDGs tại Việt Nam. Liên hợp quốc, các đối tác phát triển và tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan khác tích cực phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương trong quá trình thực hiện các mục tiêu SDGs.
Việt Nam cũng được Liên hợp quốc và các quốc gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao về các nỗ lực trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs. Trên phương diện so sánh quốc tế, theo xếp hạng toàn cầu về chỉ số SDGs (SDGs Index ) công bố năm 2024, Việt Nam đạt điểm số 73,32 và xếp thứ 54/166 quốc gia được xếp hạng. Điểm số và vị trí của Việt Nam có sự cải thiện so với xếp hạng được công bố năm 2023. Trong khu vực Đông và Nam Á, Việt Nam chỉ xếp sau Thái Lan, cho thấy quốc tế đánh giá rất tích cực về thành tựu của Việt Nam trong thực hiện SDGs.
Mặc dù vậy, kết quả đạt được sau hơn một nửa chặng đường còn rất khiêm tốn so với mục tiêu đặt ra. Báo cáo mới nhất của Ủy ban kinh tế - xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhận định tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs là không đồng đều và không tương xứng với yêu cầu đặt ra tại khu vực. Tiến độ thực hiện nhiều mục tiêu SDGs không đồng đều và không tương xứng với yêu cầu đặt ra tại khu vực. Theo Báo cáo của Liên hợp quốc công bố tại Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững năm 2024, với tiến độ hiện nay, dự kiến chỉ có 17% các mục tiêu phát triển bền vững SDGs được hoàn thành đúng hạn vào năm 2030, 48% SDGs bị chậm tiến độ, 18% SDGs không có tiến bộ và 17% SDGs bị thụt lùi so với mốc năm 2025.
Mặc dù ODA đạt mức cao trong năm 2023, song FDI cho các nước đang phát triển giảm 7%; nợ ở mức cao chưa từng có; thiếu hụt tài chính cho phát triển bền vững vào khoảng 4 nghìn tỷ USD.
Về phương hướng, giải pháp thúc đẩy thực hiện SDGs, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần tiếp tục nghiêm túc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, tập trung nguồn lực để hoàn thành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs thông qua các chiến lược, chính sách trên các ngành, lĩnh vực; các chiến lược/chính sách có tính xuyên suốt như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh; các chiến lược/chính sách liên quan đến hỗ trợ tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Sử dụng hiệu quả và thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Ưu tiên, bố trí nguồn lực cho các mục tiêu còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái và thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Bố trí nguồn lực để thực hiện thường xuyên và định kỳ công tác thu thập số liệu, theo dõi và báo cáo việc thực hiện các mục tiêu SDGs.
Tạo lập và hoàn thiện hành lang pháp lý để khai thác, thúc đẩy và phát triển các xu thế, không gian, động lực phát triển mới; tranh thủ được các cơ hội, thời cơ, thu hút nguồn lực từ bên ngoài để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh; tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển bền vững; đẩy mạnh việc trao đổi thông tin, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cơ quan liên quan trong thực hiện các mục tiêu SDGs. Thường xuyên trao đổi, cập nhật với các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững SDGs. Tăng cường hợp tác quốc tế để có thể tiếp cận các nguồn lực tài chính/kỹ thuật quốc tế cho thực hiện các mục tiêu SDGs tại Việt Nam.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Chinhphu.vn |
Tại cuộc họp, các ủy viên Hội đồng đã đánh giá khái quát bối cảnh hiện nay đối với việc hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu; thảo luận về những cơ hội và hành động của Việt Nam đồng hành với cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó trước những thách thức toàn cầu; hưởng ứng và chủ động triển khai các cam kết chung tại Hiệp ước tương lai vừa được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua; tình hình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại các bộ, ngành và dự kiến chương trình hoạt động của Hội đồng năm 2025.
Các ý kiến bộ, ngành cũng cho thấy nỗ lực trong việc ban hành cơ chế chính sách để thực hiện SDGs. Tuy nhiên, việc thực hiện các SDGs còn gặp những khó khăn, thách thức như chính sách xã hội còn chưa bao phủ hết các nhóm đối tượng và triển khai chưa đồng bộ; xu hướng đô thị hóa và di cư của người dân tạo sức ép lớn về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội; già hóa dân số tốc độ nhanh tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội. Thực trạng tăng trưởng kinh tế vẫn phải đối mặt với các thách thức như năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao. Biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh kế của người dân…
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao các ý kiến góp ý; biểu dương Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong ban hành, thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động của mình để đóng góp chung vào kết quả thực hiện SDGs của cả nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến bối cảnh toàn cầu và trong nước và đề nghị các bộ, ngành tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, tốt hơn nữa các chương trình, kế hoạch mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Từ khía cạnh ngành, lĩnh vực do mình quản lý, các bộ, ngành tham mưu cho Hội đồng trong tổ chức thực hiện chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách về SDGs./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư