|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 20 năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn đã có sự tăng trưởng nhanh và tác động lớn ở nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới. Từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD tính đến năm 2023. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới đều mong muốn tham gia và có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thực hiện một số hành động cụ thể để phát triển ngành công nghiệp quan trọng này. Ngay cả các quốc gia phát triển cũng sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đô la Mỹ (khoảng 30 - 50% tổng đầu tư) để hỗ trợ các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư các dự án bán dẫn tại nước họ.
Singapore đã công bố “Bản đồ chuyển đổi ngành điện tử” để đầu tư hơn 19 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn trong 5 năm. Hàn Quốc công bố Chiến lược “Vành đai chip bán dẫn” với kế hoạch chi tiêu 450 tỷ USD trong 10 năm. Ấn Độ đã công bố sáng kiến “Nhiệm vụ Công nghiệp bán dẫn Ấn Độ” với 9,1 tỷ USD, hỗ trợ lên đến 50% chi phí. Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật CHIPS để cung cấp 52 tỷ USD hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ 120-150 tỷ USD vào nền công nghiệp bán dẫn từ năm 2014.
Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, để tận dụng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy. Việt Nam có một số lợi thế chính để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn, đó là quyết tâm chính trị cao từ trung ương đến địa phương; Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI lớn trong lĩnh vực điện tử. Hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)...;
Cùng với đó, Việt Nam có lực lượng lao động có chất lượng, chi phí hợp lý đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử dễ dàng chuyển đổi sang, với hơn 50% dân số dưới 30 tuổi (thời kỳ dân số vàng) và khoảng 1,8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hàng năm. Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện nêu rõ 02 nội dung hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà Hoa Kỳ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành.
Với bối cảnh và lợi thế trên, Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, trong các cuộc làm việc cấp cao của Thủ tướng Chính phủ với các đối tác Hoa Kỳ vừa qua, phía Hoa Kỳ đều nhấn mạnh, để nắm bắt và hiện thực hóa được cơ hội này, Việt Nam cần triển khai nhanh trong thời gian không nên quá 24 tháng và tập trung vào 3 nội dung cốt lõi: Một là cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; Hai là đồng bộ hạ tầng điện, nước, giao thông, cáp quang, công nghệ thông tin và ba là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với quan điểm của nhiều chuyên gia cho rằng: Cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định mình là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội mang tới tiềm năng tăng trưởng kinh tế và xã hội chưa từng có, nhưng thời gian là vấn đề cốt yếu. Chính phủ Việt Nam cần có những hành động quyết liệt và kịp thời để phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn và tận dụng những cơ hội to lớn trước mắt. Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào hiện tại.
Ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 01 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip. Với nguồn cung lao động dồi dào và lực lượng lao động có chất lượng, có thể khẳng định nguồn nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới.
Vì vậy, việc tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động để trong thời gian sớm nhất có thể gia nhập vào thị trường lao động là một hướng đi chiến lược, là yếu tố quyết định để có thể tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư, tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về các nội dung chính của dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và nhấn mạnh, Đề án được xây dựng vào thời điểm này là hết sức có ý nghĩa và kịp thời, thể hiện tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Việt Nam cũng là quốc gia có bước đi nhanh hơn, bài bản hơn so với các quốc gia đang phát triển trong khu vực với việc đưa nội dung phát triển nguồn nhân lực thành một đề án tổng thể để thực hiện đầy đủ, toàn diện và hiệu quả.
Tại Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án: Đào tạo giảng viên, sinh viên hệ chính quy; đào tạo nhân lực trình độ sau đại học; đào tạo hệ ngắn hạn, chuyển tiếp; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo; Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển; Đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo; Thu hút chuyên gia, nhân tài; Tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và Các giải pháp về hợp tác quốc tế, truyền thông và hỗ trợ triển khai khác.
Để Đề án triển khai được thành công và Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội “hiếm có” này để tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn thì cần có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học, các doanh nghiệp đã cho ý kiến các vào nội dung cụ thể của dự thảo Đề án, trong đó nhấn mạnh đến các giải pháp, nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên triển khai; phương án tổ chức thực hiện; phương án phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo bao gồm đào tạo chính quy và đào tạo chuyển đổi; các giải pháp để tăng cường sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo và tăng cường kết nối 03 nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp một cách thực chất; các giải pháp để thu hút sinh viên, giảng viên và chuyên gia, đặc biệt các chuyên gia quốc tế tham gia phát triển ngành; các cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn: học bổng, tín dụng ưu đãi cho sinh viên; lương, thưởng và phúc lợi cho giảng viên, chính sách thu hút các chuyên gia quốc tế; cơ chế mua sắm trang thiết bị…
Các đại biểu cũng đề xuất cơ chế chính sách đào tạo, thu hút nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn; phát triển các ngành phụ trợ công nghiệp bán dẫn; các nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp... nhằm tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư