Sign In

Sẵn sàng khởi động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 9

18:48 22/12/2023
(MPI) - Ngày 22/12/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức cuộc họp tiền khởi động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 9.

Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng từ năm 2003, là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua việc thiết lập một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam, sáng kiến chung góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam WATANABE Shige phát biểu. Ảnh: MPI

Trao đổi tại cuộc họp, ông WATANABE Shige, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp, làm việc chặt chẽ giữa các bộ, ngành Việt Nam, cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan Nhật Bản như Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) trong triển khai các hoạt động của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8, cũng như phối hợp chuẩn bị nội dung thực hiện giai đoạn 9.

Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản nêu rõ, dựa trên quan hệ “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, hai nhà lãnh đạo hai nước khẳng định sẽ triển khai giai đoạn tiếp theo của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản vào đầu năm sau. Trong quá trình này, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ rà soát lại sáng kiến chung nhằm giải quyết các thách thức mới mà cả hai quốc gia đang gặp phải dựa trên nguyên tắc quan hệ đối tác bình đẳng.

Theo đó, 11 nội dung hợp tác chính của giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản bao gồm: (1) cơ chế án lệ, cơ chế thi hành dân sự, cơ chế cạnh tranh; (2) Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; (3) Môi trường lao động; (4) Luật PPP; (5) cải cách thị trường chứng khoán, doanh nghiệp tư nhân; (6) tổ hợp năng lượng tốt nhất, bán sỉ, bán lẻ và tiết kiệm năng lượng; (7) thúc đẩy và mở rộng nhập khẩu LNG: (8) cải cách Luật Đất đai; (9) công nghiệp hỗ trợ; (10) đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; (11) đào tạo nhân lực.

Trong Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn tới, dựa trên tiềm năng cũng như các vấn đề mà Việt Nam đang đối diện để đạt được tăng trưởng chất lượng cao, hai nước sẽ hợp tác triển khai 05 chủ đề nhằm đạt được thành quả cụ thể đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Khung nội dung của giai đoạn kế tiếp sẽ được quyết định tại cuộc họp khởi động dự kiến được tổ chức trong tháng 3/2024. Cụ thể, Nhóm 1: thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á/chuyển đổi xanh (AZEC/GX), đã chính thức được khởi động vào tháng 10/2023; Nhóm 2: Đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; Nhóm 3: tăng cường chuỗi cung ứng bao gồm phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nhóm 4: đào tạo nguồn nhân lực kỹ năng cao; Nhóm 5: cải cách cơ chế để hoàn thiện môi trường đầu tư.

Hình ảnh tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Tại cuộc họp, đại diện cơ quan hai nước như Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp; Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, JETRO, JCCI đã cùng thảo luận và đưa ra nhiều khuyến nghị về cơ chế hợp tác trong chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thủ tục đầu tư…

Một số ý kiến trao đổi tại cuộc họp đề nghị hai bên tiếp tục kết nối doanh nghiệp Nhật Bản với các startup Việt Nam, phát triển ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, kết nối người Việt Nam đã học kỹ thuật tại Nhật Bản với các doanh nghiệp Nhật Bản và tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo dạy nghề và cơ sở giáo dục bậc đại học như Trường Đại học Việt Nhật với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng (giữa) phát biểu. Ảnh: MPI

Đánh giá về các nội dung mà hai bên thảo luận, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ kỳ vọng, với những cơ chế, khuôn khổ hợp tác kinh tế mới, giai đoạn 9 của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản sẽ có những phương pháp tiếp cận, cách thức triển khai mới và đột phá, phù hợp với thực tiễn và mang lại kết quả thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước ngày càng hiệu quả hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới”./.

 

Tag:

File đính kèm