Sign In

Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội

08:47 01/11/2023

(MPI) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội dành 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Ảnh: Quochoi.vn

Phiên họp diễn ra dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tham gia đoàn chủ tọa.

Tại phiên thảo luận chiều ngày 31/10/2023, đã có 24 đại biểu phát biểu, 02 đại biểu tranh luận; trong đó nhiều ý kiến của đại biểu cơ bản nhất trí với các Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá các Báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, trách nhiệm, đánh giá chi tiết, đầy đủ, căn cơ, bài bản, phân tích rõ những kết quả đạt được, cũng như nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại và đề ra những giải pháp khả thi trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương trong việc điều hành nền kinh tế; sự vào cuộc, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, trong bối cảnh rất khó khăn, đã nỗ lực thực hiện đồng bộ, linh hoạt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và đạt được các kết quả quan trọng, đáng khích lệ trong năm 2023.

Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ, sự ủng hộ của Quốc hội rất rõ nét, thiết thực, hiệu quả, kịp thời. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; độ mở, động lực tăng trưởng của nền kinh tế; những khó khăn, thách thức; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

Về các giải pháp trong thời gian tới, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất với 12 nhóm giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ; đồng thời đề xuất bổ sung nhiều giải pháp về an sinh xã hội; việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, đãi ngộ cho nhân viên y tế; chính sách phát triển văn hóa, giáo dục; xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng; cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh đầu tư công; mua sắm tài sản công; hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ cấu nguồn vốn; nới lỏng điều kiện cho vay tín dụng; phát triển công nghệ kỹ thuật; triển khai các dự án công trình giao thông; cải cách thủ tục hành chính, tiền lương; hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; đẩy mạnh liên kết vùng; có biện pháp căn cơ, toàn diện để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn; nâng cao năng lực về dự báo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; đẩy mạnh hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, qua đó kiến nghị giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả.

Về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15, các ý kiến đại biểu cho rằng kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và cơ bản đáp ứng được yêu cầu đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kiến tạo, phát triển đất nước. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa cao, còn tồn tại những văn bản mâu thuẫn, chồng chéo; công tác ban hành văn bản quy định chi tiết chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các đại biểu cũng kiến nghị đưa nội dung đánh giá kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Hôm nay (ngày 01/11), Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường tiếp tục thảo luận về  đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tại phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Theo báo cáo của Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc ngày 23/10 được Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày, kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16% . Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD.

An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm ; thị trường lao động phục hồi tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh; tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, quyết liệt triển khai Đề án 06 về cơ sở dữ liệu dân cư. Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kém hiệu quả. Tiếp tục xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là 05 ngân hàng yếu kém. Tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tiếp tục xử lý hiệu quả bước đầu 8/12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ đã kéo dài nhiều năm; hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều dự án điện lớn, quan trọng sau thời gian dài gián đoạn./.

Tag:

File đính kèm