Sign In

Hội nghị công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024

17:11 05/05/2024
(MPI) - Ngày 05/5/2024, Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 đã được tổ chức tại tỉnh Kon Tum dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các bộ, ngành và địa phương trên cả nước. Thứ trưởng Đỗ Thành Trung tham dự tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hội nghị tập trung thảo luận, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc về thể chế trong việc quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng; chế độ, chính sách đối với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng; giải pháp để duy trì tỉ lệ che phủ rừng; việc bảo đảm đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu từ điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 04/4/2024 về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó tại mục 2 Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn“Xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp quốc gia, để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi xảy ra cháy rừng. Tổng hợp nhu cầu hỗ trợ kinh phí cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng từ nguồn đầu tư phát triển của các bộ, ngành, địa phương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định, để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.”

Để đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024 theo Công điện số 31/CĐ-TTg, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính để rà soát, tổng hợp và đề xuất phương án sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 hỗ trợ cấp bách cho các địa phương thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Hội nghị từ điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, trên toàn quốc, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng, giảm 5.790 vụ so với năm 2022. Diện tích rừng bị tác động là hơn 1.000 ha.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước phát hiện 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động là 182,2 ha, giảm 75,7 ha so với năm 2023. Tuy nhiên, có 10 vụ chống người thi hành công vụ, làm 13 người bị thương và tử vong.

Các vụ phá rừng chủ yếu xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, như Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên…

Trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 399 vụ cháy rừng, làm ảnh hưởng đến 985,5 ha, làm 12 người tử vong và 6 người bị thương.

Nguyên nhân chính của các vụ cháy rừng là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, cùng với sự bất cẩn của người dân khi đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết Chính phủ, các bộ, ngành đang tập trung hoàn thiện  dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, dự thảo Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương quan tâm thực chất, đóng góp ý kiến có chất lượng đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương nhằm bảo đảm chất lượng thể chế được ban hành, tránh tình trạng phải sửa đổi nhiều lần.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu hỗ trợ cấp bách kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024 của các địa phương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời nhấn mạnh, việc quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng là trách nhiệm của các địa phương; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nhất là trong bối cảnh dự báo tình hình thời tiết tiếp tục có diễn biến bất thường; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng./.

Tag:

File đính kèm