Sign In

Hòa Bình với lợi thế rừng, khai thác tiềm năng dịch vụ, tín chỉ cacrbon

09:22 14/04/2024
Ngày 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Trung ương có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Cùng tham dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh Hòa Bình Nguyễn Phi Long, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hòa Bình

Trên cơ sở gợi mở của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thảo luận tại buổi làm việc, trên tinh thần đồng hành, chia sẻ, các thành viên đoàn công tác Trung ương đã có những ý kiến đóng góp xác đáng để Hòa Bình có những bước đột phá, phát triển nhanh và bền vững.

Tham gia phát biểu, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung tán thành với báo cáo các kết quả đạt được của tỉnh, Bộ trưởng bày tỏ vui mừng trước các vấn đề y tế, giao thông, xã hội và đời sống của Hòa Bình “trong những năm qua có sự phát triển toàn diện”.

Với thời gian đủ dài gắn bó với mảnh đất Hòa Bình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận, các lãnh đạo Hòa Bình nhiều năng động, sáng tạo, cán bộ thì tài năng.

“Và chúng ta không chỉ có tài nguyên vô giá là con người, mà điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng, văn hóa có bề dày, phong phú và đa dạng…", lãnh đạo Bộ LĐTBXH nói.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Hòa Bình nên khẩn trương tập trung ban hành Chương trình hành động cho “ra tấm ra món” thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Khẳng định tầm quan trọng của Nghị quyết 42, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là Nghị quyết có tầm quan trọng chiến lược, tạo bước ngoặt lớn trong việc đổi mới tư duy và cách tiếp cận chính sách xã hội, chuyển từ cách tiếp cận "đảm bảo" sang “phát triển".

Do đó, khi tỉnh đưa ra một chương trình hành động được bàn thảo kỹ lưỡng, thấu đáo, “tôi tin Hòa Bình sẽ phát triển đột phá”, Bộ trưởng khẳng định.

Với tư cách là đại biểu Quốc hội của đoàn Thanh Hóa 2 khóa liền, cận kề với những mong muốn của người dân nơi đây, tại buổi làm việc với tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng “nói hộ” người dân xứ Thanh về niềm mong mỏi và niềm vui khi tuyến đường có chiều dài 88,5km nối 2 tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa sắp tới được triển khai xây dựng có chiều dài 88,5km, sẽ kết nối 2 tỉnh để phát triển liên kết vùng.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc

Về lĩnh vực đào tạo nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Hòa Bình có hệ thống trường nghề rất nhiều, hàng chục trường. Bộ trưởng đề nghị nên sắp xếp lại, tập trung cho các trường cao đẳng có đa hệ, đa ngành, đa lĩnh vực. 

Theo Bộ trưởng, ngoài tập trung đào tạo gắn với ngành nghề, việc làm nông thôn, nhất là đồng bào DTTS thì tỉnh quan tâm đào tạo các lĩnh vực công nghiệp như hôm nay vừa khởi công có sự tham dự của Thủ tướng, đã cho thấy sự phát triển của Hòa Bình trong dài hạn.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Hòa Bình có lợi thế rất lớn, tỷ lệ che phủ rừng rất cao, vì thế Hòa Bình nên có kế hoạch khai thác tiềm năng hiệu quả kinh tế của dịch vụ cacrbon như đào tạo tín chỉ cacrbon. 

“Tôi cho rằng đây là lợi thế rất lớn mà chúng ta đi trước, đón đầu sẽ có bứt phá lớn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, bên cạnh đó còn để đáp ứng nhu cầu của nhà máy sản xuất, chế tạo các loại bản mạch điện tử mới được xây dựng tại Hòa Bình, dự kiến cần 5.000 lao động khi đi vào hoạt động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các thành viên đoàn công tác với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và một số sở, ban, ngành, huyện, thành phố

Về xóa đói giảm nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận, hộ nghèo của Hòa Bình thuộc diện không cao, không thấp. “Không cao” là so với bình quân các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng lại cao so với bình quân cả nước.

Cả nước hiện bình quân hộ nghèo 5% thôi, còn Hòa Bình có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo là 18%, như vậy theo lãnh đạo Bộ LĐTBXH là còn cao. 

Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích, chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo đã bố trí hỗ trợ tỉnh hơn 106 tỷ đồng, và với Lễ phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát diễn ra hôm nay tại tỉnh, đảm bảo xóa khoảng 2.500 căn nhà tạm, nhà dột nát. 

Như vậy, vẫn còn hơn 1.200 căn nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, Bộ trưởng đề nghị Hòa Bình tập trung giải quyết dứt điểm trong 2 năm tới.


Tag:

File đính kèm