Toàn cảnh Hội nghị giao ban.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trong năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ cần bám sát Kế hoạch hành động của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Tiếp tục phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, với 15 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 52 nhiệm vụ cụ thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các đơn vị cần chú trọng thực hiện 06 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, cụ thể:
Thứ nhất, trên tinh thần chủ động cao nhất, sớm nhất, chất lượng nhất, theo chức năng, nhiệm vụ được Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ phê duyệt, các đơn vị cần đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách.
Bộ trưởng chia sẻ, thời gian tới, Ban cán sự Đảng Bộ sẽ ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật. Trong đó, Nghị quyết sẽ tập trung tới 3 nhóm vấn đề quan trọng liên quan đến công tác tham mưu chính sách cho Đảng, Chính phủ và công tác ban hành những văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ, đặc biệt là những văn bản quy phạm pháp luật có tác động sâu rộng tới đời sống người dân thì cần trình, thảo luận tập thể, xin ý kiến của Ban cán sự Đảng.
Thứ hai, tập trung cao độ cho vấn đề lao động, việc làm, phát triển thị trường lao động, với nhiều đầu việc như: người lao động trong nước, lao động đi làm việc ở ngoài nước, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, bảo hiểm thất nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm, …
Thứ ba, đẩy mạnh và tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao về các ngành nghề mới, nổi trội như: sản xuất chip bán dẫn, hydrogen, tín chỉ carbon, … “Đây là trọng tâm để xây dựng thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại và hội nhập. Nếu không bắt kịp thì giáo dục nghề nghiệp sẽ đứng ngoài cuộc và chẳng còn ý nghĩa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển hệ thống an sinh xã hội theo hướng bao trùm, bền vững, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận của các đối tượng yếu thế, theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, với nhiều nhiệm vụ mới. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị khẩn trương sửa Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, hiện nay mức trợ cấp xã hội là 360.000 đồng/tháng là rất thấp.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo Hội nghị giao ban.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đặc biệt, Bộ trưởng quán triệt cần đẩy mạnh thực hiện chi trả không dùng tiền mặt theo Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thông qua tài khoản ngân hàng. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Chỉ những người không có khả năng thì mới thực hiện chi trả bằng tiền mặt để hạn chế tối đa phát sinh thêm những thủ tục không cần thiết”.
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý nghiêm các hành vi đùn đầy, né tránh trách nhiệm, làm chậm trễ công việc chung.
Bộ trưởng cũng phân công các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực chủ trì, phối hợp với các đơn vị xử lý những vấn đề còn đang tồn đọng. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, cần báo cáo cụ thể Bộ trưởng, Chính phủ xem xét, xin ý kiến để tháo gỡ.
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, bên cạnh công tác hoàn thiện xây dựng hồ sơ dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), lần đầu tiên, Cục Việc làm chỉ đạo Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm sẽ tổ chức các phiên chợ việc làm liên tỉnh. Bên cạnh đó, Cục Việc làm sẽ phối hợp cùng các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng để tổ chức giới thiệu việc làm cho quân nhân chuẩn bị hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi báo cáo tại Hội nghị giao ban.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi chia sẻ, trong năm 2024, Cục Người có công tham mưu cho Bộ và Chính phủ để sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Đồng thời, Cục Người có công sẽ tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác động của cải cách chinh sách tiền lương, trong đó, lồng ghép cải cách chính sách ưu đãi đối với người có công cũng như ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trong xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Liên quan đến công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin Đỗ Chí Dũng báo cáo, thời gian qua, nhận thức về công tác chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ tại các đơn vị thuộc Bộ đã được nâng cao. Hơn hết, trong công tác triển khai Đề án 06, Bộ LĐTBXH đã được Bộ Công an (đơn vị chủ trì triển khai) đánh giá cao và là một trong nhiều bộ rất tích cực. Ngoài ra, về triển khai Chỉ thị số 21, đến nay, trên cả nước đã thực hiện chi trả thành công cho hơn 1 triệu đối tượng, với tổng kinh phí khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2024, Giám đốc Đỗ Chí Dũng cũng đề nghị, các đơn vị thuộc Bộ cần triển khai số hóa hồ sơ, nhất là các đơn vị có thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu; quan tâm đẩy mạnh các dự án về chuyển đổi số; …