Sign In

Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì cuộc họp về triển khai kế hoạch hành động về phòng, chống rửa tiền tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt

18:36 31/10/2023

(MPI) - Chiều ngày 31/10/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì cuộc họp về xây dựng kế hoạch hành động thực hiện những nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ về thực Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện theo cam kết của Việt Nam với lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF).

Tham dự cuộc họp có đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, triển khai Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 12/5/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền và Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025.

Theo Kế hoạch hành động quốc gia mà Chính phủ đã cam kết thực hiện do FATF chỉ định gồm 17 hành động với các mốc thời gian cụ thể cần thực hiện trong vòng hai năm (6/2023-6/2025) với những nội dung lớn, phức tạp, đòi hỏi phải sửa đổi khung khổ pháp lý và minh chứng được hiệu quả thực hiện. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng cơ chế cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền truy cập kịp thời vào cuộc thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân (và thỏa thuận pháp lý nếu phù hợp) và áp dụng các biện pháp xử lý một cách phù hợp, hiệu quả, tương xứng và có tính chất răn đe đối với các hành vi vi phạm.

The báo cáo kết quả nghiên cứu về công tác PCRT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là thành viên của Nhóm Châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) từ năm 2007, Việt Nam đã tham gia vào các vòng đánh giá đa phương của APG theo phương pháp luận đánh giá dựa trên 40 khuyến nghị của FATF.

Theo kết quả báo cáo tại Báo cáo đánh giá đa phương về PCRT, Việt Nam đã bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường và quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của FATF trong thời hạn 01 năm (từ tháng 3/2022-3/2023) và khắc phục những thiếu hụt được xác định trong báo cáo đánh giá đa phương.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc thời hạn này, nước ta vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về cải thiện khuôn khổ pháp lý. Do đó, ngày 30/6/2023, FATF đã chính thức đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tăng cường (hay còn gọi là danh sách xám) và phải ban hành kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện 17 hành động được FATF chỉ định với các mốc thời hạn cụ thể, nội dung lớn, phức tạp.

Khi một quốc gia bị đưa vào Danh sách xám sẽ bị ảnh hưởng đến luồng vốn đầu tư nước ngoài; ảnh hưởng đến giao dịch tài chính. Các tổ chức tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…) tại quốc gia này sẽ bị các nước tính phí cao hơn và sẽ phải chịu sự rà soát tăng cường. Chi phí ước tính có thể lên tới hàng triệu USD dẫn đến khó khăn trong vay nợ, tăng chi phí vay từ thị trường quốc tế, khó vay ưu đãi từ IMF, WB, ADB.

Bên cạnh đó, khi bị đưa vào Danh sách xám, EU, các ngân hàng châu Âu sẽ không thực hiện mở tài khoản cho các công ty con của quốc gia đó hoặc áp dụng các biện pháp giám sát tăng cường đối với các cá nhân, tổ chức của quốc gia đó. Hệ luỵ là không nhỏ, vì quan hệ kinh tế thương mại, tài chính, ngân hàng của Việt Nam với EU là rất lớn. Và việc đưa vào Danh sách xám làm giảm vị thế chính trị, danh tiếng, hình ảnh của quốc gia đối với quốc tế, tác động tiêu cực đến hoạt động đối ngoại, hệ thống tài chính - ngân hàng.

Đề cập về rủi ro nếu không khắc phục các khuyến nghị của FATA về việc thu thập thông tin chủ sở hữu hưởng lợi, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhấn mạnh, các tổ chức quốc tế (IMF, OECD…) và các sáng kiến, thỏa thuận hợp tác kinh tế quốc tế đều công nhận đây là những chuẩn mực quốc tế về PCRT và đưa vào các tài liệu, văn kiện và tuyên bố, thỏa thuận quốc tế có liên quan.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Tại cuộc họp, đại biểu đã cho ý kiến vào các nội dung cụ thể liên quan đến công tác PCRT; nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần thực hiện để đáp ứng khuyến nghị của APG/FATF, đặc biệt là cần sớm ban hành Kế hoạch hành động thực hiện các nội dung thuộc phạm vi, chức năng của Bộ được giao tại Kế hoạch hành động quốc gia được ban hành tại Quyết định số 941/QĐ-TTg.

Việc xây dựng Kế hoạch nhằm xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt có hiệu quả ở Việt Nam vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế; Thực hiện trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong Nhóm APG; Bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, góp phần phòng, chống tội phạm tham nhũng, rửa tiền, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính và các đối tượng báo cáo khác, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu; nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng và cần ưu tiên tập trung triển khai. Đồng thời đề nghị đơn vị được giao chủ trì (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để sớm hoàn thiện Kế hoạch hành động trình Bộ trưởng ban hành Quyết định, trong đó cần quy định rõ sự phân công trách nhiệm của từng đơn vị liên quan để phối hợp, thực hiện./. 

Tag:

File đính kèm