Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đồng chủ trì.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, hội thảo được tổ chức nhằm mục đích đưa ra một bức tranh tổng quan về thực trạng hợp tác lao động giữa Việt Nam với các nước châu Âu.
Qua đó, Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội và thách thức đối với từng thị trường để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác, định vị lĩnh vực hợp tác lao động trong tổng thể quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và từng đối tác châu Âu.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan khái quát, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động và tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và hiện nay có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.
"Khu vực châu Âu luôn được đánh giá là những thị trường trọng điểm, có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam sang làm việc. Lao động Việt Nam đã bước đầu tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường lao động quốc tế", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.
Hội thảo đã thu hút quan tâm và tham dự của gần 200 đại biểu từ Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, các Hiệp hội, doanh nghiệp đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cùng đại biểu 15 CQĐD ngoại giao Châu Âu tại Hà Nội.
Việt Nam và các nước thuộc Liên minh châu Âu có quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện, trong đó có lĩnh vực hợp tác lao động. Hoạt động hợp tác này mang lại lợi ích to lớn cho mỗi nước.
Các nước thuộc Liên minh châu Âu có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực, bù đắp thiếu hụt lực lượng lao động do già hóa dân số. Việt Nam là nước có dân số trẻ, cần giải quyết việc làm, đào tạo kỹ năng nghề, tác phong lao động công nghiệp.
Tham gia hội thảo, đại sứ quán các nước châu Âu tại Hà Nội thống nhất xác nhận thị trường này có nhu cầu lớn tiếp nhận lao động lành nghề Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo chất lượng nguồn cung, có chính sách lương bổng ổn định cùng nhiều thuận lợi về chính sách lao động.
Các doanh nghiệp cung ứng nhân lực đánh giá hoạt động hợp tác lao động với châu Âu gặp một số khó khăn như chưa có đầy đủ thông tin về thị trường lao động tại đây, chuyên môn, kỹ năng của lao động Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về lao động của các nước trong khu vực...
Bế mạc hội thảo, lãnh đạo hai Bộ Ngoại giao và Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất quan điểm phối hợp thực hiện tốt chính sách xuất khẩu lao động trong thời gian tới, duy trì và phát triển hợp tác bền vững, đảm bảo quyền lợi của người lao động.