Trong nội dung này, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm (Điều 7). Cụ thể: Sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm theo hướng: Ngân sách trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội từ chi đầu tư phát triển khác;
Nguồn Quỹ quốc gia về việc làm chuyển thành nguồn ngân sách trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội (để đảm bảo phù hợp quy định Luật Ngân sách nhà nước 2015); nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội…
Bên cạnh đó, dự luật cũng mở rộng đối tượng vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài (Điều 10).
Theo cơ quan soạn thảo, việc mở rộng đối tượng cho vay nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo các nguyên tắc về việc làm, thống nhất về các quy định liên quan cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tạo cơ hội cho tất cả người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.
Ảnh minh họa
Dự kiến Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 5 đối tượng như luật hiện hành);
Đồng thời quy định đối tượng ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp hơn và quy định đảm bảo tính linh hoạt, chủ động đối với nguồn vốn của địa phương, tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: Bổ sung các quy định hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi chính sách hỗ trợ việc làm trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh, quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm theo phương thức thương mại điện tử, quy định về xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia;
Sửa đổi, bổ sung các quy định điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hạn chế gian lận, trục lợi BHTN, các quy định liên quan về quản lý nhà nước về BHTN, Quỹ BHTN, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHTN đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, với nhóm chính sách thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, dự luật tập trung sửa đổi, bổ sung quy định tạo cơ hội cho tất cả NLĐ, không phân biệt có hay không có quan hệ lao động.
"Điều này tạo môi trường để NLĐ phi chính thức tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, nhất là tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động, tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm, phát triển kỹ năng nghề", Bộ trưởng cho hay.
Đồng thời, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này còn bổ sung các quy định chính sách hỗ trợ việc làm cho người yếu thế, đặc thù, như phát huy vai trò lao động của người cao tuổi, sử dụng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lao động nghèo, lao động dân tộc thiểu số, lao động nữ… phù hợp với sức khỏe, không trái với quy định pháp luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, dự luật cũng quy định các chính sách hỗ trợ việc làm phù hợp với xu hướng mới như việc làm xanh, việc làm số, chuyển đổi năng lượng, thích ứng già hóa dân số.
Đánh giá về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, so với luật hiện hành, dự thảo luật đã quy định hỗ trợ tạo việc làm mới, duy trì, mở rộng việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, quy định cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi và làm rõ hơn chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên.