Sign In

Cuộc họp giữa hai Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội

13:35 21/06/2024
(MPI) - Ngày 21/6/2024, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra cuộc họp giữa hai Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Cùng dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Tổ phó Tổ Biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; cùng các đại biểu là thành viên Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cuộc họp nhằm trao đổi về một số vấn đề lớn, quan trọng dự kiến được thể hiện trong Báo cáo Chính trị và Báo cáo Kinh tế - Xã hội, bảo đảm sự thống nhất giữa hai Báo cáo theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Báo cáo Chính trị là báo cáo trung tâm, Báo cáo Kinh tế - Xã hội là báo cáo chuyên đề.

Cuộc họp được tổ chức có ý nghĩa để cùng nhau nhìn nhận, đánh giá những kết quả trong thời gian vừa qua khi chúng ta đã đi qua 1/3 chặng đường thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hơn một nửa chặng đường thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, cần tập trung đánh giá những kết quả đạt, chưa đạt, nguyên nhân khách quan, chủ quan, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay; đánh giá đúng tình hình khó khăn, các mặt hạn chế trong phát triển để có các giải pháp mới, mang tính đột phá nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Tại cuộc họp, hai Thường trực Tổ Biên tập đã trao đổi một số nội dung quan trọng, nổi bật của hai dự thảo Báo cáo, tập trung vào các vấn đề về đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, các quan điểm, mục tiêu phát triển và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho giai đoạn 5 năm 2026-2030. Trong quá trình xây dựng Báo cáo Chính trị, Báo cáo Kinh tế - Xã hội, hai Tổ Biên tập sẽ tiếp tục có những buổi tọa đàm, trao đổi về những nội dung cụ thể để bảo đảm thống nhất nội dung giữa hai Báo cáo theo yêu cầu của Trung ương.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, các ý kiến của hai Tổ Biên tập cơ bản thống nhất về cách tiếp cận, kế thừa tinh thần đổi mới của Đại hội XIII của Đảng; thống nhất đổi mới tư duy, cần có đột phá, bứt phá, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều thay đổi; tính đồng bộ trong đổi mới chính trị, kinh tế, văn hóa. Đồng thời, tiếp tục làm rõ hơn các điểm sáng đạt được trong nhiệm kỳ qua, sự phát triển nhận thức của Đảng ta theo hướng đầy đủ, hiện đại, hội nhập.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những việc quan trọng trong chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ XIV của Đảng: Xây dựng đường lối đúng, trúng, khả thi, phù hợp với xu thế, dòng chảy của thời đại, phát huy tối đa nguồn lực đất nước; xây dựng bộ máy, đội ngũ cán bộ; tổ chức thực hiện tốt, bám sát chủ trương, đường lối nhưng linh hoạt, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành được khá rõ hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với "3 trụ cột, 1 xuyên suốt và 6 trọng tâm. Trong đó, 3 trụ cột chính là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt là: Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là nguồn lực, động lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Thủ tướng nhấn mạnh đến 6 nhiệm vụ trọng tâm. Một là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, phát huy bản sắc "ngoại giao cây tre", chân thành, tin cậy, hiệu quả. Hai là, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược.

Ba là, thực hiện đường lối quốc phòng an ninh. Bốn là, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần. Năm là, thực hiện chính sách an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, tổng thể, hội nhập, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Sáu là, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, công tác cán bộ là then chốt của then chốt, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Về kinh tế - xã hội, Thủ tướng đề nghị cần phân tích kỹ bối cảnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ Đại hội XIII với đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử loài người, hậu quả còn kéo dài đến tận bây giờ; cạnh tranh chiến lược giữa các nước; xung đột và chiến tranh tại nhiều khu vực.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cơ bản đạt được các mục tiêu đã đề ra: Lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, mức tăng trưởng của Việt Nam là rất đáng trân trọng; cần tiếp tục tạo khí thế, niềm tin mới, động lực mới, thắng lợi mới.

Những kết quả đạt được với tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận phù hợp để giải quyết vấn đề, với tinh thần tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, vận dụng chủ trương, đường lối, chính sách một cách sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Thủ tướng nhấn mạnh đến bài học kinh nghiệm; nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, trong đó cần chỉ rõ trên nền tảng đã được tổng kết, cần tiếp tục làm rõ hơn, bổ sung, phát triển nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Về phát triển kinh tế - xã hội, cần phân tích kỹ về mục tiêu, cơ sở để đạt mục tiêu, các kịch bản, nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, mục tiêu cần có tính phấn đấu để nỗ lực đạt được, tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược, chú trọng thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Về giải pháp, bên cạnh những giải pháp đã có, cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy quyết liệt các động lực tăng trưởng mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, phát triển các ngành mới nổi.

Về huy động nguồn lực, phải tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cầu thị, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, cố gắng lớn, tập trung, nỗ lực cao và mong muốn 2 Tổ Biên tập tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, các chuyên gia tích cực tham gia để đánh giá sát tình hình, đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp khả thi, hiệu quả cao, củng cố, tăng cường niềm tin của xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, bạn bè và đối tác quốc tế./.

 

Tag:

File đính kèm