Sign In

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ

13:24 09/11/2023

(MPI) - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 09/11/2023, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua ý kiến thảo luận tại tổ và tại hội trường cho thấy, về cơ bản các đại biểu đều ủng hộ với đề xuất của Chính phủ về các chính sách như trong dự thảo Nghị quyết, đồng thời cũng nêu rất nhiều vấn đề cần tiếp tục thảo luận trong quá trình rà soát, hoàn thiện. Đồng thời, cảm ơn các ý kiến đóng góp rất tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu và khẳng định, nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo.

Chia sẻ và báo cáo giải trình rõ thêm một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng nhấn mạnh, về sự cần thiết, các đại biểu đều nhất trí cao và ủng hộ. Chính phủ sẽ phải xây dựng nguyên tắc, tiêu chí để có cơ sở triển khai thực hiện. Qua ý kiến của các đại biểu cho thấy cần phải rà soát lại các nội dung của nghị quyết để làm rõ thêm được tính đặc thù, đặc biệt riêng cần phải có cơ chế này, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với Ủy ban Kinh tế là cơ quan thẩm tra, báo cáo lại Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi báo cáo Quốc hội, trên tinh thần phải rà soát kỹ nguyên tắc và tiêu chí. Các dự án này đã xác định triển khai trong trung hạn, đã chuẩn bị thủ tục đầu tư, bố trí nguồn vốn. Khi Quốc hội cho phép thì có thể triển khai rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ. Do nhiều địa phương đề nghị nên Chính phủ đã thiết kế trong Dự thảo, để mở một số dự án chưa kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư từ nay đến khi Quốc hội bấm nút phải hoàn thiện.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong quá trình thực hiện nếu phát sinh một số dự án thì phải bám sát vào nguyên tắc, tiêu chí và nếu đáp ứng được yêu cầu, đúng các nguyên tắc, tiêu chí thì sẽ trình  Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa đáp ứng được yêu cầu nhưng sẽ rút ngắn được thời gian.

Về tỷ lệ vốn tham gia vào các dự án PPP như các đại biểu đã nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là một vấn đề khó và nhạy cảm trong các dự án PPP. Trước đây không quy định tỷ lệ nhưng hiện nay tại Luật PPP quy định tỷ lệ vốn là 50%, thời điểm đó đưa ra tỷ lệ này đều có cơ sở nhưng đến bây giờ quy định này không còn phù hợp. Nêu ví dụ cho vấn đề này, Bộ trưởng nhấn mạnh, những dự án đi qua các địa phương có lưu lượng xe thấp, nhu cầu vận tải không cao thì khả năng thu hồi vốn thấp và các nhà đầu tư không quan tâm. Khi nhà đầu tư không tham gia thì các ngân hàng cho vay cũng không tham gia, như vậy không còn tính hấp dẫn, tính khả thi và điều này đòi hỏi tỷ lệ vốn của nhà nước phải cao hơn.

Cùng với đó, một số dự án đi qua các đô thị lớn hiện nay nhu cầu giải phóng mặt bằng rất lớn. Do vậy, cần thiết phải nâng tỷ lệ vốn Nhà nước nhưng nâng lên bao nhiều để phải giữ được nguyên tắc hài hòa giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân, phải đảm bảo được tính khả thi. Bởi, nếu giảm thấp quá thì các nhà đầu tư hay các tổ chức tài chính không cho vay. Nhưng nếu tỷ lệ cao quá thì không còn ý nghĩa của dự án PPP nữa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội để trong thời gian tới rà soát, nghiên cứu sửa đổi Luật PPP.

Bộ trưởng cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến của các đại biểu nêu, tùy tính chất của dự án, có thể về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo hay những vấn đề về xã hội,…và không nói riêng đến vấn đề hiệu quả kinh tế thì nhà nước phải đầu tư.

Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, nâng tỷ lệ vốn Nhà nước lên là vấn đề cần tính toán, cân nhắc. Qua tính toán cho thấy mức 70 - 75% là hợp lý, tuy nhiên một số dự án có thể cao hơn, song tùy từng dự án cụ thể thì cấp có thẩm quyền sẽ quyết định là bao nhiêu và tùy khả năng cân đối vốn của Nhà nước có thể tham gia được bao nhiêu thì mới quyết định chứ không phải cho là hợp lý là đương nhiên sẽ được nhà nước bố trí vốn như thế.

Về danh mục dự án, Bộ trưởng nhấn mạnh, những dự án đã rõ, đã rà soát và Chính phủ đã trình Quốc hội thì mong được Quốc hội thông qua, vì đây là những dự án đã chuẩn bị xong, đủ điều kiện và đang triển khai, chỉ cần cho phép thì sẽ rút ngắn được thời gian và thực hiện được ngay. Còn những dự án chưa đủ điều kiện thì phải thực hiện đủ điều kiện, bao giờ đáp ứng được nguyên tắc, tiêu chí sẽ báo cáo lại Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội cho cơ chế mạnh hơn, tức là giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm và quyết định danh mục nhưng phải theo nguyên tắc, tiêu chí Quốc hội đưa ra, vừa đáp ứng được yêu cầu và rút ngắn được thời gian, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về các vấn đề khác như rà soát lại các nguyên tắc, tiêu chí, danh mục, các quy định về kiểm tra, thanh tra, chịu trách nhiệm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và thời gian của Nghị quyết,…, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định nghiêm túc tiếp thu và sẽ hoàn thiện trong quá trình hoàn thiện Dự thảo.

Trước đó, ngày 27/10/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ và cho biết, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã đẩy mạnh việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đến nay đã đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình trọng điểm, hiện đại như các tuyến cao tốc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã bộc lộ, phát sinh một số quy định cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, nhằm khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công vào lĩnh vực giao thông đường bộ, là một trong những lĩnh vực hạ tầng quan trọng quốc gia.

Dự thảo Nghị quyết gồm 10 Điều với nội dung chính gồm 05 nhóm chính sách. Chính sách 1 về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP (Điều 4); Chính sách số 2 về thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương (Điều 5); Chính sách số 3 về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương (Điều 6); Chính sách 4 về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (Điều 7); Chính sách số 5 về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 (Điều 8)./.

Tag:

File đính kèm