Sign In

Hội thảo chuyên đề Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước

13:48 18/10/2023

(MPI) - Ngày 18/10/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đồng chủ trì Hội thảo chuyên đề “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.

Đây là một trong 3 Hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước” với sự đồng chủ trì của ông Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Tham dự Hội thảo có ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội; cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương; cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Việc phát triển các KCN, KKT được xác định là một trong những nội dung quan trọng, hình thành từ đường lối Đổi mới của Đảng nhằm thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần mở cửa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tính đến tháng 12/2022, trên cả nước đã hình thành hệ thống 407 KCN (tính cả 04 khu chế xuất) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 128.684 ha, tổng diện tích đất công nghiệp 86.208 ha, trong đó có 292 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đã cho thuê 45.323 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 72% và 115 KCN đang đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản. Cùng với đó là 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 766.000 ha; 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 871.523 ha.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các KCN, KKT đã thu hút gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư tương ứng khoảng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT đạt khoảng 221,33 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT khoảng 9,33 tỷ USD và vốn đầu tư của các dự án đầu tư trong KCN, KKT là 212 tỷ USD.

Tỷ trọng giá trị xuất khẩu của DN trong KCN, KKT trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng nhanh qua các năm, từ 6% năm 1995 lên 19% năm 2005, đạt 50% năm 2015 và từ năm 2016 đến này luôn chiếm trung bình trên 55%. Giai đoạn 1996-2000, các KCN, KKT đã đóng góp trung bình khoảng 900 tỷ đồng/năm cho NSNN; giai đoạn 2011-2015 đóng góp khoảng 72,4 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 12,7% tổng thu NSNN trong nước (không kể dầu thô) và giai đoạn 2016-2020 đóng góp 363.141 tỷ đồng, chiếm 11,7%. Các KCN, KKT còn giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động trực tiếp, chiếm 8,3% lực lượng lao động của cả nước.

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra các phiên tọa đàm với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và chuyên gia. Đại biểu tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc thường gặp trong công tác quy hoạch, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở các địa phương; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, góp phần phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp như một động lực quan trọng trong công cuộc đổi mới kinh tế của đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đã thông tin về những giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hoạch định chính sách phát triển KCN, KKT, cụm CN để đảm bảo phát triển bền vững. Chủ trương phát triển KCN, KKT, KCX được bắt đầu tư năm 1986 và trải qua bốn giai đoạn. Một là, từ năm 1991-2000, là thời điểm thí điểm một số mô hình khu và từng bước nhân rộng. Hai là, từ năm 2001-2010, trên cơ sở thí điểm để phát triển rộng rãi mô hình KCN, KKT, KKT ven biển, KKT cửa khẩu. Ba là, từ năm 2011-2021, tiếp tục phát triển các mô hình khu nhưng có thay đổi về tầm nhìn chiến lược dài hạn. Bốn là, từ năm 2021-nay. Do vậy, muốn đánh giá các kết quả đạt, không đạt của mô hình khu phải trải dài qua bốn quá trình như vậy.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện tổng kết đánh giá kết quả phát triển các KCN, KKT theo từng giai đoạn và gần đây nhất là đánh giá, tổng kết 30 năm phát triển. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để thông tin kết quả qua mỗi giai đoạn tổng kết. Trên cơ sở đánh giá đó nhằm hướng đến xây dựng khung pháp lý ngày càng được hoàn thiện hơn.

Thứ trưởng cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến được diễn giả nêu rằng, trong quá trình phát triển mô hình khu, chúng ta phải vừa làm, vừa phát triển, đặc biệt chính sách ban đầu khi mở cửa các mô hình khu gắn với thu hút đầu tư nước ngoài chắc chắn không tránh được những bất cập về các vấn đề liên quan đến sử dụng đất, vấn đề môi trường.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc tham dự tọa đàm. Ảnh: MPI

Về các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, Thứ trưởng nhấn mạnh, từ năm 2022 đến nay các chính sách, pháp lý có nhiều sự thay đổi và đặc biệt là sự ra đời của Luật Quy hoạch. Đến nay, việc phát triển các khu đảm bảo tính đồng bộ, kết nối từ quy hoạch đô thị, giao thông, hạ tầng,… và các thiết chế cho người lao động. Nêu ví dụ cho vấn đề này, Thứ trưởng cho biết, KCN muốn mở rộng phải giải trình rõ có phương án về thiết chế cho người lao động, nhà ở cho người lao động để làm cơ sở xem xét mở rộng. Cùng với đó, vấn đề xem xét về hiệu quả sử dụng đất được thay đổi và được quy định rõ tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và KKT; quy mô của các khu phải gắn với liên kết ngành, quy mô sử dụng đất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo…; phải có cơ chế chuyển đổi các mô hình sang mô hình KCN sinh thái, chuyên sâu, mô hình KCN tiên tiến nhằm tạo hệ sinh thái phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics.

Về công tác quy hoạch, Thứ trưởng cho rằng, điều này sẽ tạo ra không gian để phát triển và trong Luật Quy hoạch quy định về vấn đề tích hợp với các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nhằm xử lý vấn đề xung đột lợi ích cả về chiều ngang và chiều dọc; có cách tiếp cận để đảm bảo liên kết vùng phù hợp với kinh tế - xã hội của từng địa phương; nhìn từ trục các quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh để xem tính thống nhất, gắn kết.

Thứ trưởng nhấn mạnh thêm các vấn đề về giao đất, cho thuê đất, đất lấn biển; ưu đãi đầu tư và cho biết, trong thời gian tới, các vấn đề này sẽ được xem xét tại các nội dung liên quan đến sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu chính sách tổng thể về ưu đãi đầu tư đặt trong bối cảnh hiện nay là thuế tối thiểu toàn cầu, thuế cacbon, các loại thuế về môi trường, trong hàng loạt các điều kiện khi tiếp cận thị trường “khó tính”; cơ chế chính sách phát triển bền vững các mô hình khu, khuyến khích các KCN hiện hữu chuyển thành KCN sinh thái; cơ chế thu hút nhà đầu tư phát triển thiết chế cho người lao động như nhà ở, công trình dịch vụ kèm theo;...

Liên quan đến vấn đề chấp thuận chủ trương đầu tư, Thứ trưởng cho biết, Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật đầu tư quy định rất rõ các hình thức đối với KCN về đấu giá, đấu thầu và chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền phân cấp, phân quyền cho địa phương khi đã đảm bảo đồng bộ các quy định của pháp luật liên quan.

Về các định hướng trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, đã đến lúc cần có Luật về mô hình các khu, không chỉ là KCN, KKT mà còn có các khu công nghệ cao; phải có luật để điều chỉnh và áp dụng thống nhất trong cả nước về cách tiếp cận, trình tự thủ tục, ưu đãi, đặc biệt là mô hình quản lý ở địa phương. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác quy hoạch, bởi đây là nền tảng của sự phát triển bền vững và công tác thực thi phải tốt.

Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Ông Bùi Quốc Dũng bày tỏ đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nắm bắt được cơ hội để thúc đẩy phát triển bền vững của các khu; các chính sách hình thành và phát triển các KCN, KKT. Những thành công của việc phát triển các KCN, KKT được thể hiện qua kết quả vốn bình quân của doanh nghiệp FDI trong các KCN so với tổng FDI cả nước; việc ban hành Nghị định 35 đã cơ bản giải quyết những khó khăn, vướng mắc trước đây.

Theo ông Bùi Quốc Dũng, những phân tích, đánh giá thực trạng khách quan, toàn diện, sâu sắc về các KKT, KCN, CCN của các đại biểu nhằm tiếp tục tháo gỡ những nút thắt, vướng mắc, hỗ trợ phát triển KKT, KCN như một động lực quan trọng trong công cuộc thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định; khẳng định, Kiểm toán Nhà nước với vai trò của cơ quan kiểm tra, kiểm soát nguồn lực công sẽ cùng với các cơ quan quản lý, các tổ chức, các nhà đầu tư đưa ra những giải pháp để phát triển các KKT, KCN, CCN cũng như đảm bảo nguồn lực tài chính công, tài sản công được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả.

Từ góc độ địa phương, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã chia sẻ về vai trò, sự đóng góp của các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh; những vướng mắc chủ yếu về chính sách như quy hoạch hạ tầng, môi trường, an sinh xã hội; các giải pháp để thu hút vào KCN, CCN. Đồng thời cho biết, tỉnh luôn kiên định quan điểm, mục tiêu phát triển nhanh và bền vững; trên cơ sở phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, giá trị văn hóa.

Xuất phát từ quan điểm, mục tiêu như vậy, tỉnh Ninh Bình thực hiện quy hoạch công nghiệp chặt chẽ với định hướng lựa chọn thu hút đầu tư có chọn lọc, đáp ứng nhu cầu công nghệ cao, công nghệ sạch, nâng cao giá trị gia tăng và đóng góp vào ngân sách lớn, bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, thu ngân sách từ KCN, CCN của tỉnh chiếm 80% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Quang Ngọc nêu các khó khăn trong phát triển công nghiệp và cho biết, công tác quy hoạch và xây dựng hạ tầng trước đây chưa đồng bộ; chậm trình phê duyệt quy hoạch tỉnh; kết nối hạ tầng giao thông với hạ tầng KCN chưa đồng bộ và quá tải. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chủ động trên cơ sở đặc điểm của địa phương, bám sát quy định của pháp luật; phát huy kết cấu hạ tầng giao thông, cao tốc, tạo hành lang Đông Tây, kết nối tuyến đường cao tốc ven biển và hạ tầng quốc gia để tạo ra không gian phát triển; hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thu hút, quy hoạch các KCN gắn với đô thị, dịch vụ đảm bảo đồng bộ, gắn với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng.

Tham gia ý kiến, các đại biểu cho rằng, sự phát triển của các KCN, KKT đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, thực hiện định hướng tăng trưởng xanh; cũng như thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác. Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ ra nhiều “nút thắt” hạn chế sự phát triển của các KCN, KKT. Cụ thể là vấn đề về quy hoạch; hạ tầng giao thông và kết nối đồng bộ; liên kết vùng; lao động và an sinh xã hội; vấn đề môi trường; ưu đãi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT; hiệu quả sử dụng đất…

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao các ý kiến. Qua Hội thảo cung cấp thông tin tổng quan, nhiều chiều liên quan đến các cơ hội, thách thức đến phát triển KCN, KKT; là cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền trong việc hoàn thiện khung chính sách nhằm tạo thuận lợi trong phát triển KCN, KKT, cụm công nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác thực thi; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách về KCN, KKT; đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KCN, KKT từ trung ương đến địa phương, khuyến khích phát triển KCN, KKT theo đúng định hướng./.

Tag:

File đính kèm