Sign In

Ký kết văn kiện Dự án Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của Việt Nam

13:17 15/11/2024
(MPI) - Ngày 15/11/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức Lễ ký kết Văn kiện Dự án "Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam". Tham dự có Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass và Đại diện quốc gia UNIDO tại Việt Nam Lê Thị Thanh Thảo.

 
 Lễ ký kết Văn kiện Dự án "Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam". Ảnh: MPI

Tại Lễ Ký kết, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đã thông báo việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận ngân sách trị giá 3.346.009 USD do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu tác động của biển đổi khí hậu trong các khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam.

Khoản tài trợ này sẽ tạo điều kiện nhân tộng mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST) trên toàn quốc, trên cơ sở những thành công trong giai đoạn 2014-2024, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực công nghiệp và tại các KCN, giảm thiểu tác động của hoạt động sản xuất tới môi trường và hỗ trợ các KCN ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự án có mục tiêu thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp trong KCN, giảm tác động môi trường của sản xuất công nghiệp và giúp các KCN thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án sẽ tiếp tục nhân rộng việc thực hiện KCNST, tập trung vào nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chất thải, thúc đẩy tái chế, nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của các doanh nghiệp, từ đó góp phần phát triển công nghiệp bền vững và toàn diện.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu. Ảnh: MPI

Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, Thụy Sỹ trở thành một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam kể từ năm 1971, đến nay quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển và ngày càng được củng cố vững chắc trên nhiều lĩnh vực.

Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác mọi mặt với Thụy Sỹ, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển. Thứ trưởng cảm ơn chính quyền Thụy Sỹ đã hỗ trợ nguồn vốn phát triển chính thức (ODA) trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Đối với phát triển bền vững hoạt động công nghiệp và khu công nghiệp, với sự hỗ trợ của SECO, Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi 04 KCN sang KCNST (giai đoạn 2015-2029) và 03 KCN đang thực hiện chuyển đổi từ 2020 đến 2024.

Trong đó, một số kết quả đáng chú ý như sau: (i) Lồng ghép quy định về KCN sinh thái vào các văn bản pháp quy có liên quan về KCN, KKT và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; (ii) hỗ trợ thực hiện các giải pháp KCN sinh thái tại các doanh nghiệp trong KCN, tiết kiệm điện, nước, vật liệu, giảm phát thải CO2, tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, thực hiện kinh tế tuần hoàn; (iii) xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về KCN sinh thái; (iv) nâng cao nhận thức,thực hiện tập huấn, đào tạo, tăng cường năng lực về KCN sinh thái.

Với thế mạnh về công nghệ, ngân hàng - tài chính, phát triển đô thị bền vững, giáo dục, y tế, môi trường, Thứ trưởng đề nghị Đại sứ Thomas Gass và Chính phủ Thụy Sỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn, vật liệu mới; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass phát biểu. Ảnh: MPI

Đại sứ Thụy Sỹ Thomas Gass cho biết, bằng cách hỗ trợ chuyển đổi các KCN thành KCNST như một phần của Chương trình Hợp tác Phát triển Kinh tế tại Việt Nam, Thụy Sỹ mong muốn giải quyết cả cơ hội và thách thức mà tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam đang phải đối mặt.

“Tầm nhìn của Thụy Sỹ là hỗ trợ hành trình mà Việt Nam hướng tới vị thế thu nhập cao và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net-zero). Thông qua quan hệ đối tác này, chúng tôi hy vọng sẽ có những đóng góp ý nghĩa vào việc hiện đại hóa ngành công nghiệp Việt Nam, tạo việc làm, thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai”, Đại sứ nhấn mạnh.

Ngành công nghiệp là trụ cột của nền kinh tế. Các KCN không chỉ thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà còn thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước, gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, góp phần hiện đại hệ thống hạ tầng đô thị.

Hiện nay, Việt Nam có 436 KCN, thu hút khoảng 35-40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng thêm hàng năm, trong đó hơn 300 KCN đang hoạt động tạo việc làm cho hơn 4,16 triệu lao động trực tiếp và đóng góp trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Với những nỗ lực trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, cam kết đưa phát thải ròng về 0 năm 2050 tại COP 26, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cũng như các chương trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi các KCN sang KCNST và xây dựng các KCNST mới trong hệ thống các KCN sẽ đóng góp đáng kể vào việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và các cam kết quốc tế của Việt Nam trong phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện quốc gia UNIDO tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu châu Á về năng lực cạnh tranh công nghiệp và ngày càng khẳng định vị thế vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Một đất nước có nền công nghiệp phát triển bền vững, không thể tách rời việc bảo vệ quyền lợi môi trường và xã hội. KCNST không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh.

UNIDO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển đổi các mô hình KCN truyền thống sang mô hình KCNST, xây dựng nền tảng cho một ngành công nghiệp thông minh, bền vững và tạo ra giá trị gia tăng, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cộng đồng và các thế hệ tương lai, bà Lê Thị Thanh Thảo nhấn mạnh./.

Box: Tại Việt Nam, mô hình KCNST được triển khai từ những năm 2014 với sự hỗ trợ của nhiều nhà tài trợ quốc tế, trong đó có SECO và UNIDO. Dự án "Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu" do UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp thực hiện từ nguồn tài trợ của SECO. Dự án kế thừa các kết quả của Dự án "Triển khai sáng kiến KCNST hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO thực hiện từ 2014 đến 2019. Hai Dự án nêu trên đã triển khai thành công các mô hình KCNST tại các KCN như Khánh Phú, Gián Khẩu (Ninh Bình), Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Khánh (Đà Nẵng), Trà Nóc (Cần Thơ), Amata (Đồng Nai), và Hiệp Phước (Thành phố Hồ Chí Minh).

Tag:

File đính kèm