Sign In

Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2023 và giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

22:15 28/08/2023

(MPI) - Ngày 28/8/2023, Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021-2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các CTMTQG giai đoạn 2021-2025. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ điểm cầu trung ương đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai các CTMTQG giai đoạn 2021-2023. Ảnh: chinhphu.vn

Báo cáo sơ kết tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2023 và giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, về phân bổ, giao kế hoạch, dự toán ngân sách trung ương (NSTW): Tổng vốn nguồn NSTW đã phân bổ, giao các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2023 là 83.616,619 tỷ đồng, bao gồm: vốn đầu tư công 48.216,812 tỷ đồng (bằng 47,24% kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn NSTW giai đoạn 2021-2025.

Về giải ngân vốn đầu tư của các chương trình: Ước tính đến ngày 31/8/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 của các chương trình (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023, khoảng 16.365,331 tỷ đồng, đạt 47,81% kế hoạch.

Về một số kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các CTMTQG, mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Bình quân đạt 3,4% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao); Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đến năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,61%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Cả nước có 6.033/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020); có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn.

Về các khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các CTMTQG hằng năm của giai đoạn 2021-2023, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG từ trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn chương trình tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đặc điểm tự nhiên, xã hội, văn hóa, rà soát mặt bằng pháp lý của một số cơ quan trung ương chưa được tiến hành đồng bộ ngay từ trước khi ban hành chính sách, quy định, dẫn đến còn có chính sách không phù hợp với thực tiễn hoặc thiếu cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh.

Về khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục phản ánh còn một số khó khăn trong áp dụng một số quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, số 38/2023/NĐ-CP liên quan đến công tác lập danh mục dự án đầu tư công trung hạn, hằng năm, phê duyệt dự án đầu tư công; cách thức sử dụng NSNN hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất; việc tính thuế giá trị gia tăng đối với gói thầu giao cộng đồng thi công, hàng hóa mua trực tiếp;…

Về giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG trong thời gian tới, cần phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát của Ban Chỉ đạo các cấp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, triển khai thực hiện các CTMTQG. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG đồng bộ từ trung ương tới địa phương.

Đảm bảo cân đối nguồn lực từ NSNN, nghiên cứu đổi mới cơ chế huy động vốn tín dụng chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực khác từ doanh nghiệp, các tổ chức, người dân, các đối tác nước ngoài; tăng cường lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án có cùng mục tiêu ngay từ quá trình phân bổ, sử dụng nguồn lực tại các địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện các chương trình tại các cấp để tổ chức thực hiện có hiệu quả các CTMTQG. Các bộ, cơ quan trung ương chủ động rà soát, phối hợp với các địa phương nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung đề xuất chủ trương đầu tư các CTMTQG giai đoạn 2026-2030.

Tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp liên quan việc phân bổ vốn sự nghiệp; nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục trong thực hiện các chương trình; dự báo tình hình giải ngân đến cuối năm của địa phương, đề xuất, kiến nghị với các bộ ngành, Chính phủ nhằm tăng hiệu lực thực hiện các Chương trình MTQG trong thời gian tới, đặc biệt là tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân thực hiện các Chương trình…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao các bộ, ngành ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trong việc triển khai thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021- 2023; đồng thời chỉ ra những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các CTMTQG hằng năm của giai đoạn 2021-2023.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG. Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát giữa các cơ quan trung ương và địa phương; hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp để kịp thời đôn đốc, chỉ đạo tiến độ và nắm bắt, xử lý vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Đảm bảo cân đối nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nghiên cứu đổi mới cơ chế huy động vốn tín dụng chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực khác từ doanh nghiệp, các tổ chức, người dân, các đối tác nước ngoài. Tăng cường lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng mục tiêu trong phân bổ, sử dụng nguồn lực tại địa phương đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, dàn trải.

Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, hoàn thiện việc phân bổ, giao kế hoạch vốn hằng năm ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao dự toán, kế hoạch; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc chuẩn bị công tác kế hoạch, khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác trong thực hiện các CTMTQG theo đúng quy định đảm bảo sử dụng vốn ngân sách nhà nước hiệu quả, tập trung. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia về giám sát, đánh giá thực hiện các CTMTQG tại các cấp./.

Tag:

File đính kèm