Sign In

Thứ trưởng Trần Quốc Phương tham dự họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023

18:48 30/09/2023

(MPI) - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 diễn ra chiều ngày 30/9/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã làm rõ vấn đề được nhà báo quan tâm liên quan đến động lực phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo nhân lực về lĩnh vực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Họp báo. Ảnh: chinhphu.vn

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, tăng trưởng GDP quý III năm 2023 đạt 5,33%, con số này vượt khỏi những mong đợi trước đây, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn, qua đó đóng góp vào tăng trưởng 9 tháng là 4,24%. Trong đó, qua theo dõi cho thấy, điểm nhấn là nhiều chỉ số vĩ mô quan trọng của nền kinh tế, tháng sau tốt hơn tháng trước, đóng góp vào tổng thể quý sau tốt hơn quý trước.

Mặc dù con số không phải quá cao, đột phá nhưng là rất tốt so với bối cảnh kinh tế thế giới đang rất khó khăn. Nếu so sánh với các nước trong khu vực, các nước trên thế giới thì tăng trưởng của Việt Nam là cao; cao hơn so với một số nước trong khu vực châu Á như Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí cao hơn một số nước châu Âu như Anh, Pháp, kể cả Hoa Kỳ.

Về động lực tăng trưởng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, thứ nhất là thị trường trong nước, khi thị trường xuất khẩu khó khăn, đơn hàng bị thiếu hụt thì việc quay về thị trường trong nước là tích cực, mặc dù phát triển chưa như mong đợi nhưng có đóng góp tốt; tiêu dùng hàng hóa bán lẻ tăng trên 9% so với cùng kỳ, đây là con số tích cực, đóng góp cho tăng trưởng.

Động lực thứ hai là xuất khẩu, lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn, nhập khẩu giảm nhiều, chênh lệch giữa nhập khẩu với xuất khẩu rất cao. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thấp, phản ánh đánh giá đúng thực trạng tình hình thực tế là kinh tế thế giới khó khăn dẫn đến việc thiếu đơn hàng nên việc sản xuất trong nước bị thu hẹp. Tuy nhiên, điều đáng mừng và cũng gắn với xu thế phát triển kinh tế là tháng sau lại tiến bộ hơn tháng trước.

Về động lực đầu tư công, theo nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước, đây là động lực hết sức quan trọng, là yếu tố nhận được nhiều sự quan tâm. Trong 9 tháng năm 2023, giải ngân đầu tư công đạt 51,38% (chưa năm nào giải ngân đầu tư 9 tháng vượt qua 50%) đây là tín hiệu rất tốt.

Liên quan đến nội dung được nhà báo nêu về nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam; những cơ hội lớn để thu hút dòng vốn lớn từ Hoa Kỳ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam cũng như chuyển công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Hoa Kỳ trong thời gian qua đã mở ra rất nhiều cơ hội, trong đó có cơ hội phát triển khoa học công nghệ và ngành công nghiệp mới, cụ thể hơn là ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là một trong những ngành công nghiệp đang chiếm ưu thế và Việt Nam đang đón đầu để cố gắng vươn lên, đi đầu, dẫn trước.

Toàn cảnh Họp báo. Ảnh: chinhphu.vn

Theo Thứ trưởng, ngành công nghiệp chip bán dẫn là ngành mới ở Việt Nam và phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đón nhận và phát triển một cách hiệu quả. Theo đó, khía cạnh đào tạo nguồn nhân lực là khía cạnh mang tính chất nền tảng để phát triển ngành này.

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030. Qua sơ bộ nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 3 trụ cột chính trong đào tạo nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn.

Trụ cột đầu tiên mang tính lâu dài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đó là “đào tạo đại học”. Điều này đòi hỏi phải có sự hợp tác của ba đối tác quan trọng: Nhà nước; các viện và các trường đại học; các doanh nghiệp trong công nghiệp bán dẫn. Trong đó, Nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện cho các trường đại học, các viện đào tạo số lượng sinh viên đủ để phục vụ trong ngành công nghiệp bán dẫn bởi hiện nay lượng này vẫn còn thiếu hụt. Các viện và các trường đại học phải có một kế hoạch mang tính chất dài hơi, mở thêm các khoa, phòng đào tạo, hợp tác với các trường trên thế giới để có nguồn giáo viên dạy về công nghiệp bán dẫn, trên cơ sở đó mới có sự hấp dẫn đối với sinh viên đăng ký học các khoa này.

Trong hai chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa qua, có nhiều doanh nghiệp lớn về chip bán dẫn của Hoa Kỳ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và bày tỏ ý định sẽ đầu tư tại Việt Nam; hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để có các hoạt động tại Hoa Kỳ.

Trụ cột thứ hai là đào tạo kỹ sư, người lao động, những người làm việc trong lĩnh vực bán dẫn. Trụ cột thứ ba là huy động nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam.

Với ba trụ cột trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, các tổ chức để hoàn thành Đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030 theo đúng tiến độ đề ra, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh./.

Tag:

File đính kèm