Sign In

Thứ trưởng Trần Duy Đông tham dự phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

15:32 15/12/2023
(MPI) - Ngày 15/12/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tham dự phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định; sự tham dự của đại diện các bộ, ngành liên quan là thành viên Hội đồng; chuyên gia phản biện quy hoạch.

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu tại phiên họp, thay mặt cơ quan thường trực Hội đồng, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ là quy hoạch vùng thứ ba được Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định (sau quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung), được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, hiện nay đã có 108/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch đã hoàn thành việc lập, trình thẩm định; đến nay đã có 19 quy hoạch cấp quốc gia, 01 quy hoạch vùng và 33 quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên cơ sở nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 14/4/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức điều tra, thu thập số liệu, phân tích và đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011-2020 và triển khai lập quy hoạch.

Trong quá trình lập quy hoạch vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các Hội nghị giữa đơn vị tư vấn với các chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức các đoàn khảo sát và làm việc với 06 địa phương trong vùng; làm việc với các cơ quan, đơn vị chuyên môn của các Bộ, ngành trung ương để thống nhất nội dung phát triển ngành trên địa bàn vùng hoàn thiện dự thảo quy hoạch vùng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản và gửi Hồ sơ quy hoạch vùng để xin ý kiến Mặt trận Tổ quốc, các Bộ, ngành Trung ương, 06 địa phương trong vùng và 04 địa phương liền kề với vùng. Song song với quá trình lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ ngày 26/11/2023 tại Thành phố Hồ chí Minh để xin ý kiến tham gia đối với quy hoạch.

Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng điều phối vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để trình Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng. Nội dung quy hoạch vùng được hoàn thiện, trình Hội đồng thẩm định tập trung vào một số nội dung cốt lõi như quan điểm là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030; phát triển với mục tiêu tăng trưởng cao, dựa vào 3 trụ cột chính: con người - thiên nhiên - truyền thống văn hóa, lịch sử; lấy con người là trung tâm, thiên nhiên là nền tảng, truyền thống văn hóa lịch sử là động lực cho phát triển.

Phát triển vùng thành một trung tâm, đầu tàu, mô hình mẫu về phát triển kinh tế - xã hội và là trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội của đất nước; Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, công nghệ cao; phát triển nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Về cấu trúc phát triển gồm 03 tiểu vùng; 06 hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ; 02 hành lang xanh - sinh thái gắn với các lưu vực sông; vùng động lực quốc gia với Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng; Phân bố lại không gian công nghiệp - đô thị gắn với chuyển đổi các khu công nghiệp theo mô hình hiện đại, sinh thái, tuần hoàn.

Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp, phát triển dịch vụ tài chính theo hướng đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính toàn cầu.

Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng kết nối như: đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị nội vùng, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Cái Mép - Thị Vải; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng, kết nối với khu vực. Tập trung xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại phiên họp, Hội đồng thẩm định đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt về các nội dung chính của Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo báo cáo, đây là vùng đầu tàu kinh tế của cả nước, có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước; Tỷ lệ đô thị hóa đứng đầu cả nước (67,3% năm 2020); trong đó Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh đạt trên 80%; Hệ thống khu, cụm công nghiệp phát triển bậc nhất cả nước, gắn với các hành lang kinh tế; Đứng đầu về số khu công nghiệp; đến năm 2020, có 114 KCN đã thành lập (chiếm 30,6% cả nước). Vùng Đông Nam Bộ là trung tâm dịch vụ lớn nhất cả nước về tài chính - ngân hàng, thương mại, logistics… Trung tâm về đào tạo, y tế, khoa học công nghệ; Lĩnh vực y tế chuyên sâu có những thành tựu ngang tầm khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại; Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, thường xuyên tắc nghẽn giao thông; Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý; phụ thuộc nhiều vào FDI; Hạ tầng xã hội quá tải, chưa đáp ứng yêu cầu; Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác thải chậm được cải thiện; Mô hình tăng trưởng chậm đổi mới; Hạ tầng cấp vùng, liên vùng còn yếu, chi phí logistics cao; Phát triển các hành lang kinh tế, vùng động lực chưa rõ nét; Hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu; Hạ tầng xã hội quá tải; Ô nhiễm môi trường, ngập úng là vấn đề bức xúc; Tư duy phát triển khép kín, cục bộ; Cơ chế, chính sách và phân cấp, phân quyền chưa tương xứng.

Báo cáo quy hoạch đưa ra quy hoạch đưa ra mục tiêu tổng quát: Vùng Đông Nam Bộ phát triển năng động, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số. Đến năm 2030 đạt ngưỡng thu nhập cao. Trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Dự thảo đưa ra quan điểm phát triển: Trung tâm hàng đầu cả nước và khu vực; Đổi mới mô hình tăng trưởng; Đổi mới tư duy và tầm nhìn; Huy động tối đa nguồn lực; Con người là trung tâm của phát triển. Theo đó, Vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của cả nước và khu vực Đông Nam Á; Chủ động nắm bắt cơ hội; có cơ chế, chính sách hình thành các động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới; Ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao. Kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển; Huy động tối đa nguồn nội lực cho phát triển, kết hợp hài hòa với ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững.

Hội đồng thẩm định đã tiến hành đã tập trung cho ý kiến vào các nội dung của quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho rằng, nội dung quy hoạch đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng công phu, nghiêm túc, huy động được trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức tư vấn hàng đầu trong nước và quốc tế tham gia trong quá trình lập và hoàn thiện quy hoạch; thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu phát triển và định hướng phát, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội của quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội.

Quy hoạch vùng có ý nghĩa quan trọng trong việc “chủ động kiến tạo phát triển và tăng cường liên kết vùng." Đây là bản quy hoạch vùng được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển vùng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của đất nước, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Sau khi cho ý kiến, Hội đồng thẩm định đã tiến hành bỏ phiếu thông qua quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đối với việc cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch chuyên ngành quốc gia; đồng thời nhấn mạnh đến một số nội dung cụ thể nhằm đổi mới cơ cấu kinh tế vùng Đông Nam Bộ, khai thác tối đa lợi thế khác biệt như lĩnh vực công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, năng lượng xanh, công nghệ cốt lõi… Nông nghiệp hướng vào công nghệ cao, tạo ra không gian xanh, gắn với du lịch; thu hút các dự án FDI công nghệ cao, kinh tế tri thức; giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ…

Trao đổi về lộ trình triển khai Quy hoạch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh hai điểm: Vùng Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm những cơ chế, chính sách cần đổi mới, tạo đột phá; đồng thời có tiêu chí lựa chọn những nhiệm vụ, dự án, công trình ưu tiên "đầu tư cho ra tấm, ra món" để phát huy tối đa lợi thế của vùng, mang lại lợi ích chung cho các địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến thành viên Hội đồng, chuyên gia, nhà khoa học... hoàn thiện Quy hoạch, bảo đảm chất lượng, mang theo tư duy đổi mới, đột phá với sự liên kết giữa các quy hoạch chuyên ngành, địa phương; đồng thời nhấn mạnh đến một số nội công việc cần tiếp tục tập trung thực hiện, hoàn thiện quy hoạch./.

Tag:

File đính kèm