Nhằm đạt được mục tiêu đưa lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050 và hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính, ngày 9/10/2024, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (TĐCQG), Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức buổi tập huấn “Tăng cường năng lực thẩm tra, thẩm định báo cáo kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp”.
Phát biểu khai mạc, Quyền Chủ tịch Ủy ban TĐCQG Hà Minh Hiệp cho biết, hoạt động kiểm kê khí nhà kính thực chất là một quá trình đánh giá sự phù hợp. Đồng thời Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sẽ bổ sung thêm hai khái niệm mới là “kiểm tra xác nhận” và “xác nhận giá trị phù hợp”, nhằm phục vụ kiểm kê khí nhà kính.
Trong nhiều năm qua, Ủy ban TĐCQG đã thành lập tổ công tác về khí nhà kính và thực hiện nhiều hoạt động đào tạo để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Ông Hà Minh Hiệp cũng lưu ý quá trìnhkiểm kê khí nhà kính cần được nhìn nhận ở góc độ quản lý chất lượng, vì đây là một phần quan trọng trong hoạt động đánh giá sự phù hợp. “ Hướng đi tương lai của khí nhà kính gắn liền với phát triển bền vững (ESG) môi trường, xã hội, quản trị… đây chính là yêu cầu mà các quốc gia cam kết tại Hội nghị các bên (COP) .Do đó, cần có một lộ trình rõ ràng để doanh nghiệp và tổ chức hiện đang áp dụng các tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000 có thể nâng cấp lên tiêu chuẩn ISO 14064, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững”, ông Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.
Quyền Chủ tịch Ủy ban TĐCQG Hà Minh Hiệp phát biểu tại buổi tập huấn.
Chia sẻ tại buổi tập huấn, Trưởng Ban Quản lý chất lượng và Đánh giá sự phù hợp, Ủy ban TĐCQG Nguyễn Thị Mai Hương đã giới thiệu về hạ tầng chất lượng liên quan đến khí nhà kính và các tiêu chuẩn quản lý trong lĩnh vực này. Theo đó, hạ tầng chất lượng liên quan đến khí nhà kính tại Việt Nam tập trung vào các biện pháp đo lường, giám sát, báo cáo, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia…
Bà Nguyễn Thị Mai Hương cũng nhấn mạnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc xây dựng hạ tầng chất lượng liên quan đến khí nhà kính, bao gồm đảm bảo tính chính xác, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế trong các báo cáo kiểm kê. Bên cạnh đó các phương pháp kiểm kê khí nhà kính cũng cần phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra các tổ chức thẩm định và thẩm tra độc lập phải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo sự minh bạch và tin cậy trong quá trình thẩm định và đánh giá báo cáo phát thải khí nhà kính.
Buổi tập huấn thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Theo ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) thuộc Ủy ban TĐCQG, năng lực thẩm tra khí nhà kính của QUACERT được đánh giá thông qua việc chứng nhận các hệ thống quản lýnhư ISO 9001, ISO 14001, ISO 45001...., chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn; chứng nhận sản phẩm hợp quy. Đối với lĩnh vực thẩm định và thẩm tra khí nhà kính, QUACERT áp dụng các tiêu chuẩn công nhận quốc tế như ISO 17029 (thẩm định/thẩm tra) và ISO 14065 (thẩm định/thẩm tra thông tin khí nhà kính). Các tổ chức công nhận như Bureau of Accreditation (BOA) đã được khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) và Diễn đàn Công nhận Quốc tế(IAF) thừa nhận trong lĩnh vực sản xuất chung, sản xuất xi măng, xử lý chất thải.
Ngoài ra, QUACERT còn được công nhận cho các chương trình liên quan đến khí nhà kính bao gồm: Kết quả kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064-1; báo cáo thẩm tra khí nhà kính theo ISO 14064-1; Kết quả định lượng Vết carbon cho sản phẩm; Báo cáo thẩm tra vết carbon cho sản phẩm cho các tổ chức và doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ buổi tập huấn, các diễn giả đã có những bài tham luận liên quan như: Thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại doanh nghiệp; Thực trạng về chất lượng báo cáo kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp trong quá trình thẩm tra độc lập; Kinh nghiệm quốc tế về hoạt động thẩm định/thẩm tra báo cáo kiểm kê KNK; Giới thiệu phần mềm kiểm kê -thẩm tra…
Nguồn: Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia
Tag:
File đính kèm