|
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, ngày 21/9/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" (Chương trình). Đây là một quyết định mang tính chiến lược, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu.
Theo Quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm đầu mối điều phối và theo dõi việc thực hiện chương trình, đồng thời báo cáo định kỳ với Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ Tài chính sẽ bố trí nguồn vốn cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ của chương trình theo quy định của pháp luật.
Thứ trưởng nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là khẩn trương quán triệt để triển khai ngay Chương trình bởi trong quá trình xây dựng Bộ đã phối hợp với các bên liên quan nghiên cứu các nội dung một cách rất công phu. Do vậy, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự họp tập trung thảo luận vào các nội dung cụ thể để triển khai Chương trình, cơ quan chủ trì, phối hợp và dự kiến thời gian hoàn thiện.
Tham gia ý kiến tại cuộc họp, đại diện các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Lao động và Thương binh, Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,… và đại diện các viện, trường, cơ sở giáo dục đào tạo như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên,…đánh giá cao sự tích cực, chủ động quyết liệt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng và triển khai Chương trình. Bộ đã khẩn trương xây dựng Kế hoạch tổng thể với các nội dung cơ bản đầy đủ, bám sát Quyết định số 1017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
|
Toàn cảnh cuộc họp: Ảnh: MPI |
Các ý kiến bày tỏ cơ bản thống nhất với dự thảo khung kế hoạch tổng thể thực hiện Chương trình; đồng thời tập trung thảo luận cho ý kiến vào các nội dung cụ thể về nhóm nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, bao gồm: xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù; đầu tư hạ tầng và công nghệ phục vụ đào tạo; tổ chức đào tạo; huy động và đa dạng hóa nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; nghiên cứu và phát triển; và các giải pháp khác. Các nhiệm vụ này nhằm đảm bảo rằng Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phát triển một nền công nghiệp bán dẫn vững mạnh, có khả năng cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nhấn mạnh đến kinh phí thực hiện. Chương trình sẽ được thực hiện với kinh phí từ ngân sách nhà nước, kết hợp với các nguồn tài trợ hợp pháp từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Ngân sách nhà nước sẽ ưu tiên cho việc hình thành và nâng cấp 4 phòng thí nghiệm bán dẫn cấp quốc gia tại các khu vực trọng điểm, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động đào tạo, duy tu và phát triển các cơ sở nghiên cứu phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Đồng thời, tập trung thảo luận về sự cần thiết xây dựng website/trang thông tin về Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cảm ơn sự đồng hành của các bên liên quan trong quá trình xây dựng Chương trình; đánh giá cao ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, các viện, trường, cơ sở giáo dục đào tạo và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời nhấn mạnh, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về đầu mối điều phối và theo dõi việc thực hiện Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để triển khai Chương trình một cách có hiệu quả.
Theo đó, Bộ đang xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện Chương trình, trong đó có các nhiệm vụ liên quan đến các bộ, ngành, địa phương, viện, trường và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trên cơ sở Kế hoạch này, các bên liên quan xây dựng, ban hành kế hoạch riêng để triển khai các nhiệm vụ được giao.
Ngay sau cuộc họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có văn bản gửi các bên liên quan để cử thành viên tham gia Hội đồng tư vấn chuyên môn để lựa chọn, quyết định một số vấn đề chuyên môn khi triển khai Chương trình, trong đó có 04 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và 18 phòng thí nghiệm ở các viện, trường đại công lập. Cũng trên cơ sở các ý kiến tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch gửi xin ý kiến.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các bộ, ngành, viện, trường, cơ sở giáo dục đào tạo tham gia ý kiến chi tiết đối với dự thảo Kế hoạch để trình cấp thẩm quyền ban hành trong thời gian sớm nhất; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, đồng hành trong quá trình triển khai Chương trình để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.
Chương trình “Phát triển Nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” là một bước đi mang tính đột phá, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong việc phát triển một ngành công nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, chương trình được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để Việt Nam vươn lên trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn khu vực và toàn cầu./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư