Sign In

Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng

16:04 14/03/2024
(MPI) - Chiều ngày 13/3/2024, tại thành phố Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đồng chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chủ trì Hội nghị có Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn.

Thứ trưởng Trần Duy Đông, Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn. Ảnh: dangbodanang.vn

Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh ủy vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương thuộc thành phố Đà Nẵng.

Hội nghị là cơ hội để thành phố Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện đề án để báo cáo Bộ Chính trị ngay trong tháng 3/2024. Trong đó, tập trung nêu bật những kết quả đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW; chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan cũng như các bài học kinh nghiệm. Đặc biệt, trên cơ sở này sẽ tham mưu Bộ Chính trị ban hành kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW. Trong đó, đề xuất Bộ Chính trị ủng hộ, thống nhất chủ trương chỉ đạo các cơ quan Trung ương quan tâm, xem xét ban hành một số cơ chế, chính sách mới, mang tính đặc thù tạo động lực phát triển mới cho sự phát triển phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của thành phố.

Dự thảo báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW được trình bày tại Hội nghị tập trung nêu bật những kết quả đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW; chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng như các bài học kinh nghiệm; đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tạo động lực phát triển mới cho sự phát triển phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.

Để phát triển Thành phố Đà Nẵng phù hợp với chủ trương, định hướng mới của Đảng về phát triển đất nước,nhất là trong bối cảnh, tình hình mới, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là căn cứ chính trị quan trọng để Chính phủ, Quốc hội và các Bộ, ngành nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố trong giai đoạn mới; là nền tảng để tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thành phố với kỳ vọng tạo ra xung lực mới để Đà Nẵng tiếp tục tạo kỳ tích lần thứ hai về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh thành Đà Nẵng đạt được một số kết quả quan trọng như kinh tế có bước phát triển; quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng; tăng trưởng kinh tế được duy trì, chất lượng tăng trưởng được cải thiện với năng suất lao động cao hơn bình quân cả nước và cao nhất trong vùng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại; một số ngành, lĩnh vực có bước phát triển khá, hướng tới là trung tâm vùng, nhất là thương mại, dịch vụ, du lịch biển; không gian và tiềm năng kinh tế biển từng bước được khai thác và phát huy hiệu quả; hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh gắn với thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng còn nhiều khó khăn; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đạt rất thấp so với mục tiêu đề ra; Phát triển kinh tế Thành phố chưa tương xứng với vai trò trung tâm kinh tế của cả nước; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả còn thấp, chưa tạo ra được sự phát triển ổn định và bền vững cho sự phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông không theo kịp với sự phát triển của các phương tiện giao thông, nhiều nút giao thông với mật độ lớn và khoảng cách gần trong khi khó nâng cấp mở rộng; liên kết giữa Thành phố với các địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ còn nhiều bất cập, vai trò trung tâm vùng của Thành phố chưa được phát huy;…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia, phối hợp chặt chẽ cùng với Ban Kinh tế Trung ương trong quá trình xây dựng Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị;  đồng thời nêu một số giải pháp đột phá trong thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư cho thành phố Đà Nẵng thời gian tới để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đúng như vị trí và vai trò đã được đề ra tại NQ43 và NQ26 của Bộ Chính trị.

Theo đó, thành phố Đà Nẵng cần rà soát, xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội phù hợp với yêu cầu và đặc thù của địa phương; ưu tiên vốn ngân sách đầu tư, hỗ trợ và cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bảo đảm là đòn bẩy đối với các lĩnh vực, dự án trọng điểm tạo bước đột phá trong phát triển; tạo môi trường và điều kiện tốt nhất để thu hút một cách hiệu quả nhất các nguồn lực đầu tư xã hội cả trong nước và quốc tế. Đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng; nghiên cứu đưa lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo vào chương trình xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế của thành phố, đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn trong và ngoài ngân sách có hiệu quả theo tinh thần “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; tập trung thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo bốn định hướng lớn là: chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ và lao động có kỹ năng cao; tăng cường hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước, cụ thể như đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư đối với các dự án lớn; tăng cường xúc tiến đầu tư trực tuyến, xúc tiến tại chỗ, phát huy hiệu quả của các kênh xúc tiến thông qua tổ chức, doanh nghiệp tư vấn quốc tế để chủ động tiếp cận và vận động Chính phủ các nước, các tập đoàn lớn nhằm thu hút các dự án lớn, quan trọng. Lấy công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ làm hạt nhân; cần tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, gắn với yêu cầu chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Phối hợp, liên kết với các trung tâm xúc tiến đầu tư trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hiệp hội ngành hàng, tổ chức quốc gia và quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài; Đẩy mạnh công tác thông tin - truyền thông đến với các đối tác, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; Xây dựng chiến lược mở rộng thị trường mục tiêu đối với từng lĩnh vực như phát triển sản phẩm du lịch mới, tổ chức xúc tiến thương mại, lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến xuất khẩu.

Cùng với đó, thành phố Đà Nẵng cần đẩy mạnh thu hút vốn ODA tập trung cho các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, hạ tầng đô thị trọng điểm, hỗ trợ đầu tư các ngành nông thôn, y tế, giáo dục, xoá đói, giảm nghèo bảo đảm đạt mục tiêu về hiệu quả kinh tế - xã hội, tác động lan tỏa rộng trên các lĩnh vực và phạm vi thụ hưởng; tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế, trong đó tập trung các giải pháp như thúc đẩy phát triển kinh tế số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh; thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế của thành phố.

Tăng cường cải cách hành chính thông qua việc tiếp tục cải thiện, nâng cao các chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp thành phố (PCI Index), Cải cách thủ tục hành chính (PAR Index), Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp thành phố (PAPI Index) và Mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) nhằm đạt kết quả thực chất, tốt hơn nữa góp phần nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày19/6/2020, báo cáo Chính phủ trước ngày 15/3/2024. Trong đó, tập trung vào các cơ chế, chính sách mới tạo tiền đề phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; tập trung phát triển nhanh kinh tế biển, dịch vụ du lịch và logictic theo đó phát triển các khu kinh tế biển gắn với hành lang kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực cảng biển để trở thành vùng kinh tế động lực, phát huy tốt vai trò của Thành phố là ‘‘cầu nối” thị trường trong nước với thị trường khu vực và quốc tế…

“Đây là những nội dung, nhiệm vụ đã có chủ trương và định hướng chiến lược của Bộ Chính trị trong việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, đảm bảo tạo thuận lợi cho thành phố Đà Nẵng trong việc huy động nguồn lực đầu tư, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương, thực hiện sứ mệnh và vai trò đầu tàu tăng trưởng và phát triển của khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu và nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã phát biểu, đánh giá những thành tưụ, bài học kinh nghiệm; lưu ý các nguyên nhân dẫn đến những thành công bước đầu và những tồn tại, hạn chế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW; đồng thời nêu lên những kiến nghị, đề xuất để Đà Nẵng tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương đã quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW trong thời gian qua. Đây là văn kiện chính trị có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng lớn để thành phố Đà Nẵng phát triển trong giai đoạn mới.

Nhận thức được ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương tập trung quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết và bước đầu đã thu được một số kết quả quan trọng, nhất là phối hợp với các cơ quan Trung ương trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, quy hoạch như Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… Đồng thời, thành phố cũng bám sát và gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều định hướng quan trọng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các cấp, các ngành trong việc thực Nghị quyết số 43-NQ/TW nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới./.

Tag:

File đính kèm