Sign In

Sớm đưa Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn vào triển khai nhằm phát huy lợi thế nguồn nhân lực để phát triển

15:43 24/04/2024
(MPI) - Phát biểu tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” được xây dựng vào thời điểm hết sức có ý nghĩa và kịp thời, thể hiện tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.

Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối với Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều ngày 24/4/2024 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tham dự Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Phát huy được lợi thế nguồn nhân lực để phát triển

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian xây dựng Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính và các cơ quan liên quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; tổ chức nghiên cứu hết sức khoa học, bài bản, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xu hướng phát triển và cung cầu nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn thế giới; tổ chức khảo sát hơn 100 viện, trường, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế; lấy ý kiến hàng trăm lượt chuyên gia, đặc biệt các chuyên gia người Việt Nam đang công tác trong ngành bán dẫn trên thế giới và các cơ quan liên quan thông qua phỏng vấn trực tiếp, thảo luận nhóm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng càng sớm đưa Đề án vào triển khai thì sẽ càng tăng cơ hội cho chúng ta phát huy được lợi thế nguồn nhân lực để phát triển. Vì vậy, chúng ta cũng không quá cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của thực tiễn trong nước và thế giới. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh một số nội dung cốt lõi của Đề án. Theo đó, về cách tiếp cận, trong quá trình xây dựng Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp cận theo phương diện đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn. Sản phẩm của chương trình đào tạo là đội ngũ kỹ sư chất lượng cao tốt nghiệp đại học (không bao gồm hệ cao đẳng) từ các ngành gần, ngành phù hợp, ngành đúng với công nghiệp bán dẫn. Để triển khai Đề án hiệu quả cần có sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, hỗ trợ của quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Về mục tiêu, Đề án xác định đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất. Đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành công nghiệp bán dẫn; tối thiểu 5.000 kỹ sư trong số đó có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo. Đào tạo được khoảng 1.300 giảng viên có trình độ quốc tế.

Để xác định mục tiêu này, Ban soạn thảo đã tổng hợp các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu thực tế của thị trường hiện tại và trong giai đoạn 5 - 20 năm tới. Đồng thời, căn cứ trên kết quả khảo sát năng lực đào tạo của các trường đại học lớn tham gia đào tạo các ngành gần, ngành phù hợp, ngành đúng để chuyển đổi sang ngành công nghiệp bán dẫn như Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT…, mỗi trường đang có khoảng 3.000 - 6.000 sinh viên ngành phù hợp tốt nghiệp hằng năm, thì con số 50.000 kỹ sư đến năm 2030 hoàn toàn khả thi, thậm chí còn có thể đào tạo được nhiều hơn.

Ngoài ra, hiện nay việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn để phục vụ phát triển AI đang ngày càng phổ biến và xu thế chung không thể đảo ngược với sự tham gia của các tập đoàn lớn như NVIDIA, Google, Meta, Apple, Microsoft… Vì vậy, trong số 50.000 kỹ sư cần có ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ chuyên môn sâu về AI.

Theo báo cáo của Hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) cho thấy, giá trị của công đoạn thiết kế chiếm 53%, công đoạn đóng gói kiểm thử chiếm 6%, công đoạn sản xuất và công đoạn khác chiếm khoảng 41%. Đồng thời, đầu tư cho công đoạn thiết kế chỉ chiếm chưa đến 20%, đầu tư cho sản xuất thì rất lớn và đòi hỏi nhiều cơ chế chính sách vượt trội. Trong khâu đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác hiện nay chúng ta đang có lợi thế với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp FDI lớn và cần nhiều nguồn nhân lực, mặc dù công đoạn này chiếm giá trị không lớn trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn nhưng so với Việt Nam thì có giá trị rất đáng kể, đặc biệt với công nghệ đóng gói tiên tiến hiện nay đang là lĩnh vực quan trọng mà nhiều nền kinh tế, doanh nghiệp muốn tham gia vào.

Vì vậy, với bối cảnh hiện nay, giai đoạn đầu Việt Nam tập trung đào tạo nguồn nhân lực để tham gia công đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm thử và một số công đoạn khác liên quan đến sản xuất thiết bị, vật liệu, hóa chất là phù hợp, Bộ trưởng cho biết.

Về đào tạo, chủ yếu là hình thức đào tạo ngắn hạn, nâng cao, chuyển đổi từ các ngành gần, ngành phù hợp sang ngành công nghiệp bán dẫn. Song song đó, hình thức đào tạo chính quy cũng sẽ được triển khai trên cơ sở hợp tác chặt chẽ 03 nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp và liên kết quốc tế trong xây dựng, nhập khẩu chương trình, thu hút chuyên gia quốc tế về Việt Nam giảng dạy.

Giai đoạn đầu tập trung đào tạo đội ngũ giảng viên chuyên sâu làm tiền đề để triển khai chương trình đào tạo cho sinh viên. Tổ chức đào tạo vừa phân tán vừa tập trung, theo đó việc đào tạo sinh viên chủ yếu tổ chức tại các trường, nhưng việc đào tạo cho giảng viên có thể tổ chức tập trung theo 03 miền Bắc - Trung - Nam để làm cơ sở nhân rộng trên quy mô rộng hơn. Chương trình đào tạo cần chuẩn hoá, đồng nhất theo tiêu chuẩn quốc tế. Giảng viên tham gia đào tạo đến từ các trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước. Người học bao gồm sinh viên, học viên đã, đang học các ngành gần chuyển đổi sang hoặc học sinh tốt nghiệp phổ thông tham gia hệ đào tạo dài hạn.

Để thực hiện được mục tiêu, sau khi Đề án được phê duyệt, các trường, viện, cơ sở đào tạo tổ chức đăng ký các chỉ tiêu đào tạo trong số 50 nghìn kỹ sư và xây dựng kế hoạch, nguồn lực để thực hiện đến năm 2030.

Về cơ sở vật chất, trên cơ sở kinh nghiệm thành công của các quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, để hỗ trợ cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần tối thiểu: 04 trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia với các trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế đặt tại các đại học quốc gia, đại học vùng ở 03 miền Bắc, Trung, Nam và tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Các trung tâm bán dẫn dùng chung có chức năng hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu, phát triển và ươm tạo doanh nghiệp; và khoảng 18 trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn ở mức cơ bản tại 18 trường đại học kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu. Các trung tâm này có thể được nâng cấp từ các trang thiết bị hiện có của các trường, các đơn vị hoặc đầu tư mới theo yêu cầu cụ thể từng trường hợp.

Về nguồn lực, bao gồm: nguồn ngân sách trung ương, địa phương, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, cơ sở hỗ trợ đào tạo và các cơ quan, tổ chức, các nguồn vốn ODA và vốn tài trợ trong nước, nước ngoài, các nguồn vốn hợp pháp khác được huy động từ tư nhân để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, dự án thuộc phạm vi Đề án.

Trong đó, nguồn vốn đầu tư ban đầu của Nhà nước cho việc hình thành các cơ sở vật chất, đào tạo giảng viên, thu hút chuyên gia đóng vai trò quyết định, nguồn lực tổ chức đào tạo đến từ các viện, trường, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và xã hội hoá là chủ yếu. Theo dự tính trong Đề án, để thực hiện mục tiêu đề ra, tổng mức kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án đến năm 2030 khoảng 26.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 17.000 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa khoảng 9.000 tỷ đồng. Mức kinh phí này được tính toán dựa trên mức chi phí trang thiết bị, nhân lực theo định mức và thông lệ trên thế giới, phân chia theo các hạng mục công việc cụ thể của từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Xây dựng hệ thống các giải pháp, nhiệm vụ toàn diện, khả thi để triển khai Đề án

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để thực hiện được mục tiêu của Đề án và có cơ sở xây dựng hệ thống các giải pháp, nhiệm vụ toàn diện, khả thi để triển khai Đề án cần quán triệt và thống nhất một số quan điểm chỉ đạo cụ thể. Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn phải phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam và xu hướng, bối cảnh phát triển kinh tế thế giới; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia đào tạo, tuyển dụng nhân sự chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là ưu tiên hàng đầu để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.

Thứ hai, có cơ chế chính sách, giải pháp đột phá, thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành; góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế bền vững và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.

Thứ ba, đầu tư, hỗ trợ ban đầu của Nhà nước là yếu tố quan trọng cho sự thành công của ngành công nghiệp bán dẫn và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Nhà nước xem xét đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc phạm vi Đề án, khuyến khích các hình thức hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng quỹ học bổng, đầu tư trang thiết bị, hạ tầng cần thiết, các trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp vi mạch bán dẫn tại các viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, trường đại học đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn.

Thứ tư, đào tạo phải dựa trên việc hợp tác 3 bên Nhà nước - Viện nghiên cứu, trường đại học - Doanh nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo. Gắn việc học đi đôi với thực hành và đảm bảo đầu ra cho các học viên có thể làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt; viện -trường đóng vai trò trung tâm của quá trình đào tạo; doanh nghiệp đóng vai trò đồng hành, hỗ trợ trong quá trình xây dựng giáo án, đào tạo, bố trí thực tập và đảm bảo đầu ra.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án: Đào tạo giảng viên, sinh viên hệ chính quy; đào tạo nhân lực trình độ sau đại học; đào tạo hệ ngắn hạn, chuyển tiếp; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo; Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển; Đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo; Thu hút chuyên gia, nhân tài; Tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và Các giải pháp về hợp tác quốc tế, truyền thông và hỗ trợ triển khai khác.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, đã có nhiều giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động triển khai trước để sớm hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra trong Đề án. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước như Trường đại học Bang Arizona, các công ty Samsung, Cadence, Synopsys, Siemens, Google, Meta, FPT, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội và các chuyên gia người Việt Nam tại Sillicon Valley… để triển khai các chương trình đào tạo bán dẫn, trí tuệ nhân tạo cho giảng viên, sinh viên.

Xây dựng và phát triển các trung tâm đào tạo thiết kế chip, trí tuệ nhân tạo tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; cung cấp các công cụ thiết kế chip của Cadence, Siemens cho các cơ sở đào tạo; tổ chức các hoạt động tìm kiếm các giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo… Nhân đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao và ghi nhận sự tham gia hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan, doanh nghiệp, đối tác nêu trên cho hoạt động phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.

Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, trường đại học để triển khai Đề án

Để triển khai thành công Đề án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, trường đại học và các cơ quan liên quan và dự kiến được phân công thực hiện những nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, điều phối việc tổ chức triển khai Đề án; trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và làm Tổ trưởng Tổ công tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn trong Ban Chỉ đạo; chủ trì điều phối việc xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện Đề án như cơ chế thu hút và trọng dụng nhân tài; cơ chế đặt hàng của nhà nước, liên kết nhà nước, viện-trường và doanh nghiệp; cơ chế hợp tác công tư; chương trình huy động, phân bổ các nguồn lực hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo...

Các địa phương rà soát, nghiên cứu, bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ học bổng, chi phí đào tạo cho sinh viên địa phương học ngành bán dẫn (nghiên cứu cơ chế như sinh viên có thể vay ưu đãi…); Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp ngành bán dẫn của địa phương và các cơ sở đào tạo để hỗ trợ công tác đào tạo cụ thể; Bám sát mục tiêu, định hướng và giải pháp của Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư một số trang thiết bị phục vụ đào tạo và triển khai các chương trình, dự án đào tạo thực hành ngắn hạn, đào tạo nâng cao về ngành công nghiệp bán dẫn.

Các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ sở đào tạo, hỗ trợ đào tạo: lên kế hoạch, chủ động đăng ký chỉ tiêu đào tạo, tổ chức truyền thông, tuyển sinh, nâng cao nhận thức, ưu tiên bố trí ngân sách từ các nguồn thu hợp pháp triển khai đào tạo theo mục tiêu đề ra; Chủ động tham gia và tăng cường hợp tác chặt chẽ trong mối quan hệ giữa Nhà nước, đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đào tạo giảng viên, trao đổi sinh viên, chương trình thực hành trong doanh nghiệp, học bổng sinh viên, đào tạo theo chuẩn quốc tế, đáp ứng theo nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp tích cực tham gia đóng góp thực hiện Đề án; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cơ sở đào tạo về kế hoạch tuyển dụng, hỗ trợ sinh viên thực tập, xây dựng chương trình đào tạo; Đồng hành, bổ sung nguồn lực cùng nhà nước, tăng cường hợp tác PPP để hỗ trợ triển khai, nhất là các hạng mục như trung tâm bán dẫn dùng chung, chương trình thực hành với các trường đại học, các địa phương; Chủ động tham gia và tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, đặt hàng đào tạo cho các Trường, tạo đầu ra cho sinh viên.

Để kịp thời hoàn thiện Đề án và trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu các nội dung để nghị Hội nghị thảo luận, cho ý kiến. Một là, rà soát, bổ sung những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên triển khai; phương án tổ chức thực hiện; phương án phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo bao gồm đào tạo chính quy và đào tạo chuyển đổi.

Hai là, giải pháp để tăng cường sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo và tăng cường kết nối 03 nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp một cách thực chất; các giải pháp để thu hút sinh viên, giảng viên và chuyên gia, đặc biệt các chuyên gia quốc tế tham gia phát triển ngành.

Ba là, đề xuất phương án đầu tư 04 trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và 18 trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn tại 18 trường đại học ở 03 miền Bắc - Trung - Nam; cơ chế khai thác, vận hành các trung tâm dùng chung, lộ trình triển khai và các trang thiết bị của các trung tâm; vai trò của đầu tư nhà nước cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Bốn là, các cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn: học bổng, tín dụng ưu đãi cho sinh viên; lương, thưởng và phúc lợi cho giảng viên, chính sách thu hút các chuyên gia quốc tế; cơ chế mua sắm trang thiết bị…

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để Đề án triển khai được thành công và Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội “hiếm có” này để tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn thì cần có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng, Việt Nam cũng không thể đi đến đích nếu chỉ đi một mình, mà hơn lúc nào hết, ở giai đoạn và thời cơ quan trọng này, cần có sự hợp tác nhanh, mạnh và toàn diện với các quốc gia, nền kinh tế và các doanh nghiệp, đối tác hàng đầu thế giới về bán dẫn thì mới có thể đứng trên vai những người khổng lồ, tận dụng lợi thế nguồn nhân lực để vươn lên thành một quốc gia có vị thế trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để hoàn thiện và triển khai hiệu quả, thành công Đề án, góp phần đưa ngành công nghiệp bán dẫn trở thành động lực và đột phá mới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường và thịnh vượng như mục tiêu, kỳ vọng của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.

Tag:

File đính kèm