Sign In

Luật Đầu tư công (sửa đổi): đổi mới tư duy vừa quản lý, vừa giám sát nhưng kiến tạo, thúc đẩy phát triển

17:07 29/10/2024
(MPI) - Phát biểu thảo luận tại Tổ 15, gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Trị, Yên Bái, Bình Thuận, Bình Phước cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) diễn ra chiều ngày 29/10/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án Luật lần này đổi mới tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ quản lý sang kiến tạo phát triển; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng trong tình hình mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu thảo luận tại Tổ 15. Ảnh: MPI

Trước đó, vào sáng cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo thẩm tra về dự án Luật này.

Dự thảo Luật gồm 07 Chương, 109 Điều (sửa đổi 44 điều, trong đó có 16 điều chỉ sửa đổi, bổ sung từ ngữ nhằm quy định rõ, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai, không làm thay đổi nội hàm chính sách so với Luật Đầu tư công năm 2019; bổ sung 15 điều; bãi bỏ 07 điều).

Nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 05 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”…

Tham gia ý kiến và làm rõ thêm các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nội dung được đề xuất tại dự thảo Luật lần này là cả quá trình tổng kết, rà soát, chọn lọc những vấn đề thực sự cấp bách, quan trọng theo đúng tinh thần là tháo gỡ để thúc đẩy phát triển; kịp thời thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quy định, đáp ứng yêu cầu mới của phát triển; đổi mới tư duy vừa quản lý, vừa giám sát nhưng vừa kiến tạo, thúc đẩy phát triển.

Trong quá trình xây dựng Luật, cơ quan chủ trì đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan của Quốc hội và nếu Luật được thông qua tại kỳ họp lần này với những quyết sách, thay đổi lớn, giúp cho chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn mới; là bước đột phá rất mạnh mẽ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến các nội dung sửa đổi lần này, trong đó về chuẩn bị đầu tư phải căn cứ vào quy hoạch, vào nguồn vốn, khu tái định cư đã xác định và quan trọng nhất là quyết tâm của cấp ủy, của người đứng đầu. Trước đây dự án chia thành hai phần là phần chuẩn bị và phần thực hiện, còn hiện nay là chuẩn bị đầu tư, làm thủ tục, chuẩn bị thực hiện dự án là giải phóng mặt bằng, tiếp đến là thực hiện dự án là xây lắp. Nếu chúng ta tách bạch được ba khâu này và quy rõ được trách nhiệm và từng bước cụ thể thì sẽ rút ngắn được nhiều thời gian. Đây cũng là quyết tâm của việc sửa đổi luật lần này, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Do vậy, tại Luật lần này đã cụ thể hóa 05 nhóm chính sách lớn: nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C); nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài); đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về phân cấp phân quyền, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, lần này đổi mới rất mạnh mẽ trên tinh thần Hội nghị Trung ương 10 đã quyết, đó là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng làm rõ thêm các nội dung về nâng quy mô vốn đầu tư công; về phân cấp từ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đối với dự án nhóm B, C. Điều 17 của Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định nội dung về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án và trên thực tế đã có 43 tỉnh thực hiện phân cấp. Còn tại dự án Luật lần này là thay đổi cấp quyết định chủ trương đầu tư còn các nội dung liên quan khác không thay đổi, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch. Để làm được điều này, Chính phủ đã lấy ý kiến và 63/63 tỉnh, thành phố đồng ý phân cấp cho UBND đối với dự ánh nhóm B, C. Như vậy là có cơ sở pháp lý, chính trị, thực tiễn rất chặt chẽ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự án Luật lần này cũng thiết kế một chương riêng về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài), trong đó bổ sung quy định về việc cho phép giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài nguồn NSTW và kế hoạch vốn cho vay lại của ngân sách địa phương được giải ngân theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công, không phụ thuộc vào tỷ lệ cấp phát và cho vay lại.

Về các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cơ quan chủ trì xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và làm rõ thêm; về các ngành nghề, lĩnh vực thực chất là cụ thể hóa Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/202 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; phù hợp quy định của Luật Ngân sách đối với các nhóm ngành, lĩnh vực./.

Tag:

File đính kèm