Sign In

Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023, xây dựng kế hoạch năm 2024 của Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

11:00 13/01/2024
(MPI) - Năm 2023 là năm tập trung kiện toàn tổ chức, ổn định bộ máy hoạt động của Hội đồng Điều phối Vùng, đồng thời hoàn thiện các nhiệm vụ lớn, trọng tâm là trình phê duyệt Quy hoạch Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, làm cơ sở để tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, hệ thống đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong Vùng và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

 

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Trên đây là nội dung của dự thảo Báo cáo Tổng kết hoạt động năm 2023, dự thảo Kế hoạch điều phối, liên kết vùng năm 2024 của Hội đồng điều phối Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (BTB&DHTB) được Thứ trưởng Trần Duy Đông trình bày tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023, xây dựng kế hoạch năm 2024 của Hội đồng Điều phối vùng BTB&DHTB diễn ra ngày 13/01/2024. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng BTB&DHTB; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng điều phối Vùng BTB&DHTB. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí Lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Trình bày dự thảo báo cáo, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, yêu cầu, nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với hoạt động của Hội đồng điều phối vùng trong năm 2023 là nâng cao hiệu quả liên kết, kết nối vùng; Hội đồng điều phối vùng có trách nhiệm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính tự lực, tự cường của mỗi địa phương và tạo ra sức mạnh tổng hợp của vùng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Liên kết, hợp tác nội vùng và liên vùng góp phần ổn định và phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào ba động lực là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; Triển khai quyết liệt ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tập trung kết nối hạ tầng chiến lược, kết nối đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng và từng địa phương; Nguồn lực chính cho liên kết, phát triển vùng gồm: ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương), hợp tác công tư, FDI, ODA. Quan tâm thích đáng đến liên kết phát triển hạ tầng xã hội trong đó có hạ tầng văn hóa và du lịch.

Đồng thời, đề cao nguyên tắc phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong các hoạt động điều phối, liên kết vùng; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Trong năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của các Hội đồng điều phối vùng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ban hành: (1) Kế hoạch hoạt động những tháng cuối năm 2023 của các Hội đồng; (2) Đôn đốc các Bộ, cơ quan, địa phương là thành viên các Hội đồng điều phối vùng hoàn thành ngay công tác tổ chức theo nguyên tắc tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; (3) Đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương tập trung hoàn thành cơ bản các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh: (4) Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách ưu đãi vùng phù hợp; (5) Xác định ngay các dự án có tính chất liên kết, phát triển vùng; (6) Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư và kết nối doanh nghiệp.

Các bộ, ngành liên quan đã phối hợp với các địa phương liên quan đề xuất về định hướng liên kết các hoạt động phát triển công nghiệp và thương mại; đề xuất định hướng và lộ trình chuyển đổi số cũng như việc xây dựng cơ sở dữ liệu cấp vùng và cấp quốc tế; tổ chức các hội thảo khoa học về chuyển đổi số; đề xuất định hướng liên kết vùng để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức các hội thảo khoa học về chuyển đổi xanh; xây dựng cơ chế hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về (i) xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bộ máy hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, mẫn cán, hiệu lực, hiệu quả; (ii) phân cấp, phân quyền; đề xuất cơ chế phối hợp cấp vùng ứng phó với sự cố thiên tai...

Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung, trên cơ sở bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ với sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành và sự nỗ lực của các địa phương, đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo đó, về phát triển kinh tế: Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt khá với tốc độ tăng trưởng đạt 5,51%, cao hơn so với tăng trưởng chung cả nước (5,05%), GRDP bình quân vùng đạt 75,6 triệu đồng/người, tăng 8% so năm 2022, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 5,5%, cao hơn so bình quân cả nước (3,65%).

Về thể chế và cơ chế liên kết vùng: Năm 2023 là năm Chính phủ kiện toàn tổ chức, ổn định bộ máy hoạt động của các Hội đồng Điều phối Vùng. Mặc dù Hội đồng Điều phối Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ mới được thành lập từ tháng 07/2023, thời gian ngắn nhưng Hội đồng điều phối vùng đã triển khai được nhiều hoạt động, trong đó đã: ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng; Quyết định kế hoạch hoạt động các tháng cuối năm; tổ chức được 02 Hội nghị, trong đó Hội nghị chuyên đề tại Đà Nẵng để lấy ý kiến góp ý về Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-BKHĐT ngày 05/12/2023 về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của văn phòng Hội đồng Điều phối vùng để tham mưu, giúp việc Hội đồng điều phối vùng. Đến nay, hầu hết các Bộ, ngành và 14/14 địa phương trong Vùng đã thành lập Tổ điều phối cấp bộ và cấp tỉnh.

Về nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển Vùng: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho 5 tỉnh, thành phố trong vùng: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Khánh Hòa, đến nay Trung ương và các địa phương đã ban hành đầy đủ các quy định, thủ tục để cụ thể hoá Nghị quyết Quốc hội và đang áp dụng hiệu quả.

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ với 5 chính sách đặc thù, cơ bản đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương để tăng cường liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. 

Về công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch: Công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đẩy nhanh tiến độ. Đến ngày 31/12, có 109/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt, trong đó: 73 quy hoạch đã được phê duyệt; 07 quy hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt; 23 quy hoạch đã thẩm định xong, đang hoàn thiện theo ý kiến thẩm định;  06 quy hoạch đang trong quá trình thẩm định.

Về quy hoạch tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến ngày 31/12/2023 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 13/14 quy hoạch tỉnh, còn 01 quy hoạch tỉnh Quảng Nam đã thẩm định, đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, cơ bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng đề ra.

Về quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đã tổng hợp danh mục dự án đầu tư kết cấu hạ tầng nội vùng, liên vùng, thống nhất với danh mục tại Nghị quyết số 168/NQ-CP của Chính phủ triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Quy hoạch vùng được thông qua sẽ là cơ sở để các địa phương trong Vùng liên kết, hợp tác và phát triển kinh tế- xã hội của Vùng.

Về liên kết, phối hợp giữa các thành viên trong Hội đồng Điều phối Vùng: Các thành viên Hội đồng Điều phối vùng đã tích cực thực hiện nhiệm vụ là thành viên Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; tham gia đầy đủ các phiên họp Hội đồng và các nhiệm vụ công tác được giao nhằm đẩy mạnh liên kết vùng trong các hoạt động, các ngành, lĩnh vực được phân công.

Về dự kiến kế hoạch năm 2024,  để phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng điều phối vùng trong thúc đẩy liên kết vùng để đạt được các mục tiêu phát triển chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Kế hoạch hoạt động của Hội đồng điều phối vùng năm 2024, trong đó đề ra nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành và các thành viên Hội đồng điều phối vùng. 

Theo đó, về tổ chức thực hiện quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố được duyệt và kế hoạch thực hiện quy hoạch, vận dụng các cơ chế, chính sách đã được ban hành, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Điều phối vùng, các Bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch điều phối liên kết Vùng năm 2024 và các năm tiếp theo như tổ chức công bố, công khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện và có trách nhiệm phối hợp trong việc giám sát, kiểm tra thực hiện quy hoạch.

Về huy động nguồn lực cho phát triển, Hội đồng vùng chủ trì, các thành viên Hội đồng triển khai việc điều phối tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, huy động nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong nước để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trong vùng, trong đó tập trung các hoạt động liên kết phát triển bền vững các ngành kinh tế biển kết hợp bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển: Phát triển kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm hình thành các cụm liên kết ngành ở phạm vi liên tỉnh, liên vùng gắn với các trung tâm kinh tế biển mạnh; Nâng cao hiệu quả các công trình hạ tầng hiện có, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, các trung tâm vùng và vùng động lực; Các nhiệm vụ điều phối hoạt động liên kết ở quy mô cấp vùng, tiểu vùng, đặc thù riêng của Vùng (từ hai địa phương trở lên) theo quy định của pháp luật do Thủ tướng Chính phủ giao.

Về đào tạo và sử dụng lao động, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các thành viên Hội đồng Vùng tổ chức điều phối đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo để nâng cao chất lượng nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng trong thời kỳ quy hoạch, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của các địa phương; Điều phối trong việc đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở đào tạo nhân lực cho các địa phương trong vùng; điều tiết, sử dụng lao động và các nhiệm vụ có liên quan.

Về xây dựng cơ chế, chính sách Vùng, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của Vùng là xây dựng cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế xã hội Vùng. Đây là nhiệm vụ được Bộ Chính trị và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168/NQ-CP của Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có 02 văn bản gửi các Bộ ngành và địa phương báo cáo rà soát cơ chế chính sách của Vùng. Do vậy, yêu cầu các thành viên Hội đồng Vùng khẩn trương chỉ đạo việc triển khai theo các văn bản yêu cầu. Trên cơ sở đó, sẽ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến rộng rãi đối với Bộ ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định./.

 

Tag:

File đính kèm