Sign In

Cuộc họp kỹ thuật về các giải pháp để hoàn thiện thủ tục và đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án đầu tư kinh doanh

17:36 08/05/2024
(MPI) – Ngày 08/5/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp kỹ thuật giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VBF về các giải pháp để hoàn thiện thủ tục và đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án đầu tư kinh doanh.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp lần này nhằm trao đổi trực tiếp cùng các doanh nghiệp tại Việt Nam về các giải pháp hoàn thiện đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Hoàng Mạnh Phương, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì  cuộc họp cho biết, một dự án đầu tư có rất nhiều giai đoạn từ khâu lập quy hoạch, xét duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, thành lập doanh nghiệp, các thủ tục cấp phép xây dựng, ... đã có nhiều nhóm công tác và nhiều diễn đàn với mục tiêu chung là tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong việc triển khai các dự án đầu tư kinh doanh.

Tại cuộc họp,Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn lắng nghe ý kiến, kinh nghiệm từ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang có những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhằm nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn, để đề xuất với Chính phủ có những chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư, kinh doanh..

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã cùng thảo luận, trao đổi về các vấn đề như bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư khi chuyển nhượng dự án; thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài - Kê khai giá trị thực tế giao dịch; Phê duyệt M&A theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai năm 2024; Thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án của tổ chức trở thành tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư; không có hướng dẫn thực hiện việc góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng phần vốn góp trong công ty TNHH một thành viên; ...

Theo Điều 29 và Điều 33 Luật Cạnh tranh 2018, một số hoạt động đầu tư dưới hình thức “đầu tư thành lập tổ chức kinh tế” và hình thức “đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp” có thể phải thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế tới Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam nếu hoạt động đầu tư bị coi là tập trung kinh tế và thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế. Trên thực tiễn, việc chuẩn bị hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo quy định pháp luật Việt Nam thường mất từ 1-2 tháng cùng với quá trình thẩm định của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam dẫn tới thời gian chuẩn bị đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài bị kéo dài. Vì vậy, giải pháp đưa ra là cần đơn giản hóa hồ sơ thông báo tập trung kinh tế và rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018 và Nghị định 35/2020/NĐ-CP, các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế phải nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trước khi tiến hành/thực hiện tập trung kinh tế nếu thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế. Việc thực hiện tập trung kinh tế trước khi có thông báo kết quả thẩm định của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam bị coi là một hành vi vi phạm theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018. Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh 2018 không bao gồm định nghĩa về “tiến hành/thực hiện tập trung kinh tế”. Điều này dẫn đến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc xác định thời điểm thực hiện thông báo tập trung kinh tế. Vì vậy, cần có hướng dẫn cách tiếp cận thống nhất về thời điểm thực hiện thông báo tập trung kinh tế. Theo thông lệ thị trường, việc thực hiện và hoàn tất thủ tục thông báo nên  được thực hiện như một điều kiện hoàn tất giao dịch.

Ở điểm c, khoản 6, Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường 2020 yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường nhưng không thuộc trường hợp phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải đăng ký môi trường trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (tức cho đến ngày 31/12/2023). Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn hiện hành không quy định rõ về trường hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không đáp ứng việc đăng ký môi trường trong thời hạn nêu trên có được đăng ký môi trường sau khi đã hoàn tất các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 9 Nghị định 45/2022/NĐ-CP hay không. Đây cũng là mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong việc đáp ứng các điều kiện về môi trường khi tiến hành đầu tư thông qua việc mua lại một tổ chức kinh tế trong nước. Vì vậy, đại biểu đề xuất cần đưa ra các hướng dẫn cụ thể về thủ tục đăng ký môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đăng ký môi trường trong thời hạn được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường.

Theo điểm a, khoản 5, Điều 1 Nghị định 70/2023/NĐ-CP đưa ra yêu cầu đối với trường hợp cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại nhiều địa điểm tại nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Theo đó, người sử dụng lao động nước ngoài sẽ phải liệt kê đầy đủ các địa điểm làm việc mà người lao động nước ngoài đó dự kiến làm việc trong văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động. Liên quan đến nội dung này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hiện đang thiếu các hướng dẫn cụ thể cho trường hợp nêu trên. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động trong trường hợp người lao động nước ngoài có tính chất công việc phải công tác tại nhiều tỉnh, thành phố khác nhau mà người sử dụng lao động có thể không dự liệu trước được vào thời điểm đề nghị cấp giấy phép lao động cho người lao động đó. Vì vậy, cần ban hành các hướng dẫn cụ thể và rõ ràng về cách hoàn thiện các giấy tờ cần thiết để đề nghị cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại nhiều tỉnh, thành phố.

Thông qua việc nhận diện những khó khăn, vướng mắc, các hiệp hội cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện thủ tục và góp phần đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh với phạm vi đề xuất từ khâu hình thành dự án đến khâu đưa dự án vào triển khai thực hiện. Các giải pháp ấy phân loại thành trước mắt và lâu dài, có những vấn đề có thể giải quyết ngay, các giải pháp đó bao gồm các nội dung như cắt bỏ những rào cản, hạn chế tiếp cận thị trường, các giải pháp hoàn thiện, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư như lồng ghép thủ tục cho đơn giản hơn, quy định nào chưa rõ ràng, chưa thống nhất dẫn đến cách hiểu khác nhau, có cần sửa đổi, bổ sung, hay bãi bỏ thủ tục nào không, ... để cho quá trình thực hiện các dự án đầu tư được thông suốt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp các ý kiến, kinh nghiệm từ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang có những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư để phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam./.

Tag:

File đính kèm