Sign In

Công bố Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) năm 2023 của Việt Nam và Đối thoại chính sách hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh SDG năm 2023: Cam kết và hành động của quốc gia

13:17 25/08/2023

(MPI) – Ngày 25/8/2023, tại Hà Nội, Văn phòng Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Công bố Rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023 của Việt Nam và Đối thoại chính sách hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh SDG năm 2023: Cam kết và hành động của quốc gia.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quá trình xây dựng Công bố Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được đóng góp tích cực và sự tham gia sâu rộng của các bên liên quan từ các bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ trong nước, quốc tế, các cơ quan hợp tác phát triển, nhóm công tác UN về SDG, các cơ quan thông tấn, báo chí và các chuyên gia trong nước, quốc tế.

Năm 2023 là năm đánh dấu nửa chặng đường thực hiện SDGs, mặc dù vậy, theo Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về Tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs, ở phương diện toàn cầu, qua rà soát tiến độ thực hiện 140 mục tiêu cụ thể có số liệu cho thấy, chỉ có 12% là đang đúng tiến độ, 50% bị chậm tiến độ và 30% bị thụt lùi so với năm 2015. Theo xu hướng hiện nay, 575 triệu người vẫn tiếp tục phải sống trong cảnh nghèo cùng cực và chỉ khoảng một phần ba các quốc gia sẽ đạt được mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ nghèo vào năm 2030. Thế giới đang quay trở lại mức thiếu đói chưa từng thấy kể từ năm 2005 và giá lương thực ở nhiều quốc gia cao hơn so với giai đoạn 2015-2019. Nếu vẫn tiếp tục xu hướng này, thế giới sẽ phải mất 286 năm để thu hẹp khoảng cách giới trong bảo vệ pháp lý và loại bỏ các luật phân biệt đối xử. Trong lĩnh vực giáo dục, do tác động của thiếu hụt đầu tư, đến năm 2030, khoảng 84 triệu trẻ em sẽ không được đến trường và 300 triệu trẻ em hoặc thanh thiếu niên đi học nhưng sẽ không thể đọc và viết. Những đánh giá trên cho thấy, thế giới đang gặp phải những khó khăn, thách thức rất lớn trong việc hoàn thành SDGs vào năm 2030.

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, hiện nay Liên hợp quốc cùng các quốc gia trên thế giới đang chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh SDG được tổ chức 4 năm một lần vào tháng 9 tới đây. Hội nghị Thượng đỉnh SDG năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và SDG và đưa ra một Tuyên bố chính trị mạnh mẽ, trong đó đề ra một lộ trình để đưa thế giới trở lại đúng hướng, đạt được SDG đúng hạn vào năm 2030.

Theo đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nước đưa ra bản Cam kết quốc gia về đổi mới thực hiện SDG tại Hội nghị tập trung vào các nội dung đó là các lĩnh vực chuyển đổi và đầu tư ưu tiên; lộ trình quốc gia về giảm nghèo và giảm bất bình đẳng; các bước tiếp theo để tăng cường năng lực lập kế hoạch và khung khổ thể chế quốc gia để thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu đặt ra.

Thế giới đang đứng trước những khó khăn, thách thức chưa từng có, song bài học từ thực tế cho thấy rằng việc kiên định theo đuổi và thực hiện SDG là con đường duy nhất để toàn cầu có thể chống chịu và phục hồi trước các thách thức phi truyền thống; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng và hướng tới một xã hội bền vững, thịnh vượng cho tất cả mọi người. Thực tế chứng minh, quá trình xây dựng VNR đã tạo cơ hội để nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan và tăng cường gắn kết chính sách, tăng cường quan hệ đối tác giữa chính phủ và các bên liên quan và cũng là cơ hội để tăng cường việc thu thập và phân tích số liệu thống kê về các chỉ tiêu SDGs.

Hội thảo công bố Rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023 của Việt Nam sẽ giúp cung cấp cho tất cả các bên liên quan một cái nhìn tổng thể, toàn diện nhưng chi tiết về tiến trình thực hiện tất cả 17 mục tiêu SDGs tại Việt Nam, qua đó mở ra cơ hội phối hợp, hợp tác để thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện SDGs trong thời gian tới đây.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc và để chuẩn bị cho việc đưa ra Cam kết quốc gia của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh SDG, tại Hội thảo đã diễn ra Đối thoại chính sách để trao đổi, thảo luận về các lĩnh vực chuyển đổi và đầu tư cần được ưu tiên để tạo động lực cho việc đổi mới và thúc đẩy thực hiện SDG tại Việt Nam.

SDG có tính bao trùm và là mục tiêu chung mà Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới hướng tới. Việt Nam cam kết tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện toàn diện SDG thông qua các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách cấp quốc gia, ngành, địa phương. Song song, Việt Nam sẽ xác định các lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên, có tính lan tỏa trong thực hiện SDG để định hướng cho việc tập trung nguồn lực và huy động sự tham gia của các bên liên quan. Đối thoại chính sách là điểm khởi đầu quan trọng để chuẩn bị cho Cam kết quốc gia về đổi mới thực hiện SDG và các bên cùng chung tay thúc đẩy, đổi mới trong thực hiện nhằm hoàn thành SDG vào năm 2030./.

Tag:

File đính kèm