Toàn cảnh Hội nghị.
Cùng tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Thanh tra Bộ, Vụ Bình đẳng giới, Trung tâm Công nghệ Thông tin, Báo Dân trí, …
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận và đánh giá cao các mặt công tác mà Cục Việc làm đã đạt được trong năm 2023. Đồng thời, Thứ trưởng biểu dương sự cố gắng của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động thuộc Cục Việc làm để đạt được nhiều kết quả trong năm vừa qua.
Theo Thứ trưởng, năm 2023, Cục Việc làm đã hoàn thành tốt vai trò và tham mưu kịp thời cho Bộ trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng để có những chỉ đạo điều hành nhằm ổn định thị trường lao động, không để tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động xảy ra, như: Hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi); Nghị định số 70/2023/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung Nghị định số 152/2020/NĐ-CP) về quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; …
Thứ trưởng Lê Văn Thanh chỉ đạo Hội nghị.
Cũng theo Thứ trưởng, năm 2023 là năm đầu phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch, Cục đã phối hợp chặt chẽ với Sở LĐTBXH các tỉnh thành để chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, đặc biệt ở các thị trường lớn, trọng điểm nhằm đảm bảo triển khai thông suốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động qua các phiên giao dịch trực tiếp và trực tuyến, giúp thị trường lao động có nhiều chuyển biến phục hồi rõ rệt.
“Thị trường lao động năm 2023 đã được nâng tầm vị thế và được Chính phủ đặt ngang hàng so với các thị trường trọng yếu của nền kinh tế như thị trường vốn, thị trường chứng khoán hay thị trường bất động sản”, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định thêm, năm 2024, đất nước sẽ tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: Thị trường lao động mất cân đối cung - cầu, lao động cục bộ, chất lượng lao động còn hạn chế, nguồn lực đầu tư cho phát triển thị trường lao động chưa đáp ứng nhu cầu,…
Để khắc phục các khó khăn trên, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị, trong công tác xây dựng thể chế, Cục Việc làm cần tiếp tục năng động, sáng tạo, chủ động, bám sát thực tiễn, theo kịp các thay đổi của thời đại và tuân thủ thông lệ quốc tế, đảm bảo tính kịp thời và đầy đủ để tham mưu cho Bộ và Chính phủ có những quyết sách đi vào cuộc sống nhanh nhất, hỗ trợ phát triển thị trường lao động hiệu quả nhất.
Đặc biệt, Cục cần tập trung hơn nữa trong việc xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đảm bảo chất lượng, tiến độ thời gian, để Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh và Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình chủ trì Hội nghị.
Bên cạnh đó, Cục Việc làm cần chủ động hơn trong việc phối hợp với Sở LĐTBXH các tỉnh, thành trong việc thực hiện kết nối cung - cầu lao động, củng cố hệ thống thông tin phân tích dự báo thị trường lao động, kịp thời nắm bắt, dự báo tình hình để tham mưu cho Bộ, cho Chính phủ.
Thứ trưởng cũng đề nghị, Cục Việc làm cần tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, việc làm, quản lý lao động, hơn hết là lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh và phát hiện những nội dung mới, làm cơ sở để hoàn thiện công tác quản lý nhà nước.
Ngoài ra, Cục Việc làm nên thường xuyên thông tin và đối thoại với các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp để cung cấp thông tin và trực tiếp truyền thông các chính sách trong lĩnh vực việc làm.
“Năm 2024, Cục Việc lầm cần đặc biệt củng cố kỷ cương, tính đoàn kết trong đơn vị, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Bộ để triển khai công việc tốt hơn, đẩy mạnh dân chủ cơ sở, rõ người, rõ việc, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh quán triệt.
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình chia sẻ, trong năm 2024, Cục Việc làm xác định, nhiệm vụ then chốt là xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), dựa trên nguyên lý xuyên suốt là việc làm phải gắn với thị trường lao động. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ việc làm không chỉ dành cho đối tượng yếu thế mà còn khơi nhiều nội dung mới như việc làm xanh, việc làm công bằng, việc làm cho người cao tuổi…
Cục trưởng Vũ Trọng Bình nhận định: “Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ xây dựng nội hàm để củng cố thể chế, luật hóa chủ trương phát triển thị trường lao động, thể hiện vai trò của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng sẽ làm rõ vai trò doanh nghiệp tham gia thị trường lao động, cung cấp, kết nối với hệ thống trung tâm việc làm của nhà nước".
Cục trưởng Vũ Trọng Bình xác định nhiệm vụ năm 2024 của Cục Việc làm.
Báo cáo tại Hội nghị về lĩnh vực lao động – việc làm, Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy cho biết, theo thống kê, năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, tăng 666.500 người so với năm trước. Trong số đó, 51,3 triệu lao động có việc làm.
Trong tháng 9/2023, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc. Cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số rút lui khỏi thị trường, góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Các tháng cuối năm 2023, thị trường lao động khởi sắc theo đà phục hồi của kinh tế - xã hội, thể hiện qua chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất có tốc độ tăng, như Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Vũng Tàu, TPHCM...
Về lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, năm 2023, hơn 1,1 triệu người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có hơn 1 triệu người có quyết định hưởng trợ cấp này.
Bên cạnh đó, đã có 2,35 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Số người được giới thiệu việc làm như vậy tăng 5.8% so với cùng kỳ.