Sign In

Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

15:12 13/06/2024
(MPI) – Ngày 10/06/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 489/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Về mục tiêu kinh tế cụ thể, phấn đấu giai đoạn 2021-2030 tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 9,0%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 278 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2030: Nông nghiệp, thủy sản 3,6%; công nghiệp, xây dựng 64,1%; khu vực dịch vụ 25,4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 6,9%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 12 - 13 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng đạt tăng 8,5 - 9,0%/năm giai đoạn 2021-2030.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc trung ương; thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước.

Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, Quy hoạch tỉnh Hưng Yên xác định 03 ngành quan trọng: Công nghiệp; Dịch vụ; Nông nghiệp. Cụ thể, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên bao gồm: Công nghiệp công nghệ cao gắn với công nghệ số (sản xuất các sản phẩm điện tử, viễn thông, chíp bán dẫn, sản phẩm quang học, chế tạo phần mềm, sản phẩm công nghệ số;...); công nghiệp sản xuất thiết bị điện, năng lượng;…

Về ngành dịch vụ, phát triển nhanh và bền vững các loại hình thương mại trên địa bàn tỉnh, xây dựng tỉnh Hưng Yên trở thành trung tâm giao thương và kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội. Củng cố, phát triển các kênh phân phối hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại; kết hợp hài hòa giữa phát triển các loại hình thương mại truyền thống gắn với phát triển thương mại điện tử. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, thân thiện với môi trường, có thương hiệu, mang bản sắc văn hóa của Phố Hiến - Hưng Yên và của vùng đồng bằng sông Hồng, nhất là du lịch văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, sinh thái, nghỉ dưỡng,...đưa Hưng Yên trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao.

Về ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn và tăng cường liên kết theo chuỗi.

Về phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, Quy hoạch tỉnh Hưng Yên xác định tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh theo mô hình “mạng lưới”, đa cực tích hợp, dựa trên cấu trúc khung phát triển gồm: 02 vùng, 02 hành lang, 05 trục, 03 trung tâm. Cụ thể, 02 vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng phát triển phía Nam là vùng phát triển đô thị - khoa học công nghệ - dịch vụ - du lịch và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Vùng phát triển phía Bắc là vùng phát triển đô thị - công nghiệp năng động của tỉnh gắn với Thủ đô Hà Nội, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trục hành lang kinh tế - đô thị quan trọng quốc gia, quốc tế và cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.

Hai hành lang kinh tế là hành lang công nghiệp - đô thị cấp vùng gắn với quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và hành lang văn hóa - lịch sử - sinh thái sông Hồng, phát triển du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái gắn với tuyến đường “Di sản” ven sông Hồng.

Các trục phát triển gồm: Trục phát triển Bắc Nam là trục chính phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Trục phát triển Bắc Nam phía Đông là trục liên kết phía Đông thúc đẩy phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ; Trục vành đai 4 gắn kết cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, kết nối đô thị Văn Giang của Hưng Yên với khu vực Thanh Trì, Thường Tín của Hà Nội; Trục đường nối cao tốc Bô Thời - Dân Tiến là trục kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, theo hướng quốc lộ 21, kết nối đô thị Bô Thời, Khoái Châu của Hưng Yên với đô thị vệ tinh Phú Xuyên và khu vực phía Nam của thành phố Hà Nội; Trục quốc lộ 38, quốc lộ 38B là trục kinh tế kết nối Hưng Yên với tỉnh Hà Nam và tỉnh Hải Dương.

Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh xác định có 03 đô thị trung tâm, trong đó, thành phố Hưng Yên là đô thị trung tâm của tỉnh và vùng phía Nam, đóng vai trò trung tâm hành chính chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ... của tỉnh. Đô thị Văn Giang là đô thị trung tâm vùng phía Bắc, phát triển theo hướng sinh thái, thông minh, hiện đại. Đô thị Mỹ Hào là đô thị trung tâm vùng phía Bắc, phát triển theo hướng đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại và nhà ở theo hướng thông minh, hiện đại./.

Tag:

File đính kèm