Hội thảo do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Google tổ chức nhằm khai thác tiềm năng trí tuệ nhân tạo AI và trao đổi cơ chế chính sách phát triển AI tại Việt Nam. Tham dự Hội thảo có ông Andrew - Ure Giám đốc Quan hệ Chính phủ và Điều hành chính sách công, Tập đoàn Google; đại diện Đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Cùng dự có đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia từ các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ, các quỹ đầu tư, các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước.
|
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng, Hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm chủ động triển khai Quyết định số 127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững. Trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là AI tạo sinh (GenAI), đang tạo ra những đột phá chưa từng có, mở ra những khả năng vô hạn cho nhân loại. Hiện có nhiều AI được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ y tế, giáo dục, đến sản xuất, nông nghiệp. Tại Việt Nam, Chính phủ đã nhận thức rõ tầm quan trọng của AI và đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050” trong đó đề xuất mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 5.000 nhân sự trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với các đối tác, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Ứng dụng AI để phục vụ ươm tạo doanh nghiệp AI, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng AI và đào tạo chuyên sâu về AI với mục tiêu đến 2030 đào tạo được 7.000 chuyên gia AI theo tiêu chuẩn quốc tế và ươm tạo khoảng 500 công ty khởi nghiệp AI. Đây là những bước đi hết sức chủ động của Bộ nhằm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam sớm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới, Thứ rưởng nhấn mạnh.
Đánh giá cao hoạt động hợp tác giữa tập đoàn Google và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Kiến tạo tương lai AI cho Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề nghị các đại biểu sẽ trao đổi về tiềm năng AI; thảo luận các cơ chế, chính sách cần thiết để thúc đẩy sự phát triển AI tại Việt Nam. Đồng thời khẳng định, với mong muốn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng AI Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI hàng đầu trong khu vực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ luôn ủng hộ và đồng hành và tiếp tục tham mưu các cơ chế, chính sách để phát triển công nghệ AI.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung mong muốn các đại biểu cùng nhau đề xuất và triển khai những hành động cụ thể, hiệu quả nhằm góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030; trong đó, Thứ trưởng đề xuất Tập đoàn Google, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ, các trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm xây dựng tầm nhìn, mục tiêu và kế hoạch hành động cho những nhiệm vụ lớn như tích cực, chủ động đầu tư cho nghiên cứu và phát triển AI; Xây dựng đội ngũ nhân lực AI chất lượng cao; Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo AI để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các ý tưởng sáng tạo về AI được ươm mầm và phát triển.
Cùng với đó là, cùng nhau tham gia xây dựng khung pháp lý AI để đảm bảo rằng AI được phát triển và ứng dụng một cách an toàn, có trách nhiệm và tuân thủ các giá trị đạo đức. Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng khi xây dựng chính sách đều tham vấn ý kiến doanh nghiệp, coi đây là kênh thông tin tốt để xây dựng và ban hành các chính sách đáp ứng nhu cầu, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng nhấn mạnh.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Andrew Ure, Giám đốc Quan hệ Chính phủ và Điều hành chính sách công của Google Đông Nam Á cho rằng, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố và tiềm năng để phát triển AI đây thực sự là thời điểm tuyệt vời để Việt Nam nắm bắt cơ hội này. Đặc biệt, với dân số trẻ, yêu thích công nghệ và bối cảnh kỹ thuật số năng động, Việt Nam có vị thế tốt để khai thác cơ hội từ AI.
Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 đã đưa ra các mục tiêu rất rõ ràng và đây là thời điểm các bên liên quan từ nhà nước, doanh nghiệp đều đang hợp tác để hiện thực hóa tiềm năng AI của Việt Nam; giúp áp dụng AI an toàn và trách nhiệm có thể giúp chuyển đổi nền kinh tế. Do vậy, cần chú trọng đến các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, kinh tế số, hệ thống luật pháp để hỗ trợ cho AI.
Ông Andrew Ure bày tỏ vui mừng được hợp tác cùng NIC giới thiệu Chương trình chia sẻ kinh nghiệm về AI và Chính sách - ‘AI Policy & Skilling Lab’ đầu tiên đến Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh, Google mong muốn được hợp tác với Chính phủ, bộ ngành và các tổ chức nghiên cứu của Việt Nam để xây dựng một tương lai dựa trên AI nhằm giảm thiểu rủi ro và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng (tương đương 74 tỷ đô la Mỹ), trong đó, có sự đóng góp rất lớn của AI trong các lĩnh vực kinh tế số. Theo nghiên cứu của Thundermark Capital, Việt Nam và Singapore là 2 đại diện của Đông Nam Á góp mặt trong Top 30 thế giới về nghiên cứu AI.
Tại Hội thảo, đại diện Google đã giới thiệu nội dung Báo cáo tác động kinh tế: Thúc đẩy tăng trưởng số tại Việt Nam cùng Google. Theo nghiên cứu của Google, tiềm năng từ AI tại Việt Nam là rất lớn, với lợi ích kinh tế ước tính lên tới 1.890 nghìn tỷ đồng (79,3 tỷ USD) cho các doanh nghiệp vào năm 2030, nếu các công cụ AI được áp dụng rộng rãi. Con số này tương đương gần 12% GDP của Việt Nam vào năm 2030.
Để khai thác toàn bộ tiềm năng của AI, theo Báo cáo Cơ hội AI cho Việt Nam - Một số khuyến nghị (AI Opportunity Agenda for Vietnam) của Google, Việt Nam cần củng cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ đổi mới sáng tạo dựa trên AI, xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng ứng dụng AI và gia tăng khả năng tiếp cận AI trong toàn nền kinh tế.
Báo cáo của Google cũng phân tích sâu các chiến lược nhằm thu hẹp khoảng cách về kiến thức số và AI, giúp lực lượng lao động Việt Nam tận dụng hiệu quả AI và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, để khai thác tối đa tiềm năng chuyển đổi của AI, Việt Nam cần tập trung vào việc giữ chân và phát triển tài năng trong nước bằng cách mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục số và đẩy mạnh triển khai các chương trình đào tạo doanh nghiệp. Để tối đa hóa lợi ích kinh tế từ AI, Việt Nam cần ưu tiên phát triển lực lượng lao động số. Việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng số thông qua đào tạo chuyên sâu và ứng dụng công nghệ sẽ mở ra tiềm năng kinh tế lớn cho đất nước.
Ngoài ra, báo cáo đưa ra định lượng mức độ đóng góp hiện tại của Google trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình, và lực lượng lao động ở Việt Nam thông qua các sản phẩm và dịch vụ đa dạng có tích hợp AI của Google như: Google Search, Google Ads, Google AdSense, Google Play và YouTube; Google Cloud, Google Workspace…
Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp đã có những trao đổi về thực hiện phát triển AI nói chung và trong một số lĩnh vực cụ thể; về sự phát triển AI và hệ sinh thái AI trên thế giới và tại Việt Nam, cơ hội và thách thức; kinh nghiệm phát triển AI tại Australia, Singapore. Từ đó, đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm thúc đẩy sự chủ động đầu tư cho nghiên cứu và phát triển AI; Xây dựng đội ngũ nhân lực AI chất lượng cao; Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo AI để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các ý tưởng sáng tạo về AI được ươm mầm và phát triển. Cũng tại Hội thảo, đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng khung pháp lý AI để đảm bảo rằng AI được phát triển và ứng dụng một cách an toàn, có trách nhiệm và tuân thủ các giá trị đạo đức./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư