Sign In

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội

19:28 12/10/2023

(MPI) - Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 27, chiều ngày 12/10/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự và trình bày Báo cáo.

Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Tham dự phiên họp có lãnh đạo các bộ, ngành: Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị: 05 quan điểm, 03 mục tiêu, chỉ tiêu, các chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách khác để hỗ trợ thực hiện Chương trình, phương án huy động nguồn lực, các cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án đầu tư thuộc Chương trình. Căn cứ Nghị quyết này, Chính phủ đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm triển khai, cụ thể hóa các quyết sách tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Nhìn chung, sau hơn 1,5 năm triển khai, với sự giám sát và đồng hành, hỗ trợ của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai các nhiệm vụ được giao, hoàn thành khối lượng lớn công việc. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan xây dựng, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền đầy đủ 17 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn  để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là nỗ lực rất lớn khi nhiều chính sách có nội dung mới, chưa từng có tiền lệ và chưa từng được triển khai trước đây nhưng đã được nghiên cứu, xây dựng theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được đánh giá tác động trước khi ban hành. Các chính sách mang tính nhân văn, hướng đến việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp, đã phát huy hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Về Chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí: Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

Theo đó, đã thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; giảm thuế xuất nhập khẩu trong năm 2022; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022.

Chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: Nghị quyết số 43/2022/QH14 quy định: Hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Chính sách cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội: Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định: Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030...

Về Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định: Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm (sử dụng khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021).

Liên quan đến chính sách đầu tư công và đầu tư phát triển khác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã xây dựng danh mục và mức vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và các nguyên tắc, tiêu chí, đối tượng bố trí vốn; khẩn trương, nỗ lực hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình trong thời gian ngắn, kể cả các dự án quan trọng quốc gia, quy mô lớn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, địa phương; đã phân bổ chi tiết vốn Chương trình trong kế hoạch các năm 2022, 2023 gần 154 nghìn tỷ đồng, góp phần đẩy nhanh việc khởi công xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đường cao tốc, cầu khẩu độ lớn... .

Đối với việc sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp: Việc báo cáo trích lập, điều chuyển và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được tổng hợp theo niên độ với độ trễ 01 năm nên hiện nay chưa có số liệu thực hiện; việc hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông đang thực hiện theo các nội dung tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến những tồn tại, hạn chế như việc xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai chính sách thuộc Chương trình đã được triển khai tích cực, tuy nhiên một số văn bản còn chậm so với yêu cầu đề ra; Công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng Chương trình chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai; trong khi tình hình thế giới, trong nước từ đầu năm 2022 đến nay thay đổi nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới, không thể dự báo; Việc thực hiện và giải ngân một số chính sách đã được ban hành còn thấp so với quy mô nguồn lực được giao; Việc triển khai các chính sách hỗ trợ ở một số nơi, một số chỗ, một số thời điểm còn chưa linh hoạt, chủ động, quyết liệt; Việc phân bổ và giải ngân nguồn vốn của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án còn chậm, tạo áp lực giải ngân lớn, nhất là trong kế hoạch năm 2023.

Về bài học kinh nghiệm, Bộ trưởng nhấn mạnh: theo dõi sát tình hình, có phương án ứng phó, điều chỉnh kịp thời với các tính huống cấp bách, bất ngờ; nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, dự báo tình hình, các rủi ro, bất ổn có thể phát sinh; Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Nâng cao hiệu quả công tác dự báo, xác định đối tượng thụ hưởng, lường trước các khó khăn, vướng mắc, chủ động giải pháp trong xây dựng và thực hiện chính sách; Nâng cao tính chủ động, phối hợp chặt chẽ, linh hoạt, đồng bộ và thống nhất trong tham mưu, xây dựng, thực hiện và thông tin, truyền thông về chính sách; đẩy mạnh phân công, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; Chủ động phối hợp chặt chẽ với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong xây dựng, ban hành, thực hiện, giám sát và đánh giá tình hình triển khai, kịp thời đề xuất phương án điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các hệ thống cơ sở dữ liệu, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm triển khai các chính sách hỗ trợ nhanh, hiệu quả, đúng đối tượng.

Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã được Quốc hội thông qua, căn cứ tình hình triển khai thực tế và kiến nghị của các cơ quan liên quan, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết nghị một số nội dung theo thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 6 Nghị quyết số 43/2022/QH15 đối với một số vấn đề cấp bách, cần triển khai ngay; Cho ý kiến để Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định đối với một số nội dung khác.

ại phiên họp, đại diện các bộ, ngành liên quan và các đại biểu dự họp đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung của báo cáo; Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung được nêu.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong điều kiện kinh tế - xã hội đất nước vô cùng khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Nghị quyết được ban hành tại Kỳ họp bất thường với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ, đã giúp cho việc phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tốt, đưa đất nước ra khỏi giai đoạn rất khó khăn, được cử tri, nhân dân, các doanh nghiệp đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, trách nhiệm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, kiểm soát dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia, chỉnh lý hoàn thiện báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và xây dựng dự thảo Nghị quyết gửi cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế thẩm tra, chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới./.

Tag:

File đính kèm