Sign In

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang

16:11 24/03/2024
(MPI) - Ngày 24/3/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tham dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang. Hội nghị vinh dự có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Cùng dự Hội nghị có lãnh có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hình ảnh tại Hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn

Tại Hội nghị, Tiền Giang công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023; cung cấp những thông tin cơ bản, tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh; công bố danh mục dự án ưu tiên, mời gọi thu hút các nguồn lực đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Quy hoạch tỉnh Tiền Giang đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là phấn đấu đưa Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Quy hoạch đưa các đột phá phát triển như tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại 3 vùng, hành lang kinh tế trọng điểm gồm: vùng kinh tế biển Gò Công, vùng công nghiệp Tân Phước và hành lang kinh tế dọc sông Tiền. Phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực: chế biến nông, thủy sản, thực phẩm, y - sinh - hóa - dược, chế biến, chế tạo, xây dựng, năng lượng tái tạo.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, nhất là trong các ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết công tác quy hoạch thời gian qua được triển khai đồng bộ, bài bản, khoa học từ Trung ương đến địa phương theo Luật Quy hoạch; cơ bản hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch (109/111 quy hoạch). Đồng thời nhấn mạnh quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội lớn, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng. Quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng phát triển nhanh, bền vững, toàn diện; quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, có tư duy đổi mới, đi trước một bước; giúp khai thác hiệu quả không gian mặt đất, mặt biển, không gian ngầm.

Về quan điểm, quy hoạch bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bám sát vào tình hình thực tiễn; bám sát nhu cầu, nguyên vọng của nhân dân.

Về tư tưởng, quy hoạch phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; quy hoạch phải phù hợp xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, của vùng, của đất nước và thế giới.

Nhiệm vụ của công tác quy hoạch là tìm ra tiềm năng, cơ hội, lợi thế (khai thác hiệu quả, thu hút mọi nguồn lực cần thiết để phát triển nhanh, bền vững); nhận biết những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục; xây dựng danh mục các dự án để xúc tiến đầu tư; huy động các nguồn lực thực hiện; tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả.

Trong tổng thể chung của vùng và cả nước, quy hoạch tỉnh Tiền Giang được chuẩn bị một cách công phu, bài bản, khoa học; xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế. Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch thời gian tới.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn, thách thức của Tiền Giang và nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm, trung tâm; cho rằng, Quy hoạch tỉnh đã mở ra một đường hướng, không gian phát triển mới cho Tiền Giang trong bức tranh chung của các tỉnh, thành phố của cả nước.

Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án và trao quyết định chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 10 dự án khác./.

Tag:

File đính kèm